Báo Đồng Nai điện tử
En

Chỉ để lại tài sản cho 1 người con có đúng không?

10:03, 31/03/2023

Hỏi: Ba tôi đã mất 30 năm trước. Đầu tháng 1-2023, mẹ tôi qua đời ở tuổi 90. Em trai út của tôi lập gia đình và ở cùng cha mẹ tôi 30 năm nay.

Hỏi: Ba tôi đã mất 30 năm trước. Đầu tháng 1-2023, mẹ tôi qua đời ở tuổi 90. Em trai út của tôi lập gia đình và ở cùng cha mẹ tôi 30 năm nay.

Sau khi mẹ tôi mất, em nói là mẹ đã lập di chúc để lại toàn bộ căn nhà cho em ấy. Hiện nhà tôi có tới 5 anh chị em và khi cha mẹ còn sống, chúng tôi đều có nghĩa vụ đóng góp nuôi cha mẹ.

Vậy xin hỏi em tôi có quyền được hưởng toàn bộ căn nhà này không?

Phạm Thùy Vân (xã Hố Nai, H.Trảng Bom)

- Trả lời: Về nội dung này, luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, theo thông tin bà cung cấp, cần xem xét đến một số yếu tố sau: mẹ của bà có để lại di chúc hay không? Nếu có thì di chúc này có hiệu lực không? Nội dung di chúc như thế nào?

Di chúc được coi là hợp pháp khi đảm bảo theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

1. Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc, không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép; nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

3. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp nếu có đủ các điều kiện được quy định tại Khoản 1, Điều 630.

4. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất 2 người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.

Trong trường hợp di chúc hợp pháp thì cần xem xét về nội dung của di chúc. Nếu tài sản là của chung cha mẹ, nhưng chỉ mình mẹ lập di chúc thì di chúc chỉ có hiệu lực đối với phần di sản của mẹ, còn phần của cha thì chia theo pháp luật.

Do bà không cung cấp rõ việc mẹ của bà lập di chúc văn bản hay di chúc miệng cho em trai thừa hưởng toàn bộ căn nhà, thời điểm lập di chúc cũng như các điều kiện về người làm chứng nên chúng tôi chỉ thông tin quy định pháp luật, mà không thể kết luận chi tiết việc em của bà có được thừa hưởng toàn bộ căn nhà của cha mẹ bà hay không.

An Nhiên (ghi)

 

Tin xem nhiều