Hỏi: Bà Phạm Thị Cúc (ngụ xã Bình Minh, H.Trảng Bom) hỏi, vừa rồi tôi có mua cây mai cảnh của ông A nhưng không biết đó là tài sản do ông A đào trộm từ vườn của hàng xóm.
Hỏi: Bà Phạm Thị Cúc (ngụ xã Bình Minh, H.Trảng Bom) hỏi, vừa rồi tôi có mua cây mai cảnh của ông A nhưng không biết đó là tài sản do ông A đào trộm từ vườn của hàng xóm. Do đó, khi được chính quyền mời lên làm việc, tôi được giải thích đó là tài sản trộm cắp nên việc chiếm hữu của tôi không ngay tình. Vậy xin luật sư giải thích cho tôi rõ, pháp luật quy định thế nào là chiếm hữu ngay tình và chiếm hữu không ngay tình?
- Trả lời: Theo Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền chiếm hữu là một trong 3 quyền của chủ sở hữu (chiếm hữu, sử dụng và định đoạt). Trong thực tế cuộc sống vẫn xảy ra trường hợp có những người không phải là chủ sở hữu nhưng vẫn chiếm hữu tài sản đó. Chẳng hạn như: tài xế điều khiển xe ô tô, người thuê máy móc, thuê nhà...
Chính vì vậy, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, chiếm hữu ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu (Điều 180). Còn chiếm hữu không ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu biết hoặc phải biết rằng, mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu (Điều 181).
Do cây mai ông A bán cho bà là tài sản có được do chiếm hữu bất hợp pháp (đào trộm) nên việc mua bán giữa bà với ông A là trái pháp luật. Vì vậy, bà phải trả cây mai đó lại cho người hàng xóm ông A và yêu cầu ông A trả lại tiền cho bà.
Lưu ý, nếu bà biết hoặc hứa hẹn trước việc mua bán cây mai cảnh do ông A đào trộm thì bà phải chịu trách nhiệm liên đới về hành vi trộm cắp của ông A.
LS Ngô Văn Định