Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh báo tình trạng ngộ độc rượu

07:08, 16/08/2022

Thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành trên cả nước đã xảy ra một số vụ ngộ độc rượu gây tử vong nhiều người. Qua đó gióng lên một hồi chuông cảnh báo hậu quả của tình trạng lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thời gian gần đây, tại một số tỉnh, thành trên cả nước đã xảy ra một số vụ ngộ độc rượu gây tử vong nhiều người. Qua đó gióng lên một hồi chuông cảnh báo hậu quả của tình trạng lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Một ca ngộ độc rượu nặng đang phải điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc  Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất
Một ca ngộ độc rượu nặng đang phải điều trị tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Ảnh: Phương Liễu

* Đừng để rượu làm chủ cuộc đời mình

Mới đây, ngày 12-8, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) tiếp nhận 9 bệnh nhân bị ngộ độc do uống phải rượu pha cồn công nghiệp.

Trước đó, ngày 6-8, nhóm 8 sinh viên ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) nhậu 5 lít rượu pha với nước ngọt cũng bị ngộ độc rượu và 2 sinh viên đã tử vong. Hoặc vụ 3 phụ nữ ở tỉnh Cà Mau tử vong vào ngày 25-7 cũng do ngộ độc sau khi uống nhiều rượu.

Tình trạng ngộ độc rượu nghiêm trọng nêu trên không phải hiếm. Ngày 14-10-2021, tại địa bàn H.Nhơn Trạch cũng xảy ra một vụ ngộ độc rượu khiến 3 người tử vong.

Theo thông tin từ 2 bệnh viện lớn của tỉnh là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, tuần nào bệnh viện cũng tiếp nhận những bệnh nhân nhập viện cấp cứu do ngộ độc rượu và liên quan đến rượu.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới về tỷ lệ uống rượu, bia. Gần 50% nam giới ở Việt Nam uống rượu, bia ở mức nguy hại…

Năm nay 46 tuổi nhưng ông Đ.C.H. (tạm trú xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) đã có gần 30 năm “làm bạn” với rượu. Ngày 10-8, ông H. được hàng xóm đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai trong tình trạng hôn mê, rối loạn thần kinh, xuất huyết bao tử, không còn nhận thức do ngộ độc rượu. Sau những nỗ lực điều trị của các bác sĩ ở bệnh viện, hiện ông H. đã qua cơn nguy kịch, nhưng chẩn đoán mới nhất cho biết ông đã bị xơ gan nặng, tác hại của một thời gian dài uống rượu.

Ông Đ.C.H. cho biết, 15 tuổi ông rời quê ở tỉnh Hà Nam để theo người quen vào Đồng Nai làm thợ hồ. Đặc thù công việc rày đây mai đó nên ông thường xuyên uống rượu. “Ngày nào đi làm về tôi cũng uống rượu cho đỡ buồn, uống riết đâm nghiện. Mỗi sáng đi làm nếu không có 1 xị rượu tôi không làm việc được. Giờ bệnh tật thế này rồi, hối cũng không còn kịp nữa…” - ông Đ.C.H. nói.

Nằm cạnh ông Đ.C.H. ở Khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai), ông Đ.V.H. (57 tuổi, ngụ xã Phú Ngọc, H.Định Quán) cũng đang gánh chịu hậu quả nặng nề của việc lạm dụng rượu, bia. Ông Đ.V.H. đang phải thở oxy do bệnh xơ gan giai đoạn cuối, bụng sưng to. Ông cũng từng bị tháo khớp một bàn chân do biến chứng của tiểu đường.

Ông Đ.V.H. cho biết, ông đã uống rượu cách đây 40 năm. Làm nghề thợ mộc, mỗi sáng chủ xưởng lại cho nhóm thợ 3 người của ông một chai rượu 1 lít, 3 người vừa uống, vừa làm. Cả một thời gian dài, mỗi ngày ông H. giữ 3 cữ rượu sáng - trưa - chiều, mỗi cữ 3 ly, lượng rượu nạp vào người ông mỗi ngày khoảng nửa lít.

Bằng những lời nói đứt quãng, mệt mỏi, ông Đ.V.H. cho biết: “Nghĩ lại thấy mình dại, biết rượu có hại cho sức khỏe nhưng khi nhận ra thì đã muộn. Giờ mang nhiều căn bệnh nan y trong người, khổ mình, khổ cả vợ con. Tôi cũng từng nói với các con, hãy nhìn cha mà tránh xa rượu bia ra kẻo hối không kịp”.

BS Nguyễn Xuân Hiếu (Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) cho biết, tuần nào khoa cũng tiếp nhận những bệnh nhân bị ngộ độc rượu, trong số đó có những người bị ngộ độc rượu khá nặng. Cá biệt có những ca ngộ độc rượu ra vào khoa nhiều lần.

“Nhiều người bị ngộ độc vào bệnh viện trong tình trạng thập tử nhất sinh, được bác sĩ khuyến cáo ngưng uống rượu, họ gật gù hứa hẹn nhưng rồi ít ngày sau lại vào với cùng một chứng ngộ độc rượu hoặc bị các chứng bệnh về gan - liên quan đến rượu. Cũng có không ít trường hợp ra đi mãi mãi do rượu” - BS Hiếu chia sẻ.

* Rượu - “kẻ thù” của sức khỏe

BS Nguyễn Xuân Hoàng, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, khoa thường xuyên tiếp nhận những ca ngộ độc rượu vào viện, nhất là vào dịp lễ, Tết. Với những trường hợp ngộ độc methanol nhẹ, người bệnh có cảm giác say, chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn và nôn ói; trường hợp nặng sẽ có biểu hiện rối loạn tiêu hóa, nôn ra máu, rối loạn thần kinh (co giật, hôn mê, co cứng toàn thân), rối loạn hô hấp (thở nhanh, phù phổi cấp), rối loạn tuần hoàn (mạch nhanh, huyết áp giảm), đồng tử giãn, xuất tiết võng mạc và tử vong.

“Trong số những ca ngộ độc rượu hoặc tử vong do ngộ độc rượu là vì uống nhầm methanol, một loại cồn công nghiệp hoặc uống rượu có chứa chất methanol. Đây là một loại hóa chất rất độc. Chỉ cần uống phải 5-15ml rượu có chứa methanol có thể gây ngộ độc nặng; uống 15ml trở lên gây mù lòa; 30ml có thể gây tử vong” - BS Hoàng cho hay.

Theo BS Hoàng, tình trạng say rượu, ngộ độc rượu là những phản ứng cấp của cơ thể khi phải tiếp nhận một lượng rượu vượt quá khả năng chịu đựng của cơ thể. Song, còn có rất nhiều loại bệnh nan y liên quan đến rượu vẫn âm thầm phá hủy cơ thể, tạo ra những căn bệnh nan y như: viêm gan, tim mạch, viêm loét dạ dày - tá tràng, bệnh sảng run, bệnh gút… Ngoài ra, người uống rượu còn mắc các bệnh liên quan đến rối loạn tâm thần, rối loại hành vi, thoái hóa hệ thần kinh, gây ra tình trạng suy thoái tâm thần.  Đây là những nguyên nhân trực tiếp gây ra nhiều bệnh tật và cũng là nguyên nhân của tình trạng bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật và tai nạn giao thông...

Phương Liễu

Tin xem nhiều