Báo Đồng Nai điện tử
En

Lại rộ tình trạng vay ngân hàng phải mua bảo hiểm

09:03, 04/03/2023

Gần đây lại rộ lên tình trạng người vay vốn ngân hàng phải mua kèm gói bảo hiểm. Theo phản ánh của nhiều người vay vốn, không mua thì không được vay tiền hoặc phải chờ đợi rất lâu.

Gần đây lại rộ lên tình trạng người vay vốn ngân hàng phải mua kèm gói bảo hiểm. Theo phản ánh của nhiều người vay vốn, không mua thì không được vay tiền hoặc phải chờ đợi rất lâu. Còn mua, nhiều người lại không có nhu cầu, thậm chí không đủ khả năng đóng tiếp nên bỏ ngang, chịu mất tiền cho gói bảo hiểm có mua mà không có hưởng.

Không mua bảo hiểm, người vay ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi giải ngân. Ảnh minh họa: nguồn internet
Không mua bảo hiểm, người vay ngân hàng gặp nhiều khó khăn khi giải ngân. Ảnh minh họa: nguồn internet

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nhiều lần chấn chỉnh tình trạng này nhưng lợi nhuận thu được từ hoạt động kết nối giữa ngân hàng và bảo hiểm quá lớn nên tình trạng này vẫn tiếp diễn. Và, thiệt thòi vẫn là người vay.

* Làm khó người vay, khổ nhân viên

Ông T.T.N. (50 tuổi, ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho biết, nhà ông xây dựng hơn 50 năm nên đã xuống cấp, cần sửa chữa. Đầu tháng 2-2023, ông đến một ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa để vay 100 triệu đồng về sửa nhà. Theo hướng dẫn của nhân viên ngân hàng, ông đã hoàn thành các thủ tục vay như: tài sản thế chấp, chứng minh thu nhập, chứng minh mục đích vay... và ký hợp đồng vay. Tuy nhiên, dù đã hoàn chỉnh các thủ tục nhưng chờ cả tuần không thấy nhân viên thông báo đến nhận tiền vay, ông N. ghé hỏi thì nhân viên ngân hàng cho biết, nếu ông mua gói bảo hiểm 10 triệu đồng/năm thì sẽ được giải ngân ngay, còn không thì phải xếp hàng chờ, không biết khi nào mới đến lượt. Vì cần tiền sửa nhà gấp nên ông đành phải mua gói bảo hiểm trên với hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) 5 năm.

“Tôi nuôi cha mẹ già, thu nhập của vợ chồng cũng chỉ đủ nuôi 3 con, giờ mỗi tháng phải trả tiền gốc và lãi ngân hàng gần 5 triệu đồng, còn tiền đâu mà “nuôi” bảo hiểm. Không mua thì không được vay tiền nên tôi mua bảo hiểm chỉ để được vay tiền rồi cũng bỏ chứ không theo nổi lâu dài” - ông N. cho hay.

Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai PHẠM GIA HẢI cho biết: Việc “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay tiền tại ngân hàng là hành vi vi phạm pháp luật. Hành vi này có thể bị xử phạt từ 40-50 triệu đồng. Ngoài ra, có thể bị đình chỉ hoạt động từ 2-3 tháng theo Điểm đ, Khoản 2, Điều 17 Nghị định số 98/2013/NĐ-CP (ngày 28-8-2013) của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số.

Tương tự, cuối năm 2022, vợ chồng anh P.Q.V. chuyển từ TX.Bến Cát (tỉnh Bình Dương) về TP.Biên Hòa để sống gần cha mẹ. Tháng 1-2023, vợ chồng anh V. cầm giấy tờ nhà của cha mẹ thế chấp vay thêm 800 triệu đồng để mua căn hộ chung cư tại P.Thống Nhất (TP.Biên Hòa). Sau khi ký xong hợp đồng tín dụng và giấy tờ giải ngân của một ngân hàng thương mại ở TP.Biên Hòa, anh V. được nhân viên tư vấn đưa thêm một hợp đồng cho vay 20 triệu đồng mua bảo hiểm.

Anh V. kể lại: “Vợ chồng tôi giật mình, hỏi bảo hiểm gì mà phải vay đến 20 triệu đồng/năm và thời gian đóng bảo hiểm là 5 năm. Nhân viên cho biết, đây là khoản phí HĐBH đi kèm. Nếu không mua thì hồ sơ vay vốn của tôi chưa được giải ngân. Nếu vay tiền không mua kèm bảo hiểm thì tôi phải chịu lãi suất cao. Do đã làm thủ tục mua bán, đặt cọc với chủ căn hộ nên tôi đành phải chấp nhận mua gói bảo hiểm. Với số tiền vay phải trả trong 5 năm, mỗi tháng tiền lãi và gốc vợ chồng tôi trả khoảng 16 triệu đồng, giờ gánh thêm tiền mua bảo hiểm nữa là rất khó. Hơn nữa, nếu có nhu cầu mua bảo hiểm, tôi sẽ ký trực tiếp với công ty bảo hiểm, chứ mua qua ngân hàng làm chi để chịu lãi suất cả phần tiền mua bảo hiểm”.

