Báo Đồng Nai điện tử
En

Cho thuê vỉa hè sao cho phù hợp, đảm bảo lợi ích chung

Kim Liễu
09:00, 10/01/2025

Thông tin “Biên Hòa nghiên cứu cho thuê sử dụng tạm vỉa hè trước nhà dân” đăng trên Báo Đồng Nai ngày 6-1 nhận được nhiều phản hồi từ dư luận. Bên cạnh các ý kiến ủng hộ rằng việc này cần thiết vì xử lý tình trạng chiếm dụng vỉa hè trái phép, mất mỹ quan..., nhiều người đề xuất thành phố cần xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, chi tiết để đảm bảo quyền lợi của người dân, hướng đến mục đích góp phần chỉnh trang đô thị…

Rất dễ bắt gặp tình trạng lấn chiếm vỉa hè để buôn bán trên các tuyến đường tại thành phố Biên Hòa. Ảnh chụp trên đường Võ Thị Sáu. Ảnh: K.Liễu

Quy hoạch việc sử dụng vỉa hè

Mới đây, tại cuộc họp nghe báo cáo kết quả thực hiện lập lại trật tự lòng, lề đường và phương án cho thuê vỉa hè tại thành phố Biên Hòa, lãnh đạo UBND thành phố Biên Hòa đã giao Phòng Quản lý đô thị thành phố chủ trì cùng với các đơn vị có liên quan tổ chức khảo sát các tuyến đường nội thành có vỉa hè rộng, tham mưu đề xuất UBND thành phố kẻ vạch vỉa hè cho phù hợp từng tuyến đường. Đồng thời, tham mưu UBND thành phố xây dựng đề án cho thuê sử dụng tạm vỉa hè trước nhà dân, trước khu đất công do Nhà nước quản lý.

Thông tin này nhận được sự quan tâm của nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Đồng Nai. Chia sẻ với Báo Đồng Nai, BĐ Nguyễn Thanh Toàn (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) cho biết: “Việc thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè, tôi thấy tại Thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai. Biên Hòa nên tham khảo kinh nghiệm để áp dụng sao cho hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của người dân. Thu phí giúp thành phố tận dụng các vỉa hè, mặt đường chưa sử dụng hết, từ đó góp phần vào việc kiểm soát, đảm bảo an ninh trật tự, mỹ quan đô thị”.

Bà T.K.H. (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) cho biết, mấy năm nay gia đình bà bán cá viên chiên tại vỉa hè đường 30-4.

“Tôi biết việc buôn bán của mình là vi phạm vì lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nhưng vì cuộc sống nên tôi buộc phải làm. Đứng bán hàng mà hồi hộp lắm, lo bị lực lượng trật tự đô thị kiểm tra, tịch thu xe, đóng phạt… Giờ biết tin tới đây thành phố có phương án thu phí sử dụng vỉa hè, tôi cũng đỡ lo” - bà T.K.H chia sẻ.

Tương tự, gia đình bà N.T.H. (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) chia sẻ, mỗi chiều gia đình bà thường mở quán bán cơm tấm trên vỉa hè đường Võ Thị Sáu. Việc buôn bán không gây cản trở giao thông tại khu vực, khách chủ yếu là dân lao động, nếu thuê mặt bằng thì giá cả cao sẽ rất khó bán. Còn lấn chiếm vỉa hè mà buôn bán thì tâm trạng lúc nào cũng nơm nớp lo lắng không biết lúc nào sẽ bị phạt.

“Mong kế hoạch thu phí vỉa hè của thành phố sớm thực hiện để tạo điều kiện cho người dân buôn bán hợp pháp, công khai. Nếu được thuê sử dụng tạm theo giờ thì giá chắc sẽ đỡ hơn giá thuê mặt bằng, như vậy người dân cũng đỡ khổ” - bà N.T.H. bộc bạch.

Bà Trần Thị Quỳnh Anh (ngụ phường Thống Nhất) cho biết, bà ủng hộ chủ trương thu phí lòng đường, vỉa hè của thành phố Biên Hòa. Việc triển khai thu phí lòng đường, vỉa hè sẽ giúp Biên Hòa chỉnh trang đô thị. Bởi, thực tế vỉa hè hiện nay không chỉ dùng để đi bộ, mà còn dùng để bán hàng rong, trông giữ xe, kinh doanh. Vì vậy, việc triển khai thu phí là hoàn toàn hợp lý, song cần triển khai một cách bài bản.

Hướng đến chỉnh trang đô thị

Bên cạnh các ý kiến nhất trí, một số người dân ở thành phố Biên Hòa, nhất là những hộ dân có nhà ở mặt điền đường, bày tỏ lo lắng. Bình luận dưới bản tin “Biên Hòa nghiên cứu cho thuê sử dụng tạm vỉa hè trước nhà dân” được trích dẫn trên Facebook Báo Đồng Nai, tài khoản Facebook Nguyễn Hướng Bình thắc mắc: “Rồi ví dụ trước cửa nhà mình mà người khác thuê vỉa hè, mỗi lần ra vô làm sao ta, khúc này chưa nghĩ ra…”.

Còn tài khoản Facebook Phúc Nguyên viết: “Trước nhà dân sao lấy của người ta mà cho thuê được”. “Tưởng vỉa hè dành cho người đi bộ mà. Xe máy leo vỉa hè còn phạt cơ mà?” - tài khoản Facebook Thảo Nguyên Xanh bình luận.

Tài khoản Facebook Kim Kim viết: “Chỉ nên cho thuê vỉa hè ở những khu vực sầm uất, các con đường có điều kiện cần kinh doanh. Vỉa hè chỉ ưu tiên cho đi bộ, là không gian chung, nếu cho thuê tràn lan không khéo vô tình hợp thức hóa việc nhếch nhác, gây mất an toàn giao thông”.

Các lo lắng trên cũng dễ hiểu, bởi theo quy định vỉa hè là dành cho người đi bộ và trước giờ người dân luôn ngầm hiểu phần vỉa hè phía trước chính là mặt tiền nhà mình nên thuộc quyền sử dụng của chủ nhà.

“Theo tôi, thành phố nên tổ chức khảo sát kỹ. Chỉ triển khai cho thuê, thu phí theo giờ cố định ở các tuyến đường nội thành có vỉa hè rộng. Vỉa hè cũng được tổ chức phân vạch chỉ giới sử dụng rõ ràng để đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ dân” - bà Trần Thị Quỳnh Anh (ngụ phường Thống Nhất) đề xuất.

Về phương án triển khai, nhiều ý kiến đề xuất thành phố chỉ nên triển khai cho thuê sử dụng tạm vỉa hè trước nhà dân, trước khu đất công do Nhà nước quản lý. Nên xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, chi tiết hơn, việc thu phí phải được diễn ra công khai để người dân nắm bắt, cân nhắc về các điều kiện, địa điểm, giá cả... Đồng thời, phải có lực lượng giám sát, không để người thuê lấn chiếm không gian, sử dụng vỉa hè tùy tiện gây ảnh hưởng đến người đi bộ. Mục tiêu của việc quy hoạch sử dụng vỉa hè nên hướng đến việc quy hoạch đô thị, tạo mỹ quan cho thành phố, ngăn chặn tình trạng chiếm dụng vỉa hè trái phép. Đồng thời, mang lại nhiều thuận tiện cũng như lợi ích nhất định cho người dân và Nhà nước.

Kim Liễu

 

 

 

 

Tin xem nhiều