Thời gian qua, tình trạng các đối tượng có hành vi sàm sỡ như: cưỡng hôn, cố ý sờ mông người khác giới trong thang máy nhưng chỉ bị xử phạt 200 ngàn đồng đã gây bức xúc trong dư luận.
Thời gian qua, tình trạng các đối tượng có hành vi sàm sỡ như: cưỡng hôn, cố ý sờ mông người khác giới trong thang máy nhưng chỉ bị xử phạt 200 ngàn đồng đã gây bức xúc trong dư luận.
Nhiều trang mạng xã hội bày tỏ bức xúc trước mức phạt chỉ 200 ngàn đồng cho hành động sàm sỡ phụ nữ nơi công cộng. Ảnh chụp màn hình |
Phần lớn đều cho rằng mức phạt trên tuy đúng theo quy định hiện hành nhưng không đủ sức răn đe, thậm chí không phù hợp với thực tế hiện nay.
* Mức xử phạt không đủ sức răn đe
Vừa qua, một người đàn ông ngoại quốc đã bị phạt 200 ngàn đồng vì dùng tay vỗ mông một người phụ nữ trong thang máy ở một chung cư tại Q.2 (TP.HCM). Đáng nói sự việc xảy ra vào tháng 7-2020, nạn nhân đã làm đơn tố cáo hành vi quấy rối gửi đến cơ quan chức năng nhưng đến ngày 23-11 sự việc mới được xử lý.
Việc này khiến nhiều người bức xúc vì mức phạt được coi là “quá thấp” so với hành động khiếm nhã nêu trên. Thậm chí nhiều cơ quan báo chí, các trang mạng xã hội cũng lên tiếng cho rằng, mức phạt 200 ngàn đồng là “đụng chạm đến lòng tự tôn”, “như một trò đùa” hoặc “chuyện bi hài”.
Anh Trần Đức Nhân (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) nhận định: “Mức phạt không bằng một thùng bia, như vậy chẳng những không đủ sức răn đe mà ngược lại còn khiến cho kẻ xấu có thái độ “nhờn” với quy định pháp luật. Tôi cho rằng, chính vì mức phạt thấp như vậy sẽ khó dẹp tình trạng kẻ xấu cố tình thực hiện hành động sàm sỡ phụ nữ nơi công cộng. Vì trên thực tế, tình huống tương tự đã xảy ra nhiều lần, tại nhiều địa phương trong cả nước”.
Cụ thể, tối 4-3-2019, một nữ sinh 20 tuổi khi vào trong thang máy của chung cư Golden Palm (Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội) thì bị một người đàn ông lạ mặt cưỡng hôn. Sau đó, người đàn ông này chỉ bị xử phạt hành chính với số tiền 200 ngàn đồng. Hay ngày 18-5-2019, một nữ hành khách trên xe buýt di chuyển đến bến xe Mỹ Đình (TP.Hà Nội) đã bị một người đàn ông sờ ngực 3 lần; sau khi xác minh thông tin, người đàn ông nói trên cũng chỉ bị xử phạt 200 ngàn đồng.
Chị Nguyễn Phi Yến (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) bày tỏ: “Đây là những vụ việc nổi lên do có hình ảnh từ camera an ninh ghi nhận được hoặc bị bắt quả tang nơi đông người; còn ở những góc khuất khác, nơi không có camera an ninh thì việc này vẫn có thể diễn ra. Tuy vậy, mức phạt chỉ 200 ngàn đồng là quá thấp vì trong các vụ việc trên rõ ràng là hành vi quấy rối tình dục, gây hoang mang cho người dân, sốc tâm lý cho nạn nhân, nhất là những nạn nhân còn trong độ tuổi học sinh - sinh viên”.
* Cần quy định chi tiết hơn
Theo một chỉ huy Công an phường tại TP.Biên Hòa, khi nhận được sự phản ảnh, tố cáo của người dân về những kẻ có hành vi sàm sỡ, quấy rối nếu thấy hành vi không hướng đến việc “giao cấu”, “hành vi quan hệ tình dục khác” thì sẽ áp dụng xử phạt vi phạm hành chính.
Cụ thể, theo Điểm a, Khoản 1, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự và an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình) thì người có “cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100-300 ngàn đồng.
Tuy nhiên, theo cách nhìn của nhiều người, hành vi khiếm nhã, đụng chạm vào cơ thể người khác trái ý muốn chính là “quấy rối tình dục”; nên không thể cho rằng chỉ là “trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm” như các hành động khác được. Nhiều ý kiến đặt vấn đề nếu nạn nhân không kịp hô hoán, bỏ chạy thì kẻ xấu còn có thể thực hiện hành vi đến mức độ nào nữa.
Luật sư Ngô Văn Định, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, hiện nay, theo các quy định pháp luật hiện hành, khái niệm “quấy rối tình dục” mới chỉ có Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 đưa ra định nghĩa nhưng lại gói gọn trong phạm vi nơi làm việc. Theo Khoản 9, Điều 3, Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận. Ngoài ra, chưa có quy định nào nêu cụ thể hơn về hành vi quấy rối tình dục.
Anh Cao Văn Hậu (ngụ P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) kiến nghị nên quy định cụ thể các hành vi trên là quấy rối tình dục thay vì chỉ quy định chung chung như hiện nay. Ngoài ra, cần nâng mức phạt tiền hoặc bổ sung hình thức phạt có tính răn đe hơn như cấm thực hiện một số giao dịch hành chính, cấm đến một số khu vực công cộng... Như vậy, mới có thể ngăn chặn được những hành vi có tính chất nguy hiểm, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, tâm lý của người khác như trên”.
Minh Thành