Một số khách hàng nắm được quy định mới của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, trong đó Điều 35 quy định: trong 21 ngày ký HĐBH, người tham gia bảo hiểm có quyền thay đổi, điều chỉnh hay chấm dứt HĐBH. Sau khi thực hiện hủy HĐBH, sẽ được hoàn trả lại số tiền phí đã đóng mà không phải chịu bất kỳ khoản phí phát sinh nào nên đã chủ động hủy HĐBH trong 21 ngày. Song, không ít người cho biết, dù thực hiện theo đúng quy định nêu trên nhưng nhiều ngân hàng đã “chặn” việc này bằng cách yêu cầu khách hàng nếu hủy gói bảo hiểm thì phải tất toán khoản vay luôn; hoặc đưa vào diện “lưu ý”, khách hàng này lần sau sẽ rất khó vay tiền ở tất cả các ngân hàng.

Tình trạng này không chỉ gây khó cho người đi vay mà cả nhân viên giao dịch ngân hàng cũng khổ vì bị “khoán” chỉ tiêu tiền bảo hiểm hàng tháng.

Chị Đ.N.T., nhân viên giao dịch một ngân hàng trên đường Nguyễn Ái Quốc
(TP.Biên Hòa) cho biết, chị và các nhân viên giao dịch được cấp trên giao chỉ tiêu mỗi tháng khoảng 5-7 HĐBH với số tiền bảo hiểm tối thiểu phải đạt từ 50 triệu đồng trở lên. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu này thì coi như không hoàn thành nhiệm vụ, dù nhiệm vụ chính là giao dịch ngân hàng không có vấn đề sai sót gì. Nếu đạt, mỗi HĐBH được ký, chị T. sẽ được chi hoa hồng 10% trên giá trị HĐBH.

* Cần sự vào cuộc mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng

Sở dĩ hiện nay nhiều ngân hàng “chào bán” bảo hiểm là do có sự ký kết hợp tác giữa các ngân hàng với một số công ty kinh doanh bảo hiểm. Việc ký kết này sẽ không có gì đáng nói nếu ngân hàng chỉ làm nhiệm vụ giới thiệu, người vay thấy thực sự có nhu cầu và đủ khả năng “nuôi” HĐBH thì tự nguyện tham gia. Thế  nhưng, tình trạng “ép” người vay tiền phải mua bảo hiểm kiểu “mua bia kèm lạc” lại tái diễn. Việc làm này hoàn toàn sai nguyên tắc của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022.

Qua trao đổi với lãnh đạo một vài ngân hàng thương mại tại TP.Biên Hòa được biết, một số ngân hàng  có “giới thiệu” các loại bảo hiểm cho khách hàng nhưng hoàn toàn không có tình trạng “ép” người vay mua bảo hiểm. Việc yêu cầu người vay tham gia bảo hiểm là nhằm giảm mức độ rủi ro cho ngân hàng trong trường hợp người vay không thể chi trả được khoản vay.

Trao đổi về vấn đề này, Phó giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo cho biết, trước những phản ảnh của báo chí thời gian qua về hiện tượng một số tổ chức tín dụng “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn, tăng lãi suất hoặc “ép” khách hàng tất toán khoản vay nếu hủy HĐBH, cung cấp thông tin chưa đầy đủ, rõ ràng về sản phẩm bảo hiểm, chuyển từ tiền tiết kiệm tại ngân hàng của khách hàng sang mua bảo hiểm nhân thọ…, ngày 15-2-2023, NHNN đã ban hành Công văn số 506/NHNN-TTGSNH về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm để chấn chỉnh tình trạng này.

Công văn của NHNN Việt Nam nêu rõ: các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của NHNN về hoạt động kinh doanh, đại lý bảo hiểm; khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm.

NHNN sẽ có biện pháp xử lý nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm và tổ chức tín dụng chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này. NHNN chỉ đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp với Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiến hành thanh tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động đại lý bảo hiểm của tổ chức tín dụng. Đồng thời, thiết lập đường dây nóng của cả 2 cơ quan để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng.   

Phương Liễu

Tin xem nhiều