Từ ngày 1-1-2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực. Đây là một bộ luật nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận...
Từ ngày 1-1-2020, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia chính thức có hiệu lực. Đây là một trong những luật nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận khi lần đầu tiên, vấn đề phòng chống tác hại của rượu, bia được nâng lên thành luật.
Từ hôm nay 1-1, mọi trường hợp lái xe khi đã uống rượu, bia đều bị xử phạt. Trong ảnh: Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra nồng độ cồn trên quốc lộ 51 đoạn qua TP.Biên Hòa. Ảnh minh họa: Thanh Hải |
Lạm dụng rượu, bia đã gây nhiều tác hại không chỉ đối với sức khỏe người sử dụng, mà còn là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều vấn nạn xã hội khác như: tai nạn giao thông, vi phạm pháp luật, bạo hành gia đình, lạm dụng tình dục…
* Nhiều điểm mới đáng chú ý
TS.Phan Quang Tuấn, Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật Sở Tư pháp cho hay, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định 12 hành vi bị nghiêm cấm. Trong đó có một hành vi bị nghiêm cấm đáng chú ý như: điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn; xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên...
Ngoài ra, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia cũng yêu cầu các nhà hàng, quán ăn, cơ sở có bán rượu, bia phải dán thông báo không bán rượu, bia cho người dưới 18 tuổi (nếu nghi ngờ phải kiểm tra chứng minh nhân dân); các quán nhậu phải nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện và hỗ trợ gọi taxi cho khách sau khi họ đã uống rượu bia; một số điểm bán và tiêu thụ rượu bia tại chỗ phải cách xa bệnh viện, trường học trong bán kính 100m.
Ngoài ra, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia cũng quy định các thành viên trong gia đình phải có trách nhiệm giáo dục, giám sát, nhắc nhở các thành viên trong gia đình biết hạn chế, mạnh dạn từ chối uống rượu, bia; kỹ năng nhận biết, ứng xử, xử lý khi có thành viên trong gia đình say rượu, bia...
Các quy định của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia được đông đảo người dân đồng tình. Tác hại và hệ lụy của việc lạm dụng rượu, bia ai cũng biết, nhưng vấn đề là vẫn còn không ít người chưa xem rượu, bia là kẻ thù số một của sức khỏe và là một trong những nguyên nhân chính gây ra hệ lụy xấu trong đời sống xã hội, gia đình, đặc biệt là tai nạn giao thông do tài xế uống rượu, bia gây ra. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khoảng 50% số vụ tai nạn giao thông xảy ra hằng năm có nguyên nhân do uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông.
Nói về những tác hại của rượu, bia đối với giao thông, ông Não Thiên Anh Minh, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết, người đã uống rượu, bia mà điều khiển phương tiện giao thông thường có phản ứng chậm với những tình huống bất ngờ, đột ngột; đồng thời, khả năng phán đoán và xử lý sự cố thiếu chuẩn xác. Đáng lo ngại hơn, một khi có rượu, bia, người điều khiển phương tiện dễ bị kích động, điều khiển xe với tốc độ cao nên không làm chủ được tay lái và dễ gây ra tai nạn. Người tham gia giao thông cần ý thức được, ngoài việc bảo vệ tính mạng và tài sản của bản thân, còn phải có trách nhiệm bảo vệ tính mạng và tài sản người khác.
* Xử phạt nghiêm đối với các vi phạm
Từ ngày 1-1, những quy định liên quan đến kinh doanh, sử dụng rượu, bia đã chính thức được luật hóa.Theo đó, mọi trường hợp lái xe khi đã uống rượu, bia đều bị nghiêm cấm, cho dù là uống ít hay uống nhiều, cho dù là đi xe đạp hay lái ô tô, xe máy.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Văn bản quy phạm pháp luật này có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, thay thế Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ.
Nghị định 100/2019/NĐ-CP có rất nhiều điểm mới, tăng mức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn. Theo đó, mức xử phạt cao nhất đối với người lái ô tô vi phạm từ 30-40 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22-24 tháng.Đối với người lái mô tô, xe máy, mức phạt cao nhất từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe từ 22-24 tháng.
Trong nghị định này, lần đầu tiên Chính phủ quy định người đi xe đạp, xe đạp điện có thể bị phạt
80-100 ngàn đồng khi lái xe có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/l khí thở.
Luật sư Ngô Văn Định, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh chia sẻ, tinh thần của luật và nghị định này là rất tiến bộ, hợp lòng dân nhằm góp phần hạn chế tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng.
Theo luật sư Ngô Văn Định, bên cạnh nhiều quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia khá rõ ràng thì cũng còn một số quy định cần được cụ thể hóa trong thời gian tới để luật dễ thực thi hơn như: quy định xử lý hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia. Bởi hành vi này không định lượng được, ép người khác uống lượng rượu bia là bao nhiêu, với nồng độ cồn là bao nhiêu, ép bao nhiêu người... thì mới bị xử lý.
Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào: Cán bộ, công chức phải thực hiện nghiêm túc và nêu gương
Hiện dư luận rất quan tâm đến những quy định của Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia. Để luật sớm đi vào cuộc sống thì Chính phủ, các bộ, ngành phải sớm ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn chi tiết, cụ thể và phải phù hợp với thực tế. Mặt khác, ngay bây giờ và thời gian tiếp theo, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương phải quan tâm chỉ đạo thực hiện nghiêm túc và nêu gương. Vấn đề không chỉ là vận động thực hiện nữa mà sẽ có chế tài, cả về hành chính, hình thức kỷ luật có liên quan đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên nếu vi phạm luật. Đồng thời cần đẩy mạnh hơn nữa công tác phổ biến, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thái độ của mọi người đối với những tác hại của rượu, bia.
Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Bộ Công an Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng: Khi đã có luật, việc xử lý sẽ dễ dàng hơn
Trong thời gian qua, hiện tượng tài xế vi phạm nồng độ cồn, tấn công hoặc chống đối cảnh sát giao thông rất phổ biến. Điều này chứng tỏ người vi phạm rất coi thường pháp luật, nhưng quyền hạn của cảnh sát để xử lý mạnh tay rất khó. Có trường hợp giải thích mất rất nhiều thời gian tài xế vẫn không chấp hành. Lực lượng cảnh sát giao thông phải phối hợp với các lực lượng chức năng khác mới có thể khống chế, xử lý theo quy định. Khi đã có Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, việc xử lý của ngành chức năng sẽ dễ dàng hơn”.
Diễm Quỳnh - Thanh Hải
Nhóm P.V