Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên

09:06, 30/06/2020

 Ông Lê Bá (ngụ xã Phú Lộc, H.Tân Phú) hỏi, chấp hành viên có nhiệm vụ, quyền hạn ra sao trong quá trình triển khai thi hành bản án, quyết định của tòa?

 Ông Lê Bá (ngụ xã Phú Lộc, H.Tân Phú) hỏi, chấp hành viên có nhiệm vụ, quyền hạn ra sao trong quá trình triển khai thi hành bản án, quyết định của tòa?

Về nội dung này, Cục trưởng Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Phan Văn Châu cho hay, Điều 20, Luật THADS quy định, nhiệm vụ, quyền hạn của chấp hành viên như sau: Kịp thời tổ chức thi hành vụ việc được phân công; ra các quyết định về thi hành án (THA) theo thẩm quyền. Thi hành đúng nội dung bản án, quyết định; áp dụng đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục THA, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; thực hiện nghiêm chỉnh chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp chấp hành viên.

Ngoài ra, chấp hành viên còn có quyền triệu tập đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để giải quyết việc THA. Xác minh tài sản, điều kiện THA của người phải THA; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu để xác minh địa chỉ, tài sản của người phải THA hoặc phối hợp với cơ quan có liên quan xử lý vật chứng, tài sản và những việc khác liên quan đến THA. Quyết định áp dụng biện pháp bảo đảm THA, biện pháp cưỡng chế THA; lập kế hoạch cưỡng chế THA; thu giữ tài sản THA.

Chấp hành viên cũng có quyền yêu cầu cơ quan công an tạm giữ người chống đối việc THA theo quy định của pháp luật. Lập biên bản về hành vi vi phạm pháp luật về THA; xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người vi phạm. Quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế để thu hồi tiền, tài sản đã chi trả cho đương sự không đúng quy định của pháp luật, thu phí THA và các khoản phải nộp khác. Được sử dụng công cụ hỗ trợ trong khi thi hành công vụ theo quy định của Chính phủ. Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của thủ trưởng cơ quan THADS.

“Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chấp hành viên phải tuân theo pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc THA và được pháp luật bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm và uy tín. Căn cứ vào những quy định trên, người dân có quyền khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện ra tòa án nếu có căn cứ cho rằng chấp hành viên không thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo Điều 20, Luật THADS” - ông Châu nói.

Diễm Quỳnh (ghi)

Tin xem nhiều