Báo Đồng Nai điện tử
Thứ 3, 22/04/2025, 19:49 En

Ứng phó nguy cơ cháy rừng cao điểm mùa khô

An Nhơn (thực hiện)
09:00, 12/04/2025

Đồng Nai đã vào giai đoạn cao điểm mùa khô với thời tiết nhiều cực đoan. Xác định công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR); phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu nên các cơ quan, đơn vị trong ngành lâm nghiệp đang ngày đêm thực hiện các giải pháp nhằm giúp công tác QLBVR, PCCCR luôn trong tư thế chủ động và mang lại hiệu quả cao.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai Ngô Văn Vinh.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai NGÔ VĂN VINH đã có chia sẻ với Báo Đồng Nai về tình hình thời tiết mùa khô năm nay cũng như những giải pháp đặt ra để công tác QLBVR, PCCCR được đảm bảo.

Nắng hạn cực đoan, nguy cơ cháy rừng rất cao

Trước tình hình mùa khô năm 2025 có nhiều diễn biến phức tạp, Đồng Nai đã chủ động triển khai các kế hoạch, phương án, giải pháp nhằm ngăn ngừa những nguy cơ cháy rừng có thể xảy ra như thế nào, thưa ông?

- Thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, mùa khô năm 2025 đến muộn và xuất hiện vài cơn mưa trái mùa khiến công tác PCCCR có phần giảm áp lực hơn so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, thời tiết đang vào cao điểm mùa khô, diễn biến nhiều phức tạp nên nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Trước tình hình đó, Đồng Nai không lơ là chủ quan, mà ngay từ đầu mùa khô đã chủ động bám sát tình hình thực tiễn tại địa phương và ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác QLBVR và PCCCR. Giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan chuyên môn, địa phương, đơn vị chủ rừng nhằm chủ động ứng phó trong công tác PCCCR.

Cụ thể, kiện toàn ban chỉ đạo, ban chỉ huy các cấp và các tổ, đội PCCCR của xã, chủ rừng; rà soát, xây dựng các phương án tác chiến chữa cháy rừng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị; thực hiện nghiêm công tác trực PCCCR, chế độ báo cáo theo quy định; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác cảnh báo, dự báo cháy rừng, tuyên truyền về PCCCR. Lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ rừng thực hiện công tác xử lý thực bì, giảm vật liệu cháy; tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai, thực hiện các phương án QLBVR, PCCCR.

 Đặc thù của rừng ở Đồng Nai có nhiều cụm dân cư sống len lỏi trong rừng và việc người dân làm nương rẫy rất dễ xảy ra nguy cơ cháy lan vào rừng. Vậy Đồng Nai đã có những giải pháp gì để hạn chế tình trạng này, thưa ông?

- Theo quá trình lịch sử, ở Đồng Nai có nhiều cụm dân cư sống len lỏi trong rừng và việc người dân sống ven rừng, gần rừng sử dụng lửa bất cẩn rất dễ xảy ra cháy cũng như nguy cơ cháy lan vào rừng.

Để hạn chế việc này, Đồng Nai đã áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là công tác tuyên truyền được quan tâm, chú trọng. Đồng thời, tăng cường lực lượng kiểm lâm cơ động, kiểm lâm địa bàn đến các khu vực trọng điểm về cháy rừng để tham mưu cho chính quyền cơ sở thực hiện công tác PCCCR. Chỉ đạo địa phương, đơn vị chủ rừng xử lý thực bì, giảm vật liệu cháy ở những vị trí đường be, đường mòn, khu vực tiếp giáp với đường giao thông. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn đăng ký thời gian đốt xử lý thực bì trồng rừng và đốt dọn nương rẫy với trưởng ấp, kiểm lâm địa bàn để theo dõi, hướng dẫn nhằm kiểm soát quá trình sử dụng lửa trong mùa khô hanh.

Đồng Nai thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra ở các khu vực trọng điểm, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; kiểm soát người ra vào rừng. Thực hiện nghiêm công tác trực PCCCR tại các chốt, chòi canh lửa, điểm trực gác tạm thời. Ứng dụng công nghệ thông tin trong cảnh báo cháy rừng, phát hiện sớm cháy rừng và chỉ đạo xác minh điểm cháy rừng theo dữ liệu ảnh vệ tinh của NASA để có biện pháp ứng phó phù hợp…

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai Ngô Văn Vinh chia sẻ, nhờ thực hiện tốt phương án “4 tại chỗ”, phòng ngừa từ sớm và từ xa nên công tác QLBVR, PCCCR ở Đồng Nai trong những năm qua luôn đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Phương án “then chốt” trong phòng cháy, chữa cháy rừng

Đồng Nai đã đúc kết kinh nghiệm cũng như đặt ra giải pháp “then chốt” nào cho công tác PCCCR trong thời gian tới?

