Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, mùa hè năm 2022, rất nhiều người tổ chức cho gia đình đi chơi xa. Đây cũng là thời điểm mà các nhóm đối tượng lừa đảo núp dưới danh nghĩa du lịch giá rẻ chất lượng cao hoạt động rầm rộ trên mạng với chiêu thức, thủ đoạn tinh vi.
Được đơn vị tổ chức tour chuyển cho xem phòng khách sạn 3 sao qua mạng (hình trên), nhưng khi đến nơi gia đình chị Lê Thúy Bình (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) lại phải ở trong phòng nghỉ tập thể giường tầng (hình dưới). Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, mùa hè năm 2022, rất nhiều người tổ chức cho gia đình đi chơi xa. Đây cũng là thời điểm mà các nhóm đối tượng lừa đảo núp dưới danh nghĩa du lịch giá rẻ chất lượng cao hoạt động rầm rộ trên mạng với chiêu thức, thủ đoạn tinh vi.
* Muôn kiểu lừa tour…
Ngày 16-7, 4 người trong gia đình chị Nguyễn Ngọc Lan (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) để bay ra đảo Phú Quốc theo tour du lịch 4 ngày 3 đêm của Công ty Du lịch L.V. Thế nhưng, tại sân bay, gia đình chị Lan chưng hửng khi đơn vị tổ chức tour không đến, hỏi quầy check-in thì được thông báo không có tên trong các chuyến bay ra Phú Quốc hôm đó. Sau nhiều giờ chờ đợi, gọi nhiều cuộc điện không liên hệ được với đơn vị tổ chức tour, gia đình chị Lan đành thuê taxi về nhà trong nỗi hậm hực vì bị lừa.
Chị Lan cho biết, chị vừa đón mẹ từ miền Trung vào nên mua tour du lịch Phú Quốc cho gia đình. Sau khi tham khảo nhiều đơn vị tổ chức tour, chị đã chọn tour của Công ty Du lịch L.V. vì giá khá rẻ. Cụ thể, giá tour công ty này đưa ra với 4 ngày 3 đêm chỉ có 4,5 triệu đồng/khách, bao gồm: vé máy bay đi và về, ở khách sạn 3 sao, ăn 3 bữa/ngày, bao vé vào các khu vực vui chơi…, trong khi các tour đi Phú Quốc khác phải từ 7-8 triệu đồng/khách. Chị đọc trên trang mạng xã hội của công ty này có rất nhiều người bình luận khen tour rẻ mà chất lượng, hứa hẹn sẽ tiếp tục đồng hành cùng công ty nên chị đã đăng ký tour.
Nửa ngày sau khi chị Lan đăng ký tour trên mạng, nhân viên công ty đưa hợp đồng đến với những cam kết rất chi tiết, rõ ràng nên chị yên tâm. Giải thích về giá tour khá rẻ so với nhiều nhà tour khác, nhân viên này cho biết, vì công ty mới thành lập nên chủ yếu làm không lãi để cạnh tranh, xây dựng thương hiệu cũng như lấy mối quan hệ với khách sau này. Nhân viên công ty nói gia đình chỉ cần đóng 50% tổng giá trị tour, trước khi về thì thanh toán nốt 50% còn lại. Thế nhưng, sau khi nhận hơn 11 triệu đồng, đơn vị này đã “bỏ rơi” gia đình chị ở sân bay như đã kể trên. Gọi điện nhiều lần không được phản hồi, lần theo địa chỉ Công ty Du lịch L.V. trên trang web công ty thì đó là trụ sở của một cơ quan nhà nước ở TX.Bến Cát (tỉnh Bình Dương).
Cũng bị lừa “một cú đau” và phải trải nghiệm chuyến du lịch “vất vưởng” là trường hợp chị Lê Thúy Bình (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa). Tháng 6-2022, chị Bình đưa gia đình 5 người đi Sapa chơi. Do không rành địa bàn nên chị đã liên hệ với một nhà tour trên mạng có tên “Tour Sapa từ Hà Nội” 3 ngày, 2 đêm với giá 2,1 triệu đồng/khách, bao gồm: ở khách sạn 3 sao, ăn 3 bữa/ngày, xe chất lượng cao và đặc biệt là bao cả vé đi cáp treo và leo đỉnh Fansipan. Đơn vị tổ chức tour tặng voucher 100 ngàn đồng/khách cho tour từ 5 người trở lên và thanh toán hết tiền tour một lần.
Từ TP.Biên Hòa, gia đình chị Bình bay ra TP.Hà Nội. Theo kế hoạch là 6 giờ sáng hôm sau xe sẽ đón lên Sapa. Thế nhưng, hôm sau chẳng có xe nào đến đón, gọi lại cho đơn vị tổ chức tour thì được đơn vị này xin lỗi vì xe gặp sự cố và nói sẽ cử xe khác đến đón cả nhà lên Sapa. Người này nhờ chị thanh toán tiền xe 1,5 triệu đồng cho nhà xe, khi đón gia đình tại Sapa, nhà tour sẽ hoàn lại số tiền trên.
