Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ trẻ em trước những tiêu cực từ mạng xã hội

09:06, 02/06/2020

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet và các thiết bị thông minh, nhiều người dễ dàng tiếp cận mạng xã hội (MXH), trong đó có cả trẻ em. Bên cạnh mặt tích cực, MXH cũng còn tồn tại không ít những tiêu cực gây tác hại cho trẻ, nhất là nguy cơ bị xâm hại, bạo lực...

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của internet và các thiết bị thông minh, nhiều người dễ dàng tiếp cận mạng xã hội (MXH), trong đó có cả trẻ em. Bên cạnh mặt tích cực, MXH cũng còn tồn tại không ít những tiêu cực gây tác hại cho trẻ, nhất là nguy cơ bị xâm hại, bạo lực...

Chỉ cần điện thoại thông minh có kết nối internet, trẻ em dễ dàng tiếp cận các trang mạng xã hội không lành mạnh mọi lúc, mọi nơi. Ảnh minh họa: P.Liễu
Chỉ cần điện thoại thông minh có kết nối internet, trẻ em dễ dàng tiếp cận các trang mạng xã hội không lành mạnh mọi lúc, mọi nơi. Ảnh minh họa: P.Liễu

* Thủ đoạn dụ dỗ trẻ em tinh vi

Một trong những thủ đoạn dụ dỗ trẻ em tinh vi trên các trang MXH hiện nay là các đối tượng xấu thành lập các diễn đàn chia sẻ, giúp đỡ, tư vấn những chuyện... thắc mắc biết hỏi ai để thu hút trẻ em tham gia, nhưng thực chất nhằm mục đích thu thập thông tin cá nhân, hình ảnh nhạy cảm của trẻ em mà nạn nhân không hề hay biết.

Mới đây, trong một lần dọn phòng cho con gái đang học lớp 7, chị T.H. (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) vô tình phát hiện con tham gia nhóm chat Hội con gái đồng cảnh ngộ. Chị H. bất ngờ khi rất nhiều bé gái có thể chia sẻ những chuyện thầm kín riêng tư, sự đổi thay của cơ thể trên nhóm này, trong đó có con gái của chị.

Thậm chí, chị H. còn “tái mặt” khi thấy không ít hình ảnh selfie, đoạn clip ngắn quay bộ phận nhạy cảm cơ thể của các em, đường link dẫn đến phim sex được các thành viên đưa lên cùng xem và bình luận. Đến lúc này, chị H. thực sự rất lo lắng vì không biết người thành lập diễn đàn này là ai, có chắc là người cùng giới với các bé gái hay là người khác giới đóng giả để khai thác những hình ảnh nhạy cảm của trẻ.

Tại phiên họp ngày 27-5, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu nhận định tình hình xâm hại trẻ em vẫn xảy ra nghiêm trọng ở nhiều nơi, nhiều địa điểm khác nhau, trong đó có cả trên môi trường internet. Có ý kiến cho rằng, trong thời gian tới, nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả thì tình hình xâm hại trẻ em sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nghiêm trọng và có xu hướng gia tăng.

Theo đó, có đại biểu Quốc hội đã cảnh báo, không ít đối tượng xấu dụ các em tham gia những trang MXH, nhóm chat ảo, ban đầu là chia sẻ việc học hành, sở thích, cùng nhau tâm sự những buồn vui trong cuộc sống rồi dần dần trao đổi về vấn đề giới, cơ thể, tình dục, dụ dỗ các em xem phim khiêu dâm, gạ gẫm các em tạo dáng phơi bày những bộ phận cơ thể để quay clip sex... Không ít trẻ đã mất cảnh giác khi tưởng đây là nhóm kín của những người cùng giới. Việc này rất nguy hiểm nếu như hình ảnh nhạy cảm của trẻ bị kẻ xấu đưa lên, chia sẻ trên MXH.