- Mùa khô năm 2024, trên địa bàn tỉnh xảy ra 6 vụ cháy rừng nhưng chủ yếu liên quan đến rừng trồng. Các vụ cháy rừng được phát hiện sớm và xử lý kịp thời nên ít gây thiệt hại đến tài nguyên rừng.

Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ một số tỉnh trong nước và từ mùa khô các năm trước ở trên địa bàn, Đồng Nai xác định công tác then chốt trong PCCCR là phải chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ). Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các lực lượng chuyên ngành (công an, quân đội, kiểm lâm); phối hợp tốt giữa các cấp chính quyền trong tuyên truyền pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, đồng thuận của nhân dân trong công tác PCCCR.

Đồng Nai còn làm tốt công tác cảnh báo, dự báo cháy rừng; thực hiện nghiêm công tác trực, chế độ báo cáo theo quy định; xử lý thực bì, giảm vật liệu cháy; đầu tư phương tiện, thiết bị, vật tư chữa cháy rừng hiệu quả hơn. Khi xảy ra cháy rừng, Đồng Nai đã nhanh chóng huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị vật tư, chỉ huy dập tắt đám cháy, không để cháy lan, cháy lớn.

Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn cùng làm nhiệm vụ tuần tra rừng. Ảnh: C.T.V
Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn cùng làm nhiệm vụ tuần tra rừng. Ảnh: C.T.V

Công tác QLBVR, PCCCR cho mùa khô năm 2025 đang được triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Đến thời điểm này, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh đều đã xây dựng, tổ chức thực hiện các phương án QLBVR, PCCCR, tác chiến chữa cháy rừng; cơ bản hoàn thành công tác thi công đường băng cản lửa, xử lý thực bì, giảm vật liệu cháy; thực hiện công tác cảnh báo cháy rừng và tổ chức trực, tuần tra các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao; duy trì chế độ báo cáo hàng ngày, tuần, tháng, đột xuất. Các cơ quan, đơn vị đang đẩy mạnh tuyên truyền nhằm kêu gọi các tầng lớp nhân dân và cả hệ thống chính trị cùng chung sức bảo vệ rừng, PCCCR.

Rừng ở Đồng Nai được xem là “lá phổi xanh” của vùng Đông Nam Bộ. Đồng Nai tự hào về điều này nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách trong thời gian tới. Vậy cần có giải pháp gì để giữ gìn “lá phổi xanh” này?

- Từ năm 1997, Đồng Nai đã ban hành quyết định về việc đóng cửa rừng nhằm phục hồi, bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên và giữ đa dạng sinh học. Đồng Nai là địa phương đóng cửa rừng tự nhiên sớm nhất trên cả nước. Nhờ đó, nhiều khu rừng nghèo kiệt trước đây đã được phục hồi, phát triển thành rừng tự nhiên với nguồn tài nguyên đa dạng.

Tính đến ngày 31-12-2024, Đồng Nai có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp khoảng 182 ngàn hécta. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 29,04% (theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XI Đảng bộ tỉnh Đồng Nai là 28,3%) và xếp vị trí 32/63 tỉnh, thành trong cả nước. Rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh thuộc kiểu rừng nhiệt đới, có tính đa dạng sinh học cao, mang tính văn hóa, lịch sử và giữ vai trò rất quan trọng đối với phát triển bền vững của tỉnh và vùng Đông Nam Bộ.

Đồng Nai hoàn toàn tự hào về những kết quả trên nhưng cũng đặt ra nhiều thử thách trong công tác QLBVR, PCCCR. Tình hình vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp ngày càng tinh vi, khó phát hiện quả tang, xử lý triệt để. Thời tiết ngày càng diễn biến bất thường, nắng hạn cực đoan diễn ra phổ biến. Lao động trong lĩnh vực lâm nghiệp làm việc trong điều kiện vùng sâu, vùng xa, cơ sở vật chất thiếu thốn nhưng chế độ đãi ngộ cho lực lượng giữ rừng còn thấp, không thu hút được lao động làm nghề rừng…

Tuy nhiên, rừng ở Đồng Nai có được kết quả tốt như hiện nay là nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của HĐND, UBND tỉnh, chính quyền các cấp, các đơn vị chủ rừng, kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và sự đồng lòng của người dân. Vì vậy, Đồng Nai sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh này để rừng Đồng Nai ngày càng phát triển và nâng giá trị tài nguyên rừng nhiều hơn trong thời gian tới.

* Xin cảm ơn ông!

An Nhơn (thực hiện)