Bộ Y tế vừa xin ý kiến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc cho bệnh nhân F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc,...
Bộ Y tế vừa xin ý kiến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc cho bệnh nhân mắc Covid-19 (F0) không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc, có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh Covid-19; F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến.
Sau khi test dương tính với Covid-19, người bệnh không triệu chứng, triệu chứng nhẹ vẫn có thể làm việc trong điều kiện phù hợp, tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong ảnh: Nhân viên y tế test Covid-19 cho người lao động ở P.Trung Dũng (TP.Biên Hòa). Ảnh: K.Liễu |
Đề xuất này nhận được sự đồng tình của dư luận, nhưng cũng có nhiều ý kiến đề xuất cần phân loại F1 để thích ứng linh hoạt với từng địa phương, từng môi trường làm việc.
* Đề xuất phù hợp
Trong hướng dẫn cách ly và điều trị Covid-19 của Bộ Y tế, thời gian cách ly tại nhà của F1 hiện nay là 5 ngày với người đã tiêm đủ liều vaccine và 7 ngày với người chưa tiêm đủ liều. Tuy nhiên mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất chuyển F1 sang theo dõi sức khỏe 10 ngày tính từ ngày phơi nhiễm thay vì cách ly. Đồng thời, F1 đã tiêm hoặc chưa tiêm vaccine ngừa Covid-19 đều có thể tham gia làm việc trực tiếp và trực tuyến; nếu làm việc trực tiếp, các cơ sở sử dụng nhân lực phải bố trí khu vực làm việc riêng cho các F1.
Chia sẻ với Báo Đồng Nai, nhiều bạn đọc bày tỏ sự đồng tình với đề xuất trên. “Hiện nay, số lượng bệnh nhân Covid-19 đã quá nhiều, ai cũng có thể trở thành F1 nên nếu cứ F1 là phải cách ly ở nhà thì rất dễ bị thiếu hụt lao động, nhất là tại các doanh nghiệp” - anh Trần Thanh Hà, công nhân công ty sản xuất giày tại Khu công nghiệp Bàu Xéo (H.Trảng Bom) chia sẻ.
Theo chị Nguyễn Thị Mỹ An (ngụ TT.Long Thành, H.Long Thành), trong bối cảnh F1 quá nhiều như hiện nay thì cũng nên xem xét việc cách ly đối tượng này sao cho phù hợp, nếu F1 nào cũng bị cách ly thì lấy ai đi làm. “Đối với các F1 nguy cơ thấp, không tiếp xúc gần và lâu với F0, tôi nghĩ hoàn toàn có thể đi làm trực tiếp. Tuy nhiên, từng cơ quan, công sở, doanh nghiệp phải có hướng dẫn cụ thể cho người lao động về các điều kiện áp dụng theo quy định để đảm bảo an toàn phòng dịch” - chị An kiến nghị.
Từng là F0, thầy Sơn, giáo viên một trường THCS tại TP.Biên Hòa cho rằng, quy định cho F0 tự nguyện tham gia làm việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19... là phù hợp.
“Theo tôi, nên tạo điều kiện cho F0, F1 được tham gia làm việc nếu các đối tượng này cảm thấy sức khỏe vẫn ổn và công việc phù hợp. Trước đây, dù trong thời gian cách ly tôi vẫn xin nhà trường để tham gia dạy trực tuyến cho học sinh được” - thầy Sơn chia sẻ.
* Thích ứng linh hoạt và không nên chủ quan
Nhiều ý kiến bạn đọc bày tỏ đồng tình với đề xuất của Bộ Y tế, song bạn đọc cũng đề xuất ngoài việc bố trí công việc phù hợp với trình độ chuyên môn, điều kiện làm việc, sức khỏe… thì cần phải giám sát đối với các trường hợp F0, F1 khi bố trí làm việc trực tiếp, đảm bảo các đối tượng này đáp ứng các điều kiện mà Bộ Y tế đưa ra, như thế mới có thể kiểm soát được rủi ro.
Có ý kiến cho rằng, các điều kiện như cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm. F0, F1 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm quy định 5K, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm... đều là các biện pháp cơ bản trong phòng, chống dịch Covid-19 đã được ngành Y tế phổ biến nên không khó thực hiện. Thế nhưng, nếu không thực hiện tốt các biện pháp này, nguy cơ cả cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trở thành F0 sẽ rất cao.
“Tôi thấy đề xuất nới lỏng hơn quy định cách ly của Bộ Y tế rất phù hợp với tình hình dịch bệnh tại địa phương, tạo thuận lợi hơn cho người lao động và người sử dụng lao động. Khi áp dụng, các cơ quan, doanh nghiệp phải lưu ý thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, không được chủ quan, phải kiểm soát tốt các rủi ro. Đồng thời, F0, F1 cũng phải theo dõi sức khỏe, nếu có triệu chứng cần xét nghiệm ngay và cần có những biện pháp điều trị, cách ly phù hợp” - ông Trần Bảo Quốc (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bộc bạch.
Nhất trí với đề xuất của Bộ Y tế, một số ý kiến cho rằng, việc cho việc cho F0, F1 tham gia làm việc trong thời gian cách ly nên xét theo nguyện vọng của đối tượng, việc áp dụng nên linh hoạt. Đối với những vùng dịch phức tạp thì số lượng F1 khá cao có thể xem xét cho đi làm tránh thiếu hụt lao động, còn ở nơi ít ca nhiễm, đảm bảo nhân lực thì nên để F1 làm trực tuyến để hạn chế tối đa nguy cơ dịch bùng phát.
Kim Liễu