Ngoài ra, trên môi trường inernet còn có rất nhiều trang web đen, độc hại tràn ngập xu hướng bạo lực hoặc hướng dẫn tìm hiểu các tệ nạn xã hội (cờ bạc, ma túy, mại dâm) như: Hội những người thích đâm thuê chém mướn, bảo kê; Hội anh em mê bạo lực; Hội thích hút cỏ Mỹ... Nếu trẻ em sử dụng MXH thiếu sự hướng dẫn, kiểm soát của người lớn sẽ rất dễ đi vào các trang web đen, độc hại này. Thậm chí, có người tin và làm theo hướng dẫn của các trang mạng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân.

Cụ thể như trường hợp em T.T.S. (14 tuổi, ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) may mắn được gia đình phát hiện sớm và đưa đi điều trị tâm thần sau khi phát hiện em trở nên lầm lì, ít nói và liên tục khắc hình cá voi trên da.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Liêm, Trưởng khoa Tâm thần và cán bộ quốc tế (Bệnh viện Tâm thần trung ương 2) cho biết, em S. nghiện game Cá voi xanh là game dạy trẻ tự sát. Tham gia trò chơi, mỗi ngày người chơi phải hoàn thành một thử thách từ đơn giản đến phức tạp. Bị dồn ép áp lực phải chiến thắng thử thách bằng việc tự gây sát thương cho mình... Nếu không được phát hiện kịp thời, sau 50 ngày tham gia thử thách đó, người chơi rất khó cưỡng lại ý nghĩ phải hoàn thành thử thách cuối cùng là... tự sát.

* Cha mẹ hãy là “lá chắn” của con

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề bảo vệ trẻ em trong đời sống số, bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH nhận định: “Mặt trái của MXH rất phức tạp, đang gây ra nhiều nguy cơ với trẻ em. Nhiều hình ảnh về xâm hại, bạo lực trên môi trường mạng bị kẻ xấu đưa lên, chia sẻ, ảnh hưởng không nhỏ đến các em. Nếu ngoài đời, trẻ bị xâm hại chỉ một vài người biết thì hình ảnh bị xâm hại đưa lên MXH có thể theo các em cả đời, bởi những hình ảnh, clip đó còn mãi trên hệ thống số”.

Bà Oanh cho biết, mới đây Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT) và Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TBXH) đã ký kết hợp tác trong công tác bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, hiện tại đang sớm hoàn thiện các thể chế để triển khai. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là cha mẹ và mỗi thành viên trong gia đình phải là “lá chắn” hữu hiệu, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị sa vào “cạm bẫy” của MXH.

Theo bà Oanh, cha mẹ nên hướng dẫn con không kết bạn, không giao tiếp với người lạ trên MXH; không cung cấp, chia sẻ thông tin cá nhân, hình ảnh, địa chỉ, số điện thoại của mình và người thân, không thực hiện theo yêu cầu của người lạ quen qua mạng; từ chối hò hẹn với những người quen trên mạng, dù là người cùng giới. Đặc biệt, không được cho người khác biết vị trí đang ở một mình, không nên để lộ tâm trạng cô đơn, buồn chán... để đối tượng xấu lợi dụng dụ dỗ.

Hiện Sở LĐ-TBXH đang phối hợp với Sở GD-ĐT và một số cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng, nâng cao kỹ năng xử lý, nhận dạng tính chất hai mặt của internet để trẻ em tiếp cận với MXH một cách an toàn.

Bà Giang Thị Thu Nga, Phó giám đốc Sở TT-TT cũng cho biết, ngành TT-TT tiếp tục nỗ lực hoàn thiện các hành lang pháp lý để quản lý chặt chẽ hoạt động internet, cũng như các giải pháp ngăn chặn kịp thời những thông tin độc hại trên MXH mà nguy cơ của nó có thể đưa đến lạm dụng các em sau này. Sở TT-TT cũng kiến nghị tăng chế tài xử phạt với các loại tội phạm xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.

Để ngăn ngừa tình trạng trẻ bị xâm hại, ảnh hưởng bạo lực, tiêu cực trên môi trường MXH, bà Giang Thị Thu Nga, Phó giám đốc Sở TT-TT nhấn mạnh, điều quan trọng là cha mẹ phải định hướng cho con cách sử dụng internet cũng như MXH để phục vụ học tập, giải trí; cài đặt trên máy những tính năng hạn chế trẻ truy cập vào những trang có nội dung không lành mạnh.

Phương Liễu

Tin xem nhiều