Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh nhân ung thư có chiều hướng gia tăng

09:12, 02/12/2018

Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng số người mắc ung thư, đặc biệt là độ tuổi bệnh nhân đang trẻ hóa. Đó là cảnh báo của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng số người mắc ung thư, đặc biệt là độ tuổi bệnh nhân đang trẻ hóa. Đó là cảnh báo của đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Nhân viên y tế đang chăm sóc người bệnh ung thư đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: P.LIỄU
Nhân viên y tế đang chăm sóc người bệnh ung thư đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: P.LIỄU

Những nguyên nhân có thể dẫn đến ung thư gồm: môi trường ô nhiễm, thực phẩm nhiễm hóa chất, thói quen ít vận động và thức khuya… Để hạn chế căn bệnh nan y này, WHO khuyến cáo phải bắt đầu từ việc thay đổi những thói quen trên.

* Nguy cơ gia tăng bệnh nhân ung thư

Hơn 100 trường hợp đang điều trị ung thư nội trú tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho rằng do “xui xẻo” nên mới “lãnh” căn bệnh nan y từ… trời giáng xuống. Trong khi đó, theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Trưởng khoa Ung bướu (Bệnh viện đa khoa Đồng Nai), ung thư phát tác là do cả một quá trình cơ thể tích lũy chất độc bởi các hoạt động ăn uống và thói quen sinh hoạt thiếu khoa học.

Theo Hội Ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có hơn 200 ngàn ca bệnh ung thư mới và 70 ngàn ca tử vong do ung thư. Riêng tại Đồng Nai, theo Trung tâm y tế dự phòng Đồng Nai, tính đến hết quý III-2018 trên địa bàn tỉnh có gần 3,3 ngàn ca ung thư, trong đó đã có 581 ca tử vong và 783 ca phát hiện mới.

Mới 30 tuổi, nhưng anh T.D.Ph. (ngụ xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) đã phải điều trị ung thư đại tràng 2 năm nay. Ngày biết bị ung thư, anh Ph. coi như đời mình đã chấm dứt nên mỗi khi nhìn vợ trẻ, 2 đứa con nhỏ anh lại khóc suốt. Rất may là bệnh của anh Ph. được phát hiện sớm khi mới chớm vào giai đoạn 2 nên sau phẫu thuật và hóa trị thì hơn 1 năm nay chưa thấy có biểu hiện lây lan. Anh Ph. cho biết trong thời gian điều trị ung thư, anh có dịp tìm hiểu mới biết chính thói quen rất ít uống nước, để bị táo bón kéo dài nhiều ngày và hay nhậu nhẹt… khiến anh bị ung thư đại tràng.

Cũng rất sốc vì mới 28 tuổi đã phải mang căn bệnh ung thư cổ tử cung, chị Th.T. (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) không biết vì sao mình lại mắc bệnh nan y khi chưa lấy chồng, sinh con. Thắc mắc điều này với bác sĩ điều trị, chị T. được giải thích nguyên nhân dẫn đến ung thư cổ tử cung là do để âm đạo bị viêm nhiễm kéo dài, điều trị không đến nơi đến chốn. Ngoài ra, một số thói quen khác trong sinh hoạt của chị T. cũng dễ trở thành nguy cơ như thường xuyên ăn đồ nướng, thức ăn nhanh... Để cứu con gái, gia đình chị T. đang chuẩn bị đưa con đi Singapore chữa bệnh với chi phí khoảng 1,5 tỷ đồng...

Một trường hợp khác là chị N.T.L. (ở xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ), khi đang nuôi con nhỏ có lần thấy đau nhức bên ngực trái. Cứ nghĩ do căng tuyến sữa nên chị không quan tâm. Sau đó bên ngực này ngày càng cứng, đau và tiết chất dịch màu hồng. Chị L. đến bệnh viện thăm khám và được bác sĩ chẩn đoán ung thư vú. Sau khi phẫu thuật cắt ngực, 2 tháng nay chị được hóa trị tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. “Gia đình tôi trước đây kinh doanh thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Bản thân tôi cùng chồng cũng hay đi phun hóa chất mướn cho những nhà vườn. Có lẽ do thường xuyên sống trong môi trường hóa chất độc hại khiến cơ thể tích tụ chất độc gây ung thư” - chị L. nói.

* Nên thay đổi thói quen “xấu”

Theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu phòng chống ung thư Việt Nam, người mắc ung thư tại Việt Nam đang tăng nhanh và trẻ hóa. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, ung thư các thể đều tăng cao trong khi tuổi thì lại giảm xuống. Trước đây, độ tuổi bị bệnh ung thư trung bình khoảng 55-65, hiện nay ngay cả trẻ em hay thanh thiếu niên và những nhóm đối tượng chưa lập gia đình cũng có thể mắc bệnh ung thư. 

Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, có nhiều nguyên nhân dẫn đến gia tăng ung thư. Trong đó cơ bản là do môi trường ô nhiễm, thực phẩm bị nhiễm hóa chất, chất lượng cũng như sức đề kháng giống nòi bị giảm sút. Song phần lớn vẫn do yếu tố chủ quan như: ít vận động, thức khuya và làm việc trong môi trường máy lạnh đã làm hạn chế quá trình đào thải chất độc, chất cặn bã trong cơ thể. Trong khi đó, môi trường bị ô nhiễm, thực phẩm nhiễm hóa chất và nhiều người có thói quen thích đồ ăn nhanh, đồ nướng, uống nhiều bia rượu... khiến chất độc tích lũy trong người ngày càng nhiều, sinh ra ung thư.

Trong một lần về Đồng Nai nói chuyện chuyên đề về phòng ngừa ung thư, GS.Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam nhắc nhở: để hạn chế nguy cơ bị ung thư, mọi người phải thay đổi từ những thói quen xấu trong ăn uống, sinh hoạt, làm việc. Đặc biệt là chế độ ăn lành mạnh, giàu chất xơ; uống đủ nước và tăng vận động để giúp cơ thể đào thải chất độc. Theo thống kê, khoảng 40% bệnh ung thư có thể tránh được; 80% bệnh ung thư có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm. Do đó, người bình thường cũng nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, tầm soát ung thư mỗi năm một lần sẽ giúp phát hiện và điều trị các bệnh ung thư khi ở giai đoạn mới chớm” - GS.Hùng lưu ý.

  Phương Liễu

Tin xem nhiều