Mặc dù Tết đã qua gần một tháng, nhưng nhiều người vẫn còn "ngây ngất" chuyện ăn nhậu với bạn bè. Điều này có thể thấy sau giờ tan ca chiều, trên nhiều con phố, nhất là trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa), hàng ăn, quán nhậu vẫn chật kín người và hoạt động cho đến tận khuya.
Mặc dù Tết đã qua gần một tháng, nhưng nhiều người vẫn còn “ngây ngất” chuyện ăn nhậu với bạn bè. Điều này có thể thấy sau giờ tan ca chiều, trên nhiều con phố, nhất là trên đường Võ Thị Sáu (TP.Biên Hòa), hàng ăn, quán nhậu vẫn chật kín người và hoạt động cho đến tận khuya. Hình ảnh không hiếm gặp những người từ quán nhậu đi ra với dáng đi xiêu xiêu vẹo vẹo, leo lên xe máy phóng ào ào, nguy cơ gây tai nạn cho mình và người khác là rất cao.
Đọc báo tôi được biết, trong 9 ngày nghỉ Tết Kỷ Hợi vừa qua, cả nước đã có hơn 3 ngàn ca bị ngộ độc rượu, riêng tại Đồng Nai cũng có hơn chục ca phải nhập viện cấp cứu tại các bệnh viện trong tỉnh. Là một người làm trong ngành Y tế, tôi biết ngộ độc rượu sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy, không ít trường hợp tử vong hoặc phải sống đời thực vật vì não bị tổn thương.
Dù đã được cảnh báo nhiều về tác hại của rượu, nhưng nhiều người vẫn xem việc uống rượu, nhậu nhẹt với bạn bè là thước đo mức độ thực lòng trong tình cảm bạn bè: “không say không về”, “không uống, không thật lòng với bạn bè”... Và thực tế đã có bao nhiêu người trong số này đã gặp những chuyện không hay, phải chịu những hệ lụy đau lòng.
Một người bạn của tôi từ nước ngoài về dịp Tết này, nhìn thấy cảnh nhậu nhẹt tràn lan ở Biên Hòa mà ngán ngại. Anh nói, người Việt mình vẫn còn thói quen nhậu nhẹt xả láng. Sau một buổi tối say bí tỉ, sáng mai khó có thể đi làm khi cơ thể thiếu tập trung, thiếu tỉnh táo... Như vậy không chỉ làm giảm năng suất công việc mà còn dễ gây tai nạn trong quá trình làm việc sử dụng máy móc.
Y sĩ Mai Thị Linh
(phường Tân Mai, TP.Biên Hòa)