Trong suốt nhiều năm tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người lao động (NLĐ), người dân, luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) chia sẻ, nếu thiếu cái tâm, thiếu trách nhiệm, không có sự thấu hiểu thì khó gắn bó với công việc tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho người dân, nhất là NLĐ.
Luật gia Phạm Đình Đức (phải) chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp trẻ trong công tác hỗ trợ pháp lý cho người lao động. Ảnh: Đ.Phú |
“Chúng tôi cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người có nhu cầu và không phải vì vậy mà chúng tôi làm việc qua loa, thiếu nhiệt tình” - luật gia Phạm Đình Đức bày tỏ.
Vẫn làm việc sau khi về hưu
Năm 2016, cán bộ Phòng Lao động, thương binh và xã hội thành phố Biên Hòa Phạm Đình Đức nhận quyết định nghỉ hưu hưởng chế độ theo quy định. Tuy vậy, không ít NLĐ vẫn gọi điện thoại hoặc đề nghị được gặp ông để nhờ tư vấn, hỗ trợ giải quyết những khúc mắc liên quan tới quyền lợi đang gặp phải tại nơi làm việc. Thấy bản thân vẫn được NLĐ tin tưởng nên khi được lãnh đạo Hội Luật gia thành phố Biên Hòa đề nghị hỗ trợ trực tư vấn, trợ giúp pháp lý lĩnh vực lao động, doanh nghiệp tại Chi nhánh Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia thành phố Biên Hòa (trực thuộc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh) đặt tại Hội Luật gia thành phố, ông Đức đã nhận lời.
Luật gia Phạm Đình Đức kể, lúc đầu ông nghĩ chỉ giúp hội một thời gian rồi nghỉ. Nào ngờ người dân và NLĐ tìm đến nhờ tư vấn pháp luật ngày càng nhiều, trong khi Chi nhánh Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia thành phố Biên Hòa chỉ có Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Biên Hòa Nguyễn Thanh Sơn và ông phụ trách.
“Tôi bén duyên với công việc này ngay sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, đến nay đã được 8 năm và có rất nhiều kỷ niệm” - luật gia Phạm Đình Đức bộc bạch.
Thời gian qua, có nhiều NLĐ được luật gia Phạm Đình Đức tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý thành công đã trở thành những người bạn thường hay lui tới thăm hỏi, hoặc giới thiệu cho người khác địa chỉ Chi nhánh Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia thành phố Biên Hòa mà ông đang làm việc để được tư vấn.
Chi nhánh Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia thành phố Biên Hòa hiện có 5 nhân sự. Mỗi năm, đơn vị tiếp nhận tư vấn, trợ giúp miễn phí cho trên 600 trường hợp. Tuy có tuổi đời cao nhất tại chi nhánh, nhưng luật gia Phạm Đình Đức vẫn luôn dành thời gian trực tiếp tiếp dân xuyên suốt từ thứ hai đến sáng thứ bảy hàng tuần và không ngần ngại chạy xe máy đến Tòa án nhân dân tỉnh, huyện để bảo vệ quyền lợi, nghĩa vụ chính đáng cho NLĐ, người yếu thế (người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em, người khuyết tật…) mà không có thù lao.
Chủ tịch Hội Luật gia thành phố Biên Hòa DƯƠNG VĂN TÍN bày tỏ, sự đóng góp của luật gia Phạm Đình Đức cho công tác hội trong hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân, doanh nghiệp, NLĐ luôn được đánh giá cao nên người dân, doanh nghiệp biết và tìm đến Chi nhánh Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia thành phố Biên Hòa nhờ tháo gỡ vấn đề vướng mắc pháp lý ngày một nhiều. Kết quả này có sự đóng góp quan trọng, sự tận tâm cống hiến của luật gia Phạm Đình Đức.
Trụ lại vì vẫn còn thấy có ích
Khách hàng của Chi nhánh Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia thành phố Biên Hòa nói chung, của luật gia Phạm Đình Đức nói riêng, đa dạng, đa thành phần. Ngoài câu chuyện pháp lý liên quan trực tiếp đến thu nhập, việc làm, quyền lợi cá nhân…, họ không ngần ngại sẻ chia cả về hoàn cảnh, những vấn đề mà họ gặp phải trong cuộc sống.
Như trường hợp bà Q.T.H. (ngụ xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu) bị người sử dụng lao động tính sai thời gian làm việc đối với người cao tuổi theo hợp đồng lao động suốt 8 năm với số tiền cần phải trả trên 100 triệu đồng. Qua đồng hành với bà Q.T.H. tại 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm suốt gần 2 năm 2021 và 2022, người sử dụng lao động mới chịu trả cho bà thêm một giờ làm việc trong ngày. Theo Bộ luật Lao động năm 2019, NLĐ cao tuổi chỉ làm 7 giờ/ngày, chứ không phải 8 giờ/ngày theo quy định cũ (khoản 2, Điều 166 Bộ luật Lao động năm 2012).
Luật gia Phạm Đình Đức bày tỏ quan điểm khi tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho người dân và NLĐ của ông là góp phần cùng chính quyền, các ngành, các cấp phổ biến, giáo dục pháp luật, từ đó giúp định hướng hành vi ứng xử của cá nhân, tổ chức theo khuôn khổ pháp luật. Qua đó, góp phần giảm nhẹ sự căng thẳng trong tranh chấp, tìm tiếng nói chung hoặc tiến hành các bước tiếp theo đúng quy định.
Từ năm 2016 đến nay, gắn bó với Chi nhánh Trung tâm Tư vấn pháp luật thành phố Biên Hòa, luật gia Phạm Đình Đức đã được Trung ương Hội Luật gia Việt Nam, UBND tỉnh, UBND thành phố Biên Hòa, Hội Luật gia tỉnh tặng nhiều bằng khen, giấy khen về công tác hội cũng như tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho người dân, NLĐ.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin