Báo Đồng Nai điện tử
En

Đem cho, bán vật sở hữu chung

Đoàn Phú
09:00, 14/01/2025

Tài sản chung của vợ chồng do vợ chồng định đoạt. Tuy nhiên, có những tài sản chung không còn giá trị sử dụng hoặc giá trị rất thấp thì liệu một trong 2 người tự ý định đoạt có được không?

Các luật sư Đoàn Luật sư tỉnh (phải) tư vấn cho người dân xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) các quy định của pháp luật dân sự. Ảnh: Đ.Phú

Đây là vấn đề nhiều người muốn biết khi Xuân về, Tết đến dọn dẹp nhà cửa có nhiều vật dụng cần loại bỏ, nhưng người kia không đồng ý.

Tự ý cho tài sản đã cũ, ít sử dụng

Anh N.V.N. (ngụ phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) kể lại, trong quá trình dọn dẹp nhà đón Tết, anh thấy chiếc Dream II Trung Quốc được vợ chồng anh mua từ năm 2000 đã hư, không sử dụng được đang để ở một góc vườn. Thế nhưng, khi anh đem xe cho một người hàng xóm về sửa làm phương tiện đi bán hàng rong thì vợ bắt anh đòi lại với lập luận, đó là tài sản chung của vợ chồng, muốn chia, bán, cho… phải được cả 2 người đồng ý.

“Tôi nghĩ, xe quá cũ, không còn giá trị sử dụng nên cả 2 vợ chồng tôi đều mất quyền sở hữu. Do đó, tôi hay vợ đều có quyền định đoạt mà không cần hỏi ý kiến người khác, có đúng không?” - anh N.V.N. thắc mắc.

Tương tự, bà P.T.H. (ngụ xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) bày tỏ, cứ mỗi lần dọn dẹp nhà cửa, bà thường cho người thân, người quen các vật dụng (ti vi, quạt, bàn ghế…) đã cũ, ít sử dụng thì bị chồng càm ràm.

“Tôi rất bực khi bị chồng nói tôi không được tự quyền định đoạt mấy tài sản này, nếu muốn cho ai hoặc bán phế liệu cũng phải được chồng cho phép” - bà P.T.H. bộc bạch.

Với các tình huống trên, theo luật sư Trần Văn Giáp (Đoàn Luật sư tỉnh), mặc dù vợ chồng anh N.V.N. và bà P.T.H. không để sự việc tranh chấp, vướng mắc đi quá xa, hay yêu cầu pháp luật can thiệp, nhưng trong tình huống này người vợ, người chồng đều muốn biết tài sản chung của vợ chồng không còn sử dụng thì khi định đoạt có giống với tài sản chung đang sử dụng, tài sản có giá trị lớn (như: xe ô tô, nhà cửa, đất đai…) là chính đáng. Từ đó giúp vợ, chồng họ sau này có cách xử sự đúng đắn, tôn trọng nhau hơn.

“Tài sản chung của vợ chồng phải do vợ, chồng quyết định cho dù tài sản đó hiện tại vợ chồng xem đó là đồ bỏ đi, không còn sử dụng nữa. Vấn đề này tuy nhỏ nhưng vợ, chồng cũng cần lưu ý khi thanh lý các vật dụng không còn sử dụng dịp Xuân về, Tết đến để tránh bất hòa” - luật gia NGUYỄN THỊ HỒNG (Hội Luật gia tỉnh) bày tỏ.

Lấy pháp luật làm trọng tài phân xử

Luật sư Trần Văn Giáp phân tích, theo Bộ luật Dân sự năm 2015, tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản (khoản 1, Điều 105). Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác (Điều 115).

Quyền sở hữu là một quan hệ pháp luật dân sự về sở hữu. Cũng giống như bất cứ quan hệ pháp luật dân sự nào, quyền sở hữu phát sinh phải dựa trên những căn cứ pháp lý nhất định. Nó chỉ xuất hiện khi có những sự kiện thực tế mà Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định ý nghĩa pháp lý đối với sự kiện đó. Pháp luật chỉ công nhận và bảo vệ các quyền của chủ sở hữu nếu quyền đó được xác lập trên những căn cứ theo quy định tại Điều 221 Bộ luật Dân sự năm 2015.

“Từ đó có thể hiểu, các vật dụng trong gia đình dù giá trị nhỏ hay giá trị lớn, còn sử dụng hay hư hỏng, không sử dụng nữa cũng thuộc sở hữu của vợ chồng, trừ trường hợp đó là tài sản riêng, có chứng cứ chứng minh đó là tài sản riêng của chồng hoặc vợ. Một khi đã là tài sản chung, xác lập quyền sở hữu chung thì quyền định đoạt phải do vợ chồng cùng quyết định” - luật sư Trần Văn Giáp chia sẻ.

Đồng quan điểm, luật gia Nguyễn Thị Hồng (Hội Luật gia tỉnh) cho hay, theo điểm a, khoản 3, Điều 40 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025) thì xe mô tô, xe gắn máy dù hư hỏng vẫn còn niên hạn sử dụng. Riêng các vật dụng khác như: tủ, bàn ghế, quạt, tivi… chỉ ghi hạn sử dụng hoặc không ghi hạn sử dụng, nên dù thực tế hết hạn sử dụng, không còn giá trị sử dụng thì cũng phải do tổ chức, cá nhân có thẩm quyền quyết định, công nhận, đánh giá về giá trị hiện tại của nó; chứ không phải một ai đó cho rằng nó không còn giá trị sử dụng hoặc giá trị bằng 0 (không) là được.

“Trừ trường hợp vợ chồng đồng thuận cho rằng tài sản đó không còn giá trị, hoặc giá trị bằng 0. Còn khi tranh chấp thì cần có người, tổ chức có thẩm quyền quyết định. Bởi vì, vật ngoài giá trị xác định được bằng tiền thì còn giá trị tinh thần như: kỷ vật, kỷ niệm. Do đó, khi vợ hoặc chồng tự cho rằng tài sản chung không còn sử dụng được, chỉ là phế liệu thì không còn quyền sở hữu chung, vật vô chủ, tự định đoạt là không đúng” - luật gia Nguyễn Thị Hồng bày tỏ.

Cũng theo luật gia Nguyễn Thị Hồng, mọi tranh chấp dân sự đối với tài sản chung của vợ chồng, pháp luật luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Chỉ khi nào vợ, chồng không thỏa thuận, không giải quyết được và có yêu cầu thì pháp luật mới can thiệp. Pháp luật giải quyết, phân chia theo nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng thường được chia đôi. Tuy vậy, trong phân chia, pháp luật cũng có xem xét tới công sức đóng góp của từng người trong quá trình tạo lập nên tài sản chung đó.

   Đoàn Phú

Tin xem nhiều