Trên các hội nhóm mạng xã hội (MXH), việc mua bán pháo tự chế khá phổ biến và dễ dàng. Chỉ cần một cú nhấp chuột, người dùng có thể tiếp cận hàng loạt bài đăng chào bán pháo với đủ loại kích cỡ và mức giá.
Các hoạt động mua, bán thành phần chế tạo pháo hoạt động rầm rộ trên các hội nhóm kín Facebook. Ảnh chụp màn hình |
Thực trạng này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, mà còn đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý và xử lý vi phạm pháp luật trên không gian mạng.
Những “chợ ngầm” pháo tự chế
Chỉ cần vài thao tác đơn giản trên Facebook, hàng loạt nhóm kín, tài khoản cá nhân và bài đăng rao bán nguyên liệu làm pháo nổ lập tức xuất hiện. Những “chợ ngầm” này không chỉ thu hút hàng ngàn thành viên tham gia, mà còn hoạt động một cách tinh vi dưới các tên gọi như “chia sẻ kinh nghiệm” hoặc “hỗ trợ nguyên liệu”, nhưng thực chất là nơi giao dịch pháo nổ trái phép.
Vào hội nhóm Facebook Đ.M.C.P., nhóm kín có hơn 60 ngàn thành viên tham gia, chúng tôi thấy có đăng các bài công khai hướng dẫn chi tiết cách chế tạo pháo từ các hóa chất như: kali nitrat, bột nhôm và lưu huỳnh. Những người bán ẩn danh cung cấp nguyên liệu và cam kết: “Hàng đảm bảo chất lượng, giao dịch kín đáo”. Khi chúng tôi liên hệ riêng thì được chủ tài khoản Facebook K.T. tiết lộ giá một gói nguyên liệu đủ chế tạo 50 quả pháo là 500 ngàn đồng, kèm theo video hướng dẫn chi tiết.
Để tránh bị lực lượng chức năng phát hiện, các thuật ngữ ẩn ý đã được các nhóm kín này sử dụng như: “trứng,” “bi to,” “bi nhỏ,” hay “hạt star” để thay cho tên gọi các loại pháo tự chế, thường có hình dạng giống quả trứng hoặc bóng đồ chơi. Đáng chú ý, chủ tài khoản Facebook M.T. còn rao bán pháo hoa nhập khẩu, gọi là “hàng 49” với lời quảng cáo đầy thách thức: “Mua 5kg chơi thoải mái, nếu bị bắt thì chỉ bị phạt hành chính, không đủ khung hình sự”.
Mọi giao dịch mua bán các loại pháo nói trên diễn ra hoàn toàn qua mạng, còn hàng hóa được vận chuyển thông qua các dịch vụ giao hàng thông thường để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng.
Ngày 24-12-2024, Công an xã Gia Canh (huyện Định Quán) phối hợp với gia đình ông Nguyễn Văn Sửu đã thuyết phục em N.Q.S. (15 tuổi, con ông Sửu) giao nộp 9kg pháo tự chế được cất giấu tại chòi rẫy. S. khai đã mua nguyên liệu trên mạng và mang ra rẫy để tự chế pháo chơi Tết. Ngoài ra, S. còn cho biết, M.N.T. (15 tuổi, bạn của S.) đang tàng trữ 1,7kg thuốc dùng để chế tạo pháo.
Trước đó, Công an xã Phú Ngọc đã thu giữ 207 quả pháo bi dạng banh tại nhà em N.D.T. (ngụ xã Phú Ngọc).
Đáng chú ý, trong các hội nhóm mua bán pháo kín trên MXH, những người đã “chế” pháo thành công thường đăng tải video khoe thành quả, đồng thời hướng dẫn chi tiết cách thực hiện cho những người khác. Những clip này không chỉ thu hút sự tò mò, mà còn kích thích nhiều người, nhất là giới trẻ thử sức, bất chấp các nguy cơ mất an toàn và vi phạm pháp luật. Thực tế đã có không ít trường hợp bị thương tật do tự chế hoặc chơi pháo nổ.
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất vừa tiếp nhận cấp cứu cho nam bệnh nhân M.Q.Đ. (16 tuổi, ngụ xã Phú Tân, huyện Định Quán) bị thương do tai nạn pháo nổ. Người nhà bệnh nhân cho biết, trước khi nhập viện, bệnh nhân chơi pháo ở nhà thì pháo nổ, dẫn đến tổn thương vùng mặt, cẳng chân trái, cẳng tay phải, trong đó nặng nhất là nạn nhân bị bỏng giác mạc, nguy cơ giảm thị lực rất cao.
Bộ Công an đề xuất đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên về nguy cơ và hậu quả của pháo nổ. Các cơ sở giáo dục, gia đình và cộng đồng cần phối hợp chặt chẽ trong việc giáo dục và giám sát để ngăn chặn hành vi sử dụng pháo trái phép từ gốc rễ.
Nguy hiểm đến tính mạng
TS-BS Bùi Thanh Tuấn, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết pháo tự chế có thành phần hóa học rất đa dạng như: lưu huỳnh, phốt pho, magie, carbon. Đây là những chất hóa học có hại cho sức khỏe khi tiếp xúc gần hoặc hít phải; đồng thời là những chất dễ cháy nổ, nguy hiểm, tổn hại đến cơ thể con người. Khi hít các chất hóa học này trong quá trình chế tạo pháo có thể gây ho, khó thở. Bụi khói của pháo có thể làm viêm, loét giác mạc mắt.
TS-BS Bùi Thanh Tuấn cảnh báo, khi pháo nổ sẽ gây ù tai, thủng màng nhĩ, hoặc nặng hơn, gây tổn thương, phá nát các cơ quan tiếp xúc với nó, đặc biệt là bàn tay, gây bỏng vùng mặt, thân thể, nhiễm trùng, nhiễm độc, tạo ra các sẹo xấu, ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ; nhiều trường hợp có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng pháo.
TS-BS Bùi Thanh Tuấn cho biết, đã từng xử lý một trường hợp bị nát bàn tay do pháo nổ. Vì sức công phá của pháo rất mạnh nên các gân cơ, mạch máu thần kinh của bàn tay bị tổn hại nghiêm trọng, phải cắt bỏ gần hết các chỗ bị hư nát. Cuối cùng, chức năng của bàn tay trở nên vô dụng vì tổn thương quá nặng nề.
Theo Công an tỉnh, để phòng tránh tai nạn do pháo, gia đình và nhà trường thường xuyên nhắc nhở học sinh tuyệt đối không được sử dụng các vật gây nổ, trộn các hóa chất để chế tạo pháo, nhất là học sinh đang trong độ tuổi thích tìm tòi, khám phá; đồng thời, giáo dục học sinh để hiểu các mức độ nguy hiểm do pháo gây ra.
Lê Duy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin