Hiện nay, trên nhiều trang mạng xã hội (MXH) phổ biến như: Facebook, Zalo, YouTube vẫn còn tình trạng đăng tải, lan truyền các thông tin giả (xấu độc, bịa đặt) gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức được nhắc đến cũng như tình hình an ninh trật tự chung.
Hiện nay, trên nhiều trang mạng xã hội (MXH) phổ biến như: Facebook, Zalo, YouTube vẫn còn tình trạng đăng tải, lan truyền các thông tin giả (xấu độc, bịa đặt) gây ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức được nhắc đến cũng như tình hình an ninh trật tự chung.
Một tài khoản mạng xã hội thông tin hành vi chê người khác mập có thể bị phạt từ 16 triệu đồng là sai. Thực tế mức phạt mức phạt tối đa hiện nay là 14,9 triệu đồng. Ảnh chụp màn hình |
* Thật giả lẫn lộn
Thời gian qua, nhiều tài khoản cá nhân, trang MXH đã lợi dụng tình hình dịch bệnh, thiên tai đăng các tin tức giả, gây hoang mang dư luận. Các tin giả này thường được thể hiện qua các tin tức giật gân, gây sốc về dịch bệnh, một sự cố, tai nạn, hình ảnh thương tâm (đôi khi trong đó chỉ có một phần sự thật hoặc bịa đặt toàn bộ).
Như tháng 2-2020, V.L.T. (23 tuổi, ngụ H.Tân Phú) đã sử dụng tài khoản Facebook “Nguyễn Hồng Nhung” đăng tin sai sự thật về dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn TP.Biên Hòa với nội dung gây hoang mang dư luận. Cũng trong tháng 2-2020, Công an H.Trảng Bom phạt N.T.T.H. (ngụ xã Bắc Sơn, H.Trảng Bom) 10 triệu đồng và cảnh cáo đối tượng N.T.T.N. (ngụ xã Đông Hòa, H.Trảng Bom) vì chia sẻ bài viết có nội dung sai sự thật về tình hình dịch Covid-19.
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), qua thống kê, tại Việt Nam có 90 triệu tài khoản sử dụng MXH nước ngoài (chủ yếu là Facebook và YouTube), 80 triệu tài khoản sử dụng MXH trong nước (chủ yếu là Zalo). Với Facebook, trung bình mỗi tài khoản truy cập 4 giờ/ngày; với YouTube là 3 giờ/ngày; với Zalo là 2 giờ/ngày. Trong số đó, tại Việt Nam, 71,7% người dùng MXH để xem tin tức; 21,7% để giải trí... Do đó, việc tin giả được đăng tải, lan truyền trên MXH sẽ rất nguy hiểm khi tiếp cận một lượng lớn người dùng. |
Ông Nguyễn Văn Thành (ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) bức xúc: “Chỉ với một cái điện thoại, gần như ai cũng có thể tự chụp hình, tự viết, đăng tải thông tin mà không chịu sự kiểm soát nào. Việc này làm truyền tải thông tin nhanh, khiến người đọc thỏa mãn sự tò mò nhưng sẽ gây ra phiền toái nếu thông tin đó phiến diện, thậm chí là bịa đặt. Chẳng hạn như các thông tin sai lệch về dịch Covid-19 trên MXH vào những tháng đầu năm đã khiến cho chúng tôi rất lo lắng, từ đó đổ xô đi mua khẩu trang, tích trữ lương thực... ảnh hưởng đời sống nhiều gia đình”.
Bên cạnh đó, trên một số tài khoản MXH còn đăng tải các bản tin được sản xuất công phu, chuyên nghiệp, giống như bản tin của các kênh truyền hình, báo chính thống... nhằm mục đích chống phá Đảng và Nhà nước (như các tài khoản Facebook: N.K.Y.N., V.T...). Nguy hiểm hơn, các tin giả này được thực hiện khá tinh vi, xen kẽ với những thông tin chính thống, sự kiện thời sự, kèm bài bình luận khiến người xem không tinh ý sẽ hiểu không đúng về những cá nhân, tổ chức được nhắc tới; hiểu sai về bản chất sự việc, dễ hình thành suy nghĩ tiêu cực, chống phá Đảng, Nhà nước.
Các thông tin giả này được phát tán theo “công thức” từ một tài khoản đăng tải ban đầu, thu hút lượt bình luận, chia sẻ nhiều sẽ lại tiếp tục được lan truyền rộng hơn bằng các bài chia sẻ hoặc đăng tải lại. Sau đó, dù tài khoản gốc có bị xử lý nhưng thông tin giả vẫn tiếp tục tồn tại thậm chí biến tướng thành một thông tin giả khác.
Anh Nguyễn Tuấn Anh (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) kiến nghị: “Cơ quan chức năng cần mạnh tay xử lý tình trạng này, đồng thời báo chí chính thống cũng cần kịp thời đăng tải các thông tin thời sự trong nước, những sự việc nóng xảy ra trên địa bàn để kịp thời cung cấp, định hướng thông tin cho người dân”.
* Tích cực ngăn chặn và hậu kiểm
Phó cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT Nguyễn Khắc Lịch cho biết: “Thông tin giả có tốc độ lan truyền nhanh gấp 6 lần thông tin thật. Quản lý, ngăn chặn, chống tin giả là nhu cầu của mọi quốc gia; tại nước ta, công tác xử lý thông tin xấu, độc hiện nay đã được các bộ, ngành tích cực thực hiện thông qua việc ban hành các luật, nghị định với chế tài rõ ràng”.
Cụ thể, tại các Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 (về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng), Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 và Luật An ninh mạng năm 2018 đều có các điều khoản cấm việc đưa tin giả làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân và tổ chức... Đây là hành lang pháp lý rõ ràng giúp các bộ, ngành, cơ quan liên quan tại địa phương có biện pháp xử lý các đối tượng lợi dụng MXH đưa thông tin giả.
Trên cơ sở đó, từ đầu năm 2018 đến hết tháng 8-2020, Bộ TT-TT đã làm việc với nhiều nhà cung cấp dịch vụ MXH tại Việt Nam để xử lý, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc (chủ yếu là MXH Facebook, YouTube). Đối với MXH Facebook, đã gỡ hơn 1,8 ngàn bài viết, 154 trang đăng thông tin sai sự thật, tuyên truyền chống phá, gây mất uy tín các tổ chức, cá nhân. Đối với YouTube đã ngăn chặn và gỡ bỏ hơn 15 ngàn video vi phạm, gỡ bỏ 24 kênh thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.
Bên cạnh việc ngăn chặn tin giả, thời gian qua, Bộ TT-TT cũng tăng cường hậu kiểm, xử lý các hành vi đưa tin giả với hơn 300 đối tượng trong nước đăng tin giả bị xử lý, 22 trường hợp bị xử phạt với tổng số tiền hơn 222 triệu đồng.
Đông Hồ