Báo Đồng Nai điện tử
En

Lạm dụng ngôn ngữ mạng xã hội

07:07, 26/07/2022

Sự bùng nổ của mạng xã hội (MXH) dẫn đến nhu cầu giao tiếp qua mạng gia tăng. Điều đáng quan tâm là giới trẻ có xu hướng thích sử dụng, thậm chí lạm dụng ngôn ngữ tự chế, lai ghép lệch chuẩn để giao tiếp thực tế.

Sự bùng nổ của mạng xã hội (MXH) dẫn đến nhu cầu giao tiếp qua mạng gia tăng. Điều đáng quan tâm là giới trẻ có xu hướng thích sử dụng, thậm chí lạm dụng ngôn ngữ tự chế, lai ghép lệch chuẩn để giao tiếp thực tế.

Một bài viết của một “cư dân” mạng đăng trên tài khoản Facebook cố tình viết sai chính tả để “mua vui”
Một bài viết của một “cư dân” mạng đăng trên tài khoản Facebook cố tình viết sai chính tả để “mua vui”

Tình trạng này nếu không được chấn chỉnh sẽ không chỉ làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt mà còn tạo thành thói quen sử dụng ngôn ngữ, gây ảnh hưởng đến giới trẻ trong học hành cũng như khi thực hành các văn bản công việc sau này…

* Ngôn ngữ tự chế thời @

Cùng với sự bùng nổ của các nền tảng MXH và các kênh thông tin trên internet, ngôn ngữ tiếng Việt cũng ít nhiều bị ảnh hưởng, biến đổi do người sử dụng cắt ghép, lai tạo theo trào lưu. Loại ngôn ngữ tự chế này đang xuất hiện tràn lan ở hầu hết các diễn đàn (forum), nhật ký trực tuyến (blog), nhất là khi tán gẫu (chat) qua mạng.

Một số cách “biến đổi” ngôn ngữ tiếng Việt đang được nhiều người dùng trên MXH là xen kẽ tiếng Việt với tiếng nước ngoài, thậm chí ghi sai chính tả nhằm tạo sự khác biệt, độc đáo. Cụ thể, vào một nhóm chat, tôi đọc được một đoạn chào hỏi của một bạn gái trẻ viết: “Tui là mem mới đêy. Xynk vừa đủ, sexy đủ xài, làm wen nhoa” (tạm dịch:  Tôi là thành viên mới đây. Xinh vừa đủ, gợi cảm đủ xài, làm quen nha).

Nói về vấn đề sử dụng ngôn ngữ của giới trẻ nói chung và học sinh trên MXH cá nhân, Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH cho biết: “Trong cuộc sống hằng ngày, lời nói, ngôn ngữ là một phần trong ứng xử góp phần quan trọng tạo nên giá trị con người. Sử dụng ngôn ngữ chuẩn, giàu biểu cảm và hàm súc sẽ là một lợi thế khi giao tiếp, tạo ấn tượng tốt cho người đang tương tác và chắc chắn đó sẽ là một lợi thế nhất định cho sự thành công. Do đó, các bạn trẻ, nhất là các em học sinh không nên lạm dụng ngôn ngữ tự chế: cụt lủn, què quặt, cá biệt để tránh thói quen không tốt trong cách sử dụng ngôn ngữ”.

Đặc biệt, ở các “cửa sổ chat” hay blog cá nhân, tình trạng viết sai lỗi chính tả tràn lan. Chẳng hạn bài đăng của một tài khoản trên Zalo cá nhân chỉ là một đoạn ngắn nhưng có đến gần 30 lỗi chính tả: “Tui xin kiu gọi các thành viên hãy tích cực ziệc đội mũ bẻo hỉm khi đi za đường ghen. Vì seo à? Để đẻm bẻo en tòn dzì cái đầu của mình là quan trọng nhứt mờ. Hơn nữa, bi giờ cũng có nhìu kỉu địp lém đóa. Nhà tui vừa mở tịm bán mũ bẻo hỉm, ai có thec mec gì thì gọi cho tui. Mong pà kon ủng hộ…”.

Trò chuyện với vài học sinh THPT ở TP.Biên Hòa về tình trạng sử dụng ngôn ngữ khi giao tiếp trên mạng, các em cho rằng, trao đổi thông tin hiện nay chủ yếu trên điện thoại thông minh, không có nhiều thời gian để viết câu chữ cho đầy đủ từng ký tự. Viết tắt, viết nhanh, đưa ký hiệu… viết kiểu nào miễn người kia hiểu là được. Giờ đọc dòng tin nhắn với chuẩn tiếng Việt, đủ ký tự, đủ chủ ngữ vị ngữ thì… “lúa” lắm.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là ngôn ngữ biến tướng đi từ mạng ảo vào đời thực khi không ít học sinh đã sử dụng ngôn ngữ này để chép bài, thậm chí cả trong giao tiếp.

Chị Trần Thị Ánh Dương (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, mới đây khi dọn bàn học cho con, chị tình cờ xem tập vở và thấy “choáng” khi con chép bài bằng ngôn ngữ lạ, khiến chị vừa đọc vừa dịch nghĩa. Ví dụ: ngèy maj (ngày mai), ja trj nh4^n v4(n (giá trị nhân văn), b4?n ~ (bản ngã),  hẽm bít (không biết), wé đeo khổ (quá đau khổ)... Chị Dương thắc mắc, liệu giáo viên có biết mà chấn chỉnh không.

* Không chấn chỉnh sẽ thành thói quen

Tình trạng sử dụng ngôn ngữ tự chế, lai ghép, thay đổi vô lối không theo một quy luật nào đã và đang xuất hiện tràn lan trong giới trẻ. Nếu lạm dụng ngôn ngữ “tự chế” này có thể gây ra không ít hệ lụy như: làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, ảnh hưởng kỹ năng giao tiếp, trình bày văn bản…

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) Trịnh Phương Ngọc, đồng thời là một giáo viên dạy môn Văn cho biết: “Thực tế, hiện nay có hiện tượng các em học sinh sử dụng ngôn ngữ “tự chế” để giao tiếp với nhau trên MXH, thậm nhiều em coi việc sử dụng từ chuẩn tiếng Việt là... không sành điệu, không theo kịp thời đại. Suy nghĩ đó là lệch lạc và thực sự không có gì đáng để thể hiện hay sành điệu gì trong việc dùng những loại ngôn ngữ phá cách này”.

Đồng thuận với vị hiệu trưởng này, nhiều ý kiến cho rằng, dùng ngôn ngữ “tự chế” vui chơi trên diễn đàn mạng ở mức độ vừa phải thì chấp nhận được nhưng lạm dụng đưa vào học tập, giao tiếp thì rất không nên. Bởi, một bài văn, một tin nhắn được viết đúng chính tả, có thông điệp rõ ràng, nội dung mạch lạc... sẽ khiến người đọc, người nhận hiểu đúng, hiểu nhanh, tránh được tình trạng hiểu lầm và người gửi cũng đỡ mất thời gian giải thích. Chưa kể, sự lạm dụng trong thói quen dùng từ “tự chế” dễ dẫn đến những bất lợi trong kỹ năng giao tiếp, làm cho người nhận, người đọc khó chịu vì không phải ai cũng hiểu được ngôn ngữ “thập cẩm” này…

Phương Liễu

Tin xem nhiều