Mới đây, một cơn mưa lớn kèm theo lốc đã làm đồi 112 (ấp Hiệp Thuận, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) sạt lở nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn của 62 hộ dân sinh sống phía dưới.
Mới đây, một cơn mưa lớn kèm theo lốc đã làm đồi 112 (ấp Hiệp Thuận, thị trấn Định Quán, huyện Định Quán) sạt lở nghiêm trọng, đe dọa sự an toàn của 62 hộ dân sinh sống phía dưới.
Một số khu vực sạt lở tại đồi 112. |
Ông Trần Nhân Tâm, ngụ ấp Hiệp Thuận, hiện đang canh tác hơn 5 hécta điều trên đỉnh đồi 112. Ông Tâm là người đã gắn bó lâu năm với vùng đồi này, nên dường như ông biết khá rõ về nó. Ông Tâm cho rằng, đồi 112 trước đây có hình thoi. Thời gian qua, do bị khai thác nhiều nên nó “biến dạng”, kể cả lớp đất đá hiện nay rất mềm nên mỗi khi mưa lớn, lớp kết dính trở nên yếu, dẫn đến sạt lở. Cùng nhận định như người hàng xóm gần nhà, ông Nguyễn Đình Hiệp khẳng định: “Chính mắt tôi nhìn thấy đồi 112 sạt lở 2 lần, lần này là lần thứ ba. Có lần, đất đá ào xuống, đánh bật gốc cây rồi lấn ra đường hàng chục mét. Tận mắt chứng kiến mới thấy sự nguy hiểm của hàng tấn đất đá bỗng chốc đổ xuống dưới khu dân cư, rất nguy hiểm”.
Đề cập về tình hình sạt lở đồi 112, Phó chủ tịch UBND thị trấn Định Quán Ngô Kim Nguyệt cho biết: “Những ngày qua, chúng tôi rất hiểu tâm trạng lo lắng của người dân vấn đề này. Ban chỉ huy phòng chống lụt bão cũng như các ban ngành, đoàn thể thị trấn thường xuyên túc trực để ứng phó, một khi sự cố ở đồi 112 lại xảy ra. Chúng tôi đã chuẩn bị tương đối chu đáo, nếu đồi này tiếp tục sạt lở thì sẽ tổ chức phương tiện, lực lượng tại chỗ để huy động cứu người, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm. Cụ thể, số hộ dân ở chân đồi 112 được bố trí tạm tại các trường học và nhà văn hóa. Về lâu dài, UBND thị trấn sẽ phối hợp các ngành chức năng của huyện để di dời dân ra khỏi đồi 112, đồng thời xin ý kiến của UBND huyện bố trí tái định cư cho những gia đình này có nơi ở ổn định”.
Theo một số lão nông ở thị trấn Định Quán, bên cạnh sự bào mòn về thời gian, thì tốc độ tàn phá không thương tiếc của con người đã làm cho ngọn đồi trở nên trơ trụi; thay vào vạt rừng xanh thẳm là các cây điều, chuối. |
Theo bà Nguyệt, quanh khu vực chân đồi 112 hiện có 62 hộ dân với 248 nhân khẩu. Phần lớn các gia đình sinh sống bằng nghề buôn bán nhỏ dọc quốc lộ 20; số ít làm nông nghiệp nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nếu số hộ dân này buộc phải chuyển đi nơi khác thì vấn đề giải quyết việc làm cho bà con là khá nan giải, khó có thể giải quyết ngay được. Bởi hầu hết những lao động đang sống ở đây không có đất sản xuất, không có việc làm ổn định, mà chỉ buôn bán nhỏ.
“Giải pháp ổn định cuộc sống an toàn và no đủ cho người dân đồi 112 là hết sức cấp thiết, có ý nghĩa rất quan trọng. Tôi nghĩ rằng, kế hoạch di dân là hợp lý, nhưng đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền mới tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao từ các hộ dân” - bà Nguyệt nhấn mạnh.
Thanh Danh - Văn Tuấn