Từ ngày 1-4-2025, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2025 có hiệu lực. Luật Ban hành VBQPPL năm 2025 có 9 chương, 72 điều (giảm 8 chương, 101 điều so với Luật Ban hành VBQPPL năm 2015) có nhiều quy định mới được dư luận quan tâm.
![]() |
Đoàn Luật sư tỉnh tổ chức Hội nghị Lấy ý kiến các luật sư, luật gia trong và ngoài tỉnh về những bất cập, vướng mắc trong quá trình thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 vào năm 2024. Ảnh minh họa: Đ.Phú |
Hệ thống, nguyên tắc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
Điều 4 Luật Ban hành VBQPPL năm 2025 quy định, hệ thống VBQPPL bao gồm: Hiến pháp; bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật); nghị quyết của Quốc hội; pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; nghị định, nghị quyết của Chính phủ; nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; quyết định của Thủ tướng Chính phủ; nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC).
Ngoài ra, Luật Ban hành VBQPPL năm 2025 quy định, hệ thống VBQPPL còn bao gồm: thông tư của Chánh án TANDTC; thông tư của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao; thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; thông tư của Tổng Kiểm toán nhà nước; thông tư liên tịch giữa Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC, Tổng Kiểm toán nhà nước, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ; nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh); quyết định của UBND cấp tỉnh; VBQPPL của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; nghị quyết của HĐND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện); quyết định của UBND cấp huyện.
Theo các chuyên gia pháp lý, Luật Ban hành VBQPPL năm 2025 so với Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 chỉ còn 25 hình thức VBQPPL (giảm một hình thức) và 14 chủ thể có thẩm quyền ban hành (giảm 2 chủ thể). Vấn đề này được thể hiện qua việc Luật Ban hành VBQPPL năm 2025 không đưa chủ thể là HĐND và UBND cấp xã được ban hành VBQPPL. Bên cạnh đó, Luật Ban hành VBQPPL năm 2025 còn quy định Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành hình thức VBQPPL với hình thức thông tư, thay vì quyết định và Chính phủ được ban hành VBQPPL dưới 2 hình thức là nghị định và nghị quyết.
Tại Điều 5 Luật Ban hành VBQPPL năm 2025 quy định về nguyên tắc xây dựng, ban hành VBQPPL cũng có nhiều vấn đề cần lưu ý như: bảo đảm việc thực hiện chủ trương phân quyền, phân cấp; giải quyết vấn đề bất cập, phát sinh từ thực tiễn; vấn đề mới, xu hướng mới; yêu cầu quản lý nhà nước và khuyến khích sáng tạo, khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. VBQPPL quy định thực hiện thí điểm phải xác định thời gian thực hiện thí điểm và phải được sơ kết, tổng kết để xem xét, quyết định việc tiếp tục áp dụng hoặc ban hành VBQPPL để áp dụng chính thức.
Khoản 1, Điều 55 Luật Ban hành VBQPPL năm 2025 quy định, chỉ trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện các quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân được quy định trong luật, nghị quyết của Quốc hội thì VBQPPL của cơ quan Trung ương, HĐND, UBND cấp tỉnh mới được quy định hiệu lực trở về trước.
Nhiều quy định mới đáng chú ý khác
Tại khoản 1 và khoản 2, Điều 3 Luật Ban hành VBQPPL năm 2025 có quy định, quy phạm pháp luật là quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong phạm vi cả nước hoặc trong đơn vị hành chính nhất định, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền quy định tại Luật Ban hành VBQPPL năm 2025 ban hành và được Nhà nước bảo đảm thực hiện. Còn chính sách là tập hợp các giải pháp cụ thể của Nhà nước để giải quyết một hoặc một số vấn đề của thực tiễn nhằm đạt được mục tiêu nhất định, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng.
Luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, do mỗi VBQPPL, chính sách pháp luật trước khi ban hành đều được các cơ quan xây dựng, soạn thảo đánh giá tác động, lấy ý kiến đóng góp của các cấp, ngành, đơn vị, chuyên gia và tầng lớp nhân dân - đối tượng chịu tác động nên tại Điều 6 Luật Ban hành VBQPPL năm 2025 quy định, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện phản biện xã hội đối với dự thảo VBQPPL theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2025, Luật MTTQ Việt Nam và các luật khác có liên quan.
Đồng thời, phản biện xã hội được thực hiện trong thời gian tổ chức soạn thảo VBQPPL. Cơ quan lập đề xuất chính sách có trách nhiệm tham vấn Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, bộ, cơ quan ngang bộ theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2025. MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và được tạo điều kiện tham gia góp ý kiến về chính sách, dự thảo VBQPPL.
Cơ quan lập đề xuất chính sách, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ và công khai việc tiếp thu, giải trình ý kiến phản biện xã hội, tham vấn chính sách, góp ý chính sách, dự thảo VBQPPL.
Luật sư Nguyễn Đức cho biết thêm, tại Điều 24 Luật Ban hành VBQPPL năm 2025 đã thay đổi tên chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Điều 31 Luật Ban hành VBQPPL năm 2015) thành chương trình lập pháp hàng năm của Quốc hội, đồng thời còn quy định nội hàm rộng và cụ thể hơn.
Chẳng hạn, tờ trình đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết được gửi bằng bản điện tử và một bản giấy, trong đó nêu rõ sự cần thiết, mục đích ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; các vấn đề cụ thể để xử lý mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập có nguyên nhân từ pháp luật; vấn đề mới, xu hướng mới và các nội dung cần thiết khác (nếu có); thời gian dự kiến trình và thông qua. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định chương trình lập pháp của năm tiếp theo trước ngày 1-10 hàng năm trên cơ sở tờ trình đề xuất của cơ quan trình.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin