Trong những ngày mưa lớn, nước chảy xiết, việc lưu thông qua các cống thoát nước không nắp đậy, mặt đường lồi lõm hay các cây cầu dân sinh bị ngập sâu là nỗi lo thường trực của người dân.
Trong những ngày mưa lớn, nước chảy xiết, việc lưu thông qua các cống thoát nước không nắp đậy, mặt đường lồi lõm hay các cây cầu dân sinh bị ngập sâu là nỗi lo thường trực của người dân. Để phòng tránh tai nạn mùa mưa bão rất cần các ngành chức năng, địa phương đưa ra biện pháp cảnh báo kịp thời nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông.
Đường Bùi Văn Hòa, đoạn qua khu vực Cổng 11(TP.Biên Hòa) ngập sâu, nước chảy xiết cuốn trôi cả xe máy. Trong ảnh: Người dân hỗ trợ, đưa phương tiện qua khỏi đoạn nước ngập. Ảnh: Dương Ngọc |
Những năm gần đây, cứ bước vào cao điểm mùa mưa, trên địa bàn tỉnh lại xảy ra các vụ tai nạn đau lòng gây thiệt hại lớn về người và tài sản.
* Thấp thỏm nỗi lo... trôi xe
Chiều 22-9, anh T.Đ.Đ. điều khiển xe ô tô 4 chỗ chở theo mẹ là bà Đ.T.K.H. (cùng ngụ tại TT.Gia Ray, H.Xuân Lộc) đi qua đập tràn suối Tà Rua (giáp ranh giữa ấp 7, xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc và ấp 6, xã Suối Nho, H.Định Quán) thì bị nước cuốn trôi. Rất may, hai người trên xe đã kịp thời thoát ra ngoài.
Anh Đ. cho hay, anh đi theo chỉ dẫn của Google Maps để tìm đường tắt về nhà. Khi xe đến đoạn đập tràn suối Tà Rua, anh không kịp xử lý nên xe bị dòng nước chảy xiết nhấn chìm. Đến sáng ngày hôm sau khi nước rút, lực lượng cứu hộ mới tìm thấy chiếc xe ô tô 4 chỗ trôi dạt vào một bụi tre, cách địa điểm gặp nạn khoảng 50m.
Ông Đinh Văn Chiến (ngụ xã Suối Nho, H.Định Quán) cho biết, sau những cơn mưa lớn kéo dài, mực nước tại đập tràn này thường dâng lên rất cao và chảy rất mạnh. Đây là năm thứ 4 liên tiếp đã xảy ra tai nạn trôi xe ô tô tại đập tràn suối Tà Rua. Gần đây nhất là vào ngày 28-6-2020, 2 xe ô tô khi đi qua suối Tà Rua đã bị nước cuốn trôi. Rất may là cả 12 người trên 2 xe đã được người dân địa phương cứu kịp thời.
Theo ông Chiến, hiện tuyến đường liên huyện Xuân Bắc - Suối Nho, phía địa bàn H.Định Quán đã trải nhựa hoàn chỉnh với hơn 3,4km. Nhưng phía xã Xuân Bắc của H.Xuân Lộc vẫn là đường đất. Theo kế hoạch, dự kiến năm 2020 khởi công xây dựng cầu và làm phần đường còn lại. Tuy nhiên đến nay sắp hết năm nhưng vẫn chưa triển khai khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn, nhất là khi có mưa lớn.
Đồng Nai đang bước vào cao điểm mùa mưa nên vào chiều tối thường có mưa lớn và kéo dài liên tục khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh chìm trong “biển” nước. Ngoài nỗi lo nước ngập thì không ít nguy hiểm có thể xảy đến khi đi qua các cây cầu dân sinh không đảm bảo an toàn.
Khu vực suối Săn Máu, đoạn qua 2 phường Hố Nai và Trảng Dài của TP.Biên Hòa được xem là “rốn lũ”. Trong đó, phải kể đến là hàng loạt cầu Kim Bích, Lộc Lâm, Sắt, Đại Lộ, Tổ 15… thường xuyên bị ngập nước sau mỗi cơn mưa lớn, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Đến nay, sau nhiều vụ việc đau lòng xảy ra, các cây cầu tạm này vẫn chưa được xây dựng kiên cố. Nguy hiểm vẫn còn đó nên người dân khi qua đây vào trời mưa lớn đều rất lo sợ.
Ông Hà Quang Minh (ngụ KP.5, P.Hố Nai) mong muốn chính quyền địa phương, các ngành chức năng cần sớm có phương án đảm bảo an toàn, tránh gây thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão.
* Cảnh báo kịp thời ở các đoạn đường nguy hiểm
Vào mùa mưa, nhiều hệ thống thoát nước ở một số tuyến đường không có nắp đậy gây nguy hiểm cho người đi đường. Từ những đoạn cống không nắp này thời gian qua đã gây ra nhiều cái chết thương tâm. Mới đây nhất, khoảng 17 giờ 20 ngày 21-9, bà Trần Thị Mừng (52 tuổi) đang đi bộ bên lề đường liên ấp Đức Huy - Thanh Bình (xã Gia Tân 1, H.Thống Nhất) thì không may lọt chân xuống mương nước và bị nước cuốn trôi dẫn đến tử vong.
Theo phản ảnh của người dân, trước thời điểm vụ tai nạn xảy ra, một bé gái trên đường đi học về cũng bị lọt xuống mương nước này. Rất may, cháu bé đã được ứng cứu kịp thời. Tuyến đường này dài hơn 7km, được đưa vào sử dụng nhiều năm, nhưng hai bên mương thoát nước không có nắp đậy. Mỗi khi trời mưa lớn là nước ngập sâu, chảy xiết trở thành “cái bẫy” khiến người dân lo lắng.
Chị Hà Nguyễn (ngụ ấp Dốc Mơ 2, xã Gia Tân 1) là mẹ của cháu bé may mắn thoát nạn cho rằng, xảy ra những sự việc đau lòng này có phần tắc trách của chính quyền địa phương và ngành chức năng. Đường khu dân cư đông đúc nhưng thiếu các biện pháp cảnh báo an toàn mỗi khi nước ngập.
“Ngoài ra, phụ huynh chúng cũng mong nhà trường khi trời mưa lớn không nên cho các em về nhà ngay; hãy để các em tập trung ngồi trong lớp đợi mưa tạnh và đường bớt ngập rồi về. Hoặc phải có phụ huynh tới đưa đón thì mới cho học sinh về an toàn” - chị Hà Nguyễn nói.
Trong khi đó, ông Vũ Văn Mạnh (ngụ KP.4, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay, hố ga bị mất nắp cống, khi trời mưa ngập thì không thể nhận biết bằng quan sát thông thường. Miệng cống đủ sức “nuốt” một người lớn xuống, nếu bất cẩn trong dòng nước chảy xiết. Do đó, các ngành chức năng liên quan cần tăng cường tần suất kiểm tra, đặc biệt là các vị trí bị mất hố ga hoặc bất kỳ sự cố hư hỏng nào để nhanh chóng khắc phục, sửa chữa kịp thời.
Ông Nguyễn Văn Chiều, Trưởng ấp 7, xã Xuân Bắc, H.Xuân Lộc kiến nghị, địa phương cần sớm có biện pháp cảnh báo kịp thời khi nước dâng cao tại suối Tà Rua. Lực lượng chức năng cần bố trí người hướng dẫn, giúp đỡ và cảnh báo người đi đường. Kiên quyết không cho phương tiện lưu thông qua khu vực nguy hiểm mới có thể đảm bảo an toàn.
Ông Vũ Quốc Việt, Chánh văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các ngành chức năng, địa phương rà soát lực lượng, phương tiện, vật tư, kinh phí để thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ nhằm đảm bảo an toàn về người và tài sản khi có thiên tai xảy ra. Trong đó, chú trọng nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy, ứng phó thiên tai ngay tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu; xác định các vùng trọng điểm nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. |
Dương Ngọc