Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí

08:03, 30/03/2023

Bộ LĐ-TBXH vừa có đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm để hưởng chế độ hưu trí.

Bộ LĐ-TBXH vừa có đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm để hưởng chế độ hưu trí. Đề xuất này nhằm tạo điều kiện cho người lao động (NLĐ) tham gia BHXH muộn, người có thời gian tham gia BHXH ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH, đồng thời hạn chế tình trạng rút BHXH một lần.

Người dân đến nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện tại Bưu điện tỉnh. Ảnh: P.Liễu
Người dân đến nộp tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện tại Bưu điện tỉnh. Ảnh: P.Liễu

Đa phần người dân đồng thuận với đề xuất này. Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, giảm thời gian đóng BHXH thì cần tiến hành đồng bộ với giảm tuổi hưu, chia nhóm tuổi nghỉ hưu và tính toán mức lương hưu… để việc giảm thời gian đóng BHXH thực sự có ý nghĩa và NLĐ thực sự được hưởng lợi từ chính sách này.

* Đề xuất hợp lý

Hiện nhiều NLĐ sau khi nghỉ việc đã quyết định rút BHXH một lần nên khi đến tuổi xế chiều không có lương hưu, cuộc sống bấp bênh. Tình trạng NLĐ rút BHXH sớm không chỉ gây hệ lụy lâu dài đối với cuộc sống tương lai của người đó, mà còn ảnh hưởng đến cả chính sách an sinh xã hội của đất nước.

Nguyên nhân của tình trạng nhiều NLĐ ồ ạt rút BHXH một lần, bởi từ khi Luật BHXH năm 2014 được ban hành (có hiệu lực từ ngày 1-1-2016) đã bộc lộ một số bất cập như: thời gian đóng bảo hiểm quá dài, tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu; mức hưởng bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH là quá thấp; cách tính lương hưu giữa khối lao động doanh nghiệp và khối nhà nước còn chênh nhau. Bên cạnh đó, người tham gia BHXH tự nguyện hiện chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí và tử tuất mà không được hưởng trợ cấp khi ốm đau, bệnh tật, thai sản… nên nhiều người không mặn mà tham gia BHXH.

Để khuyến khích người tham gia BHXH ở lại hệ thống BHXH để sau này hưởng chế độ hưu trí, trong tờ trình dự án Luật BHXH sửa đổi mới đây, Bộ LĐ-TBXH đã đề xuất giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm. Theo nhận định của Bộ LĐ-TBXH, đây là điều kiện tối thiểu để những người tham gia thị trường lao động muộn (40-45 tuổi) có cơ hội được thụ hưởng chính sách hưu trí khi về già.

Trong đề xuất, Bộ LĐ-TBXH cho rằng, với những người tham gia BHXH càng dài thì khi đủ tuổi hưu mức hưởng sẽ càng cao; còn NLĐ đóng BHXH ngắn thì lương hưu thấp, nhưng vẫn tốt hơn cho NLĐ khi hết tuổi lao động, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi.

* Cần đồng bộ trong chính sách

Khi biết được đề xuất này của Bộ LĐ-TBXH, bà Đặng Ngọc Yến (53 tuổi, ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa), công chức công tác tại một cơ quan thuộc ngành Văn hóa cho biết, trước đây khi nghỉ làm ở một doanh nghiệp, bà đã rút BHXH một lần. Sau này bà vào làm việc trong cơ quan nhà nước, tham gia đóng BHXH từ đầu đến nay được 12 năm. Nếu bà nghỉ hưu đúng tuổi vào tháng 6-2028, lúc đó mới chỉ được 17 năm đóng BHXH; theo quy định hiện hành, muốn được lương hưu bà phải đóng BHXH tự nguyện thêm 3 năm nữa cho đủ 20 năm.

Theo thông tin từ BHXH tỉnh, năm 2022, cơ quan này đã chi gần 3,2 ngàn tỷ đồng để giải quyết chế độ BHXH một lần cho hơn 51,6 ngàn lao động (so với năm 2021, số tiền chi tăng gần 14%, số người hưởng tăng trên 6%). Tuy nhiên, 3 tháng đầu năm 2023, số người rút BHXH một lần có chiều hướng giảm so với cùng kỳ năm 2022.

“Tôi hy vọng khi giảm thời gian tham gia BHXH từ 20 năm xuống còn 15 năm, tôi sẽ không phải đóng thêm mà vẫn được nhận lương hưu. Điều đó phấn khởi biết bao. Về hưu, dù lương hưu không cao, nhưng có một khoản tiền đều đặn hàng tháng là rất yên tâm” - bà Yến tâm sự.

Một số ý kiến khác cho rằng, đúng là việc giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm để khuyến khích và tạo cơ hội cho người ở độ tuổi trung niên, những người tham gia đóng BHXH muộn có cơ hội được hưởng chế độ hưu trí. Tuy nhiên, với những công nhân trẻ trong các khu công nghiệp, việc giảm năm đóng BHXH trong bối cảnh tuổi nghỉ hưu tăng thì họ vẫn phải chờ nhiều năm mới có thể được nhận lương hưu.

Theo Điều 169 Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị định 135/2020/NĐ-CP ngày 18-11-2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu, tuổi nghỉ hưu của NLĐ được điều chỉnh tăng theo lộ trình cho đến khi nam đủ 62 tuổi (vào năm 2028) và nữ đủ 60 tuổi (vào năm 2035). Nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm năm đóng BHXH thực sự có ý nghĩa, cần phải giảm tuổi hưu tương ứng, nhất là trong thời điểm khó khăn về việc làm như hiện nay, đối tượng người trung niên thất nghiệp rất nhiều.

Ông Phạm Ngọc Vinh (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho biết, ông 52 tuổi và mới đây cũng bị cho nghỉ việc, với độ tuổi này ông rất khó xin việc khác khi các doanh nghiệp đang ưu tiên những lao động trẻ. Ông tham gia BHXH được 20 năm 3 tháng, giờ không có thu nhập, dù đủ thời gian hưởng chế độ hưu trí, nhưng lại chưa đủ tuổi về hưu để được nhận lương hưu. Nếu giảm thời gian đóng BHXH từ 20 năm thì cũng nên giảm tuổi nghỉ hưu xuống 5 năm. Như vậy, những người như ông mới có cơ hội được nhận lương hưu mà không phải chờ gần chục năm sau mới được lãnh.

Trước đề xuất của Bộ LĐ-TBXH, nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn trong kỳ họp Quốc hội tới, các đại biểu Quốc hội sẽ có những kiến nghị sát thực tế để điều chỉnh những bất cập của chính sách hưu trí theo hướng xác định tuổi hưu cho từng nhóm chứ không cào bằng; giảm năm đóng BHXH thì cần xem xét giảm tuổi hưu phù hợp và tính toán mức lương hưu hợp lý giữa nhóm đối tượng lao động trực tiếp và nhóm lao động gián tiếp… Đa phần đều mong muốn chính sách hưu trí được sửa đổi, bổ sung theo hướng hợp lý, công bằng, nhân văn.

Phương Liễu

Tin xem nhiều