Sau 5 giờ ngồi xe, đầu giờ chiều, gia đình chị Bình đến được Sapa. Xuống xe vào một quán nước ngồi đợi, thế nhưng đến gần chiều tối không thấy đơn vị tổ chức tour đến đón. Gọi điện nhiều cuộc thì đầu dây bên kia lại xin lỗi rối rít và tiếp tục hướng dẫn chị đến một nhà nghỉ ở tạm vì đang… kẹt khách sạn. Thay vì ở khách sạn 3 sao, 2 người/phòng như cam kết trong tour thì gia đình chị 5 người phải ở trong một phòng nghỉ tập thể với 3 chiếc giường tầng đôi. Và từ đó, nhà tour mất hút, không còn liên lạc được nữa.
“Bất ngờ bị đem con bỏ chợ, gia đình tôi chới với vì đây là lần đầu tiên du lịch ra phía Bắc. Dù bị lừa một vố đau, nhưng đằng nào cũng đã lên đến Sapa, gia đình tôi đành tự bỏ thêm tiền ra đi chơi, ăn uống. Mất hơn 11 triệu đồng mua tour để mua lấy bài học đắt giá về những chiêu trò lừa đảo của đơn vị tổ chức tour làm ăn chụp giật” - chị Bình nói trong bức xúc.
* Cân nhắc khi mua tour giá rẻ
Phó trưởng phòng Quản lý văn hóa - thể thao và du lịch (Sở VH-TTDL) Nguyễn Văn Hậu cho biết, gần đây hoạt động bán tour qua mạng được nhiều công ty đẩy mạnh giúp khách hàng dễ dàng lựa chọn điểm du lịch phù hợp, không phải mất thời gian đến tận công ty để giao dịch. Tuy nhiên, đây cũng là “kẽ hở” nảy sinh hiện tượng lừa đảo của công ty bán tour du lịch trực tuyến.
Theo ông Hậu, những nhóm lừa đảo thường đánh vào tâm lý ham tour giá rẻ nên nhiều du khách chọn tour mà không tìm hiểu kỹ thông tin, không hỏi kỹ chi tiết lịch trình tour, các dịch vụ bao gồm trong tour. Có thể “điểm mặt” một số chiêu trò sau: mua tour giá rẻ nhưng đến nơi mới biết đó chỉ là tiền vé máy bay hoặc xe và khách sạn, không bao gồm tiền ăn, phí tham quan hay vé vào cổng các khu du lịch. Hoặc nhà tour yêu cầu chuyển 50% trị giá tour hoặc chuyển 100% để được nhận tour giá rẻ, nhưng khi nhận được tiền thì nhóm lừa đảo này biến mất, chặn ngắt liên lạc với người đặt tour.
Để du khách yên tâm với tour đã đặt, các nhóm lừa đảo còn chuyển cả code vé máy bay và mã đặt chỗ chuyến bay cùng lịch trình tour, nhưng khi đến sân bay check-in mới chưng hửng vì vé đã bị hủy vì không thanh toán. Do đó, để không bị lừa đảo khiến kỳ nghỉ vừa tốn tiền lại mất vui, ông Hậu khuyến cáo khách du lịch cân nhắc khi chọn tour giá rẻ; nên ưu tiên chọn những thương hiệu lữ hành uy tín, lâu năm, được cơ quan chức năng cấp phép.
Trước khi mua tour, khách nên tìm hiểu thật kỹ chương trình đã bao gồm những gì, ăn uống, ngủ nghỉ ở khách sạn mấy sao, hợp đồng gói bảo hiểm cho khách và các chi phí phát sinh cụ thể khách phải trả. Riêng với những tour du lịch nước ngoài, khách nên yêu cầu công ty cho xem giấy phép có dịch vụ kinh doanh lữ hành quốc tế hay không… để bảo đảm không bị bán tour hay bị… « đem con bỏ chợ ».
Theo ông PHẠM GIA HẢI, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh, hiện nay, bên cạnh những đơn vị tổ chức tour hoạt động uy tín thì có không ít đơn vị núp bóng lừa đảo mời chào mua tour giá rẻ trên các website hoặc trên các trang mạng xã hội nhưng không có văn phòng, không có địa chỉ cụ thể. Khi người tiêu dùng gặp sự cố, bị lừa đảo rất khó để xử lý. Do đó, du khách nên cẩn trọng khi đặt tour trên mạng, nhất là tour giá rẻ. |
Phương Liễu