TS-BS Trần Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có cuộc trao đổi xung quanh những thắc mắc của bạn đọc Báo Đồng Nai về bệnh đậu mùa khỉ và cách phòng tránh.
TS-BS Trần Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai. Ảnh: Phương Liễu |
Trả lời thắc mắc của bạn đọc Báo Đồng Nai về bệnh đậu mùa khỉ và cách phòng tránh, TS-BS Trần Minh Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Đồng Nai) cho biết:
- Việt Nam được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm 1 - nhóm quốc gia chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, nhiều quốc gia kề cận với Việt Nam đã xuất hiện ca bệnh, do đó Bộ Y tế cũng vừa kích hoạt một số biện pháp ứng phó phòng khi bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào nước ta.
* Người dân đang lo lắng về bệnh đậu mùa khỉ, ông có thể nói rõ hơn về bệnh này?
- Trong hướng dẫn của Bộ Y tế nêu rõ, bệnh đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể lây truyền từ động vật sang người và từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với tổn thương da, dịch cơ thể, qua quan hệ tình dục, giọt bắn đường hô hấp, vật dụng của người bị nhiễm và lây truyền từ mẹ sang con. Các triệu chứng chính của bệnh là sốt, phát ban dạng phỏng nước và sưng hạch ngoại vi, có thể gây biến chứng nặng dẫn tới tử vong.
* Tác nhân gây bệnh đậu mùa khỉ là gì? Thời gian ủ bệnh ra sao, thưa ông?
- Theo WHO, tác nhân chính gây bệnh đậu mùa khỉ là một loại virus thuộc họ Poxviridae, chúng thường sống ký sinh trong cơ thể vật chủ trung gian là các loài thú gặm nhấm. Đa phần người mắc bệnh đậu mùa khỉ đều sinh sống tại khu vực gần rừng nhiệt đới, cụ thể là các quốc gia ở Tây Phi hoặc Trung Phi. Qua nghiên cứu cho thấy căn bệnh này đã xuất hiện từ năm 1958 tại Đan Mạch. Đây là một loại bệnh truyền nhiễm hiếm gặp.
Ngày 29-7, Bộ Y tế đã chính thức ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người. Theo đó, cả trường hợp đã xác định và nghi ngờ mắc bệnh đều cần cách ly tại cơ sở y tế. |
Bệnh trải qua 4 giai đoạn: Giai đoạn ủ bệnh (từ 6-13 ngày hoặc dao động từ 5-21 ngày), người nhiễm không có triệu chứng và không có khả năng lây nhiễm. Giai đoạn khởi phát (từ 1-5 ngày) với các triệu chứng chính là sốt và nổi hạch ngoại vi toàn thân. Kèm theo, người bệnh có thể có biểu hiện đau đầu, mệt mỏi, ớn lạnh, đau họng, đau cơ. Virus có thể lây sang người khác từ giai đoạn này. Giai đoạn toàn phát: đặc trưng bởi sự xuất hiện của các ban trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban cũng có thể gặp ở miệng, mắt, cơ quan sinh dục, có thể thưa nốt hoặc dày đặc, thường gặp sau sốt từ 1-3 ngày; cuối cùng là giai đoạn hồi phục: các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 2-4 tuần rồi tự khỏi. Người bệnh hết các triệu chứng lâm sàng, không còn nguy cơ lây nhiễm cho người khác nhưng khả năng để lại các sẹo trên da có thể ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
* Bệnh đậu mùa khỉ có đặc điểm gì khác với bệnh đậu mùa thông thường, thưa ông?
- Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ có thể rất giống với những triệu chứng mà bệnh nhân đậu mùa gặp phải, nhưng nhẹ hơn. Bệnh đậu mùa khỉ bắt đầu với các triệu chứng: sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, mệt mỏi, kiệt sức… Sự khác biệt giữa các triệu chứng của bệnh đậu mùa và bệnh đậu mùa khỉ là bệnh đậu mùa khỉ làm cho các hạch bạch huyết sưng lên (bệnh nổi hạch) trong khi bệnh đậu mùa thì không.
Virus gây bệnh đậu mùa khỉ thường sống ký sinh trên một số loài, trong đó có khỉ và có thể lây sang cho người |
* Bệnh đậu mùa khỉ có dễ lây lan không? Cơ chế lây bệnh như thế nào?
- Người dân có thể bị lây bệnh đậu mùa khỉ nếu có tiếp xúc gần với người có triệu chứng thông qua các nốt ban, dịch cơ thể (dịch, mủ hoặc máu từ tổn thương trên da) và vảy ở người bệnh có nguy cơ làm lây nhiễm. Qua các đồ dùng sinh hoạt (quần áo, drap, gối, khăn mặt) hoặc vật dụng khác như: dụng cụ ăn, bát đĩa bị nhiễm virus do tiếp xúc với người nhiễm bệnh cũng có thể làm lây bệnh cho người khác.
Ngoài ra, các vết loét, tổn thương hoặc chỗ đau trong miệng người bệnh cũng có nguy cơ làm lây nhiễm, nghĩa là virus có thể lây qua nước bọt. Do đó, người có tương tác gần gũi với người bệnh có nguy cơ lây nhiễm bệnh, bao gồm: cán bộ y tế, người nhà và bạn tình có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Đặc biệt, virus đậu mùa khỉ cũng có thể làm truyền bệnh từ mẹ sang bào thai hoặc từ cha mẹ sang con trong hoặc sau khi sinh do tiếp xúc trực tiếp da với da.
* Là một chứng bệnh hiếm gặp nên nhiều người muốn biết bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm như thế nào?
- Bệnh đậu mùa khỉ đúng là một chứng bệnh hiếm gặp, được ít người biết đến. Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ nhẹ hơn so với đậu mùa và thường không chuyển biến nặng nên không đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của bệnh nhân.
Tuy nhiên, đối với một số trường hợp như người bị suy giảm miễn dịch (người bị bệnh ung thư, HIV/AIDS…), trẻ em, phụ nữ có thai… khi nhiễm bệnh cần phải theo dõi và điều trị tích cực để ngăn ngừa những biến chứng xấu xảy ra, bởi virus gây bệnh có thể nhân cơ hội hệ miễn dịch yếu để tấn công gây chuyển biến nặng. Theo WHO, hiện trên thế giới, tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ là khoảng 3-6% do không phát hiện và điều trị sớm.
* Người dân cần làm gì để phòng, tránh lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ?
- Để phòng tránh lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, hiện tại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, nên che bằng khăn vải, khăn giấy dùng một lần hoặc đeo khẩu trang để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp; rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn ngay sau khi ho, hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; dùng riêng các đồ dùng sinh hoạt như: quần áo, drap, gối, khăn mặt hoặc các vật dụng bát đĩa, ly uống nước…
* Xin cảm ơn ông!
WHO khuyến cáo, những người sống ở những nước không có bệnh đậu mùa khỉ mà bị phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân, kèm theo một hoặc nhiều dấu hiệu như: sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, sưng hạch bạch huyết, mệt mỏi, kiệt sức… kể từ ngày 15-3-2022, nên đi khám để kịp thời tầm soát bệnh. |
Phương Liễu (thực hiện)