Dịch bệnh Covid-19 chủng mới Omicron đang bùng phát mạnh, số ca mắc Covid-19 tăng rất nhanh. Nhiều F0 cách ly điều trị tại nhà nhưng chất thải phát sinh từ sinh hoạt của các F0 tại nhà lại không được quản lý, phân loại, thu gom riêng như chất thải lây nhiễm mà lại được thải bỏ chung với rác thải sinh hoạt thông thường..., trong khi đây là nguồn lây dịch bệnh cho cộng đồng.
Dịch bệnh Covid-19 chủng mới Omicron đang bùng phát mạnh, số ca mắc Covid-19 tăng rất nhanh. Nhiều F0 cách ly điều trị tại nhà nhưng chất thải phát sinh từ sinh hoạt của các F0 tại nhà lại không được quản lý, phân loại, thu gom riêng như chất thải lây nhiễm mà lại được thải bỏ chung với rác thải sinh hoạt thông thường..., trong khi đây là nguồn lây dịch bệnh cho cộng đồng.
Một người dân ở P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa) bỏ rác thải của người thân nhiễm Covid-19 vào thùng rác dành chứa chất thải lây nhiễm theo đúng quy định. Ảnh: P.Liễu |
Theo thông tin từ Sở Y tế, ngày 9-3-2022, toàn tỉnh có gần 5,3 ngàn ca F0, đây là ngày có số ca F0 nhiều nhất trong 5 ngày vừa qua. Hiện có gần 3 ngàn ca F0 cách ly điều trị tại nhà, nâng tổng số ca đang cách ly điều trị tại nhà lên 30 ngàn. Số lượng F0 cách ly tại nhà lớn như vậy đồng nghĩa với việc phát sinh một lượng rất lớn chất thải có tính chất lây nhiễm cần được thu gom, xử lý đúng theo quy định để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
* Một nguồn lây bệnh trong cộng đồng
Nhiều tháng qua, Đồng Nai đã cho các bệnh nhân mắc Covid-19 nhẹ, không triệu chứng được cách ly, điều trị tại nhà. Mặc dù quy định của ngành Y tế, đối với rác thải của bệnh nhân F0 phải được phân loại riêng nhưng trên thực tế nhiều F0 cũng như hộ gia đình có F0 không quan tâm đến việc phải phân loại riêng mà phần lớn đều bỏ chung với rác thải sinh hoạt thông thường.
Ông Đ.V.T. (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) cho biết, vừa qua cả 4 người trong gia đình ông đều bị bệnh Covid-19. Vì đều là F0 nên những người trong gia đình ông T. cách ly điều trị tại nhà, nhưng mỗi người vẫn đeo khẩu trang khi ra khỏi phòng của mình. Mỗi ngày thải bỏ mấy chiếc khẩu trang, cả quá trình cách ly, gia đình thải ra vài chục chiếc khẩu trang và một số dụng cụ y tế (găng tay, kit test) đã qua sử dụng, nhưng nhà ông vẫn bỏ chung vào thùng chứa rác sinh hoạt thông thường.
Giám đốc Sở Y tế, TS-BS PHAN HUY ANH VŨ cho biết, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, số ca mắc Covid-19 gia tăng từng ngày, nếu chỉ có nỗ lực của các cơ quan chức năng, các đơn vị chuyên môn và lực lượng phụ trách về vệ sinh môi trường thực sự là chưa đủ. Do vậy, rất cần sự chung tay của mỗi người dân, mỗi gia đình, đặc biệt là những người bệnh và gia đình có F0 điều trị tại nhà, hãy thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm, nhằm tránh những rủi ro lây lan trong cộng đồng. |
“Tôi không biết và cũng không được nhân viên y tế hướng dẫn phải bỏ riêng loại chất thải này. Chỗ tôi 2 ngày đổ rác một lần, nếu có phân loại thì ít quá, để riêng thì sợ nhân viên vệ sinh không thu gom” - ông Đ.V.T. nói.
Bà Quách Ngọc Bửu, Tổng giám đốc Công ty CP Môi trường Sonadezi cho biết, thời gian vừa qua, trong quá trình thu gom rác sinh hoạt thông thường, nhân viên của công ty vẫn thấy tình trạng chất thải từ sinh hoạt của các F0 cách ly điều trị tại nhà đã qua sử dụng bỏ chung với chất thải sinh hoạt thông thường, nhiều nhất là khẩu trang, đồ phòng hộ chống dịch. Do đó, để việc thu gom nguồn thải này được triệt để, nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh, các địa phương nên hướng dẫn cho người dân trong việc phân loại, quy định khu vực tập trung chất thải từ F0 cách ly tại nhà để các đơn vị được giao trách nhiệm thu gom dễ dàng thực hiện.
