Mới đây, trong các phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhận định, thời gian gần đây có tình trạng người dùng mạng xã hội (MXH) livestream (phát video trực tiếp) để nói xấu, chửi bới nhau với lời lẽ thô tục là hành vi phi văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục và các quy định pháp luật…
Mới đây, trong các phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nhận định, thời gian gần đây có tình trạng người dùng mạng xã hội (MXH) livestream (phát video trực tiếp) để nói xấu, chửi bới nhau với lời lẽ thô tục là hành vi phi văn hóa, trái với thuần phong mỹ tục và các quy định pháp luật…
Cựu người mẫu Trang Trần livestream cho biết, từ nay không nói tục, chửi bậy để không bị xử phạt hành chính. Ảnh chụp từ màn hình |
Các ĐBQH đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý các vi phạm và các vụ việc liên quan đang được dự luận quan tâm.
* “Loạn” livestream
Đồng tình với nhận định trên của các vị ĐBQH, chia sẻ với Báo Đồng Nai, nhiều bạn đọc (BĐ) bày tỏ bức xúc vì thường xuyên bắt gặp những người livestream trên nền tảng MXH để bán hàng kém chất lượng, chửi bới, tấn công nhau gây mất niềm tin và tạo nên những cảm xúc tiêu cực, nhất là các “lùm xùm” liên quan đến hoạt động từ thiện và ứng xử của giới nghệ sĩ. Nhiều BĐ kiến nghị cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát, chấn chỉnh tình trạng nêu trên để làm trong sạch môi trường mạng.
Ông Lê Tấn Phát (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) bộc bạch, theo dõi thông tin từ kỳ họp Quốc hội, ông thấy ĐBQH Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) nói rất đúng khi cho rằng, việc người dùng MXH livestream để nói xấu, lăng mạ, chửi bới nhau là không thể chấp nhận được, cơ quan chức năng cần vào cuộc xử lý.
Thời gian qua, hoạt động livestream trên MXH đã mở ra cơ hội lớn cho nhiều người mua, bán hàng qua mạng, đặc biệt trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay. Đồng thời, thông qua hoạt động này, việc giao lưu, tương tác bằng cách chia sẻ những câu chuyện, thông tin kết nối trực tiếp giữa những người dùng MXH cũng dễ dàng hơn rất nhiều.
“Thế nhưng, sẽ không có gì đáng phê phán nếu như người bán hàng không vi phạm các tiêu chí nhất định như: bán hàng không rõ xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật… Tương tự, việc chia sẻ một câu chuyện trên MXH là bình thường, ngoại trừ việc lợi dụng MXH để chửi bới, xúc phạm, thóa mạ người khác” - ông Phát bày tỏ.
Một số BĐ cũng phàn nàn khi hiện nay có quá nhiều người livestream phát ngôn tục tĩu, phản cảm, không chuẩn mực trên MXH. Đơn cử như mới đây, Thanh tra Sở TT-TT TP.HCM đã xử phạt vi phạm hành chính đối với Trần Thị Trang (cựu người mẫu Trang Trần) vì phát ngôn phản cảm (nói tục) trên MXH. Việc xử phạt căn cứ theo điểm b, Khoản 1, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 3-2-2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Ngoài yêu cầu xử lý nghiêm các “thánh chửi” trên livestream, bà Phạm Thị Thiên Nga (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) còn bức xúc khi trên mạng xuất hiện quá nhiều livestream bán hàng không rõ xuất xứ, hàng giả, hàng kém chất lượng, quảng cáo sai sự thật…
Bà Nga chia sẻ: “Do dịch bệnh hạn chế tiếp xúc trực tiếp nên tôi hay mua hàng trên mạng và thấy việc livestream bán hàng trên MXH hiện nay rất “bát nháo”, hàng kém chất lượng, xuất xứ không rõ ràng được rao bán tràn lan. Thậm chí, nhiều người còn ăn mặc hở hàng, phản cảm nhằm thu hút người xem livestream”.
* Cần có biện pháp kiểm soát, xử lý
Đồng tình với ý kiến trên, bà Phan Ngọc Bảo Trang (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) bày tỏ bức xúc, thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã xử lý nhiều trường hợp người dùng lợi dụng MXH để lừa đảo, tung tin thất thiệt nhằm “câu view”, bán hàng giả… Hiện vẫn còn không ít trường hợp lên mạng công khai chửi bới, thóa mạ… người khác với từ ngữ nặng nề, phản cảm nhưng vẫn chưa bị xử lý khiến nhiều người ngộ nhận, thậm chí cổ vũ cho hành vi trên.
Việc một nữ đại gia nổi lên thành một hiện tượng MXH vì thông qua những livestream “bóc phốt” nghệ sĩ thu hút hàng trăm ngàn lượt xem cùng lúc trên nhiều nền tảng MXH trong thời gian gần đã gây ra nhiều hoài nghi, bức xúc và tranh luận trên mạng lẫn ngoài đời thực. Dù có một số thông tin nhờ người này phản ảnh mà cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra nhưng trong không ít các livestream, nữ đại gia này sử dụng từ ngữ nặng nề, phản cảm, chửi bới, nhục mạ... gây ảnh hưởng không ít cho người xem.
“Cơ quan chức năng cần ban hành các biện pháp chấn chỉnh. Bởi không thể vịn vào bất cứ lý do gì để một người dùng MXH có thể tự cho mình cái quyền chửi rủa, nhục mạ, xúc phạm người khác được” - bà Trang kiến nghị.
Nhất trí với đề xuất sớm có biện pháp kiểm soát xử lý những livestream phản cảm, các livestream dùng lời lẽ thô tục để chửi bới nhau trên MXH, nhiều bạn đọc kiến nghị cơ quan chức năng cần có các giải pháp định hướng người dùng mạng giải quyết các tranh chấp trên MXH bằng pháp luật. Đồng thời, tăng cường giám sát các hình thức livestream. Qua đó, loại trừ triệt để livestream bừa bãi, phản cảm, trái pháp luật để làm trong sạch môi trường, không gian mạng.
Theo luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh, các hành vi sử dụng MXH để xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín người khác tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, về xử lý hành chính, Nghị định 15/2020/NĐ-CP có quy định xử phạt cụ thể nếu cá nhân, trang tin điện tử, tổ chức thiết lập MXH thông tin xúc phạm nhân phẩm, danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức tại các điều 99, 100, 101. Về trách nhiệm hình sự, người sử dụng MXH để vu khống, xúc phạm, tấn công người khác tùy mức độ có thể bị xử lý hình sự về tội “vu khống”, tội “làm nhục người khác” hoặc tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của cá nhân, tổ chức”. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức bị xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm cũng có thể khởi kiện dân sự đòi xin lỗi, cải chính và bồi thường thiệt hại.
Gia An