Những ngày gần đây, mỗi ngày TP.Biên Hòa có từ 1-1,5 ngàn ca F0 được quản lý tại nhà. TP.Biên Hòa là địa bàn có số ca F0 quản lý tại nhà nhiều nhất tỉnh. Do đó, việc quản lý, thu gom, xử lý chất thải lây nhiễm từ một lượng lớn F0 này rất khó khăn, vất vả.
Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa Nguyễn Duy Tân cho hay, hiện có nhiều người nhiễm Covid-19 nhưng không khai báo hoặc có khai báo, được hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt của F0, nhưng không quan tâm thực hiện vì không muốn mất thời gian hay trong nhà có thêm thùng rác...
* Bảo đảm thu gom rác đầy đủ để khống chế nguồn lây nhiễm
Ngày 27-2, Bộ Y tế có Công văn số 922/BYT-MT về việc tăng cường quản lý chất thải đối với các trường hợp mắc Covid-19 quản lý tại nhà nhằm hướng dẫn việc quản lý chất thải với các trường hợp F0 cách ly điều trị tại nhà.
Đến ngày 4-3, Sở Y tế cũng ban hành Công văn số 1721/SYT-NV Đồng Nai về tăng cường quản lý chất thải đối với các trường hợp mắc Covid-19 quản lý tại nhà, chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của các F0 điều trị tại nhà. Theo đó, quần áo thải bỏ, khẩu trang, trang phục phòng hộ cá nhân của F0, người chăm sóc khi tiếp xúc với F0 được thải bỏ được coi là chất thải lây nhiễm, cần phải được phân loại, thu gom và xử lý theo đúng quy định về chất thải y tế lây nhiễm. Công văn này cũng phổ biến cụ thể những quy định trong việc thu gom, vận chuyển, lưu trữ và xử lý theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế và Bộ TN-MT.
Theo hướng dẫn của Sở Y tế, các chất thải sinh hoạt phát sinh từ phòng cách ly của người F0 đang được quản lý tại nhà phải được bỏ vào túi hoặc thùng có lót túi, bên ngoài túi, thùng đựng chất thải có chữ “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2”; bố trí người, tổ chức thu gom, vận chuyển, xử lý các túi, thùng đựng chất thải lây nhiễm của các F0 được quản lý tại nhà để đưa đến nơi tập kết, chuyển giao cho đơn vị có chức năng phù hợp được lựa chọn để xử lý theo quy định. Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải được buộc kín miệng túi, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải làm phát tán mầm bệnh ra bên ngoài.
Tại TP.Biên Hòa, UBND thành phố đã xây dựng xong kế hoạch tổ chức thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt của các F0 quản lý tại nhà. Theo đó, phân công cho các phòng, ban liên quan tổ chức tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến các quy định để các F0 và người thân thực hiện phân loại chất thải theo đúng quy định. Ngoài ra, UBND TP.Biên Hòa giao cho Trung tâm Dịch vụ Công ích Biên Hòa hằng ngày tiến hành thu gom, vận chuyển chất thải đến các đơn vị có chức năng để vận chuyển, xử lý chất thải có nguy cơ lây nhiễm theo đúng quy định...
Riêng công tác tập kết chất thải lây nhiễm tại địa bàn các xã, phường, UBND TP.Biên Hòa đã yêu cầu các xã, phường bố trí thùng đựng chất thải (màu vàng) loại dung tích lớn, có bánh xe đẩy, nắp đậy để người dân bỏ chất thải sinh hoạt từ các F0 và bố trí các điểm tập kết chất thải phù hợp để thuận lợi cho các xe chuyên dụng đi thu gom; bảo đảm công tác phòng, chống dịch bằng việc phối hợp với y tế phường để tiến hành khử khuẩn thùng rác sau khi thu gom chất thải; đồng thời, giám sát việc phân loại, thu gom chất thải lây nhiễm của người dân để kịp thời nhắc nhở thực hiện đúng quy định.
Phương Liễu