Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều phụ huynh phấn khởi khi thuốc lá điện tử bị cấm

Kim Liễu
09:00, 25/12/2024

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 173/2024/QH15 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Trong đó, Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội.

Thuốc lá điện tử được bán công khai trên các trang mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình
Thuốc lá điện tử được bán công khai trên các trang mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Thuốc lá điện tử đã được chứng minh gây nhiều tác hại cho sức khỏe. Đặc biệt, đã có nhiều trường hợp lợi dụng để trộn ma túy vào thuốc lá điện tử, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác. Trong khi mặt hàng này lại được giới trẻ, trong đó có cả học sinh, sử dụng khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Do đó, không chỉ bày tỏ niềm vui khi biết tin thuốc lá điện tử bị cấm, nhiều phụ huynh đề nghị xử phạt nghiêm những trường hợp buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Cấm là đúng

Chia sẻ với Báo Đồng Nai, nhiều bạn đọc (BĐ) cho biết rất vui khi biết tin tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua các đại biểu quốc hội đã thống nhất cao, chính thức thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025.

Ông Đặng Công Toàn (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) bộc bạch: “Không khó bắt gặp cảnh các cháu lứa tuổi học sinh tụ tập hút thuốc lá điện tử. Loại thuốc lá này đang len lỏi vào các trường học, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của giới trẻ và những người xung quanh bởi thành phần nicotine trong khói thuốc. Việc cấm sản phẩm này là một quyết định chính xác để giảm nguy cơ về sức khỏe đối với thế hệ trẻ”.

Bình luận dưới thông tin: “Cấm thuốc lá điện tử để bảo vệ sức khỏe cộng đồng” được trích dẫn trên Facebook Báo Đồng Nai ngày 12-12, tài khoản Facebook Trần Trúc viết: “Quá tuyệt vời”. Tương tự, tài khoản Facebook Cường snc bình luận: “Rất cần thiết, đúng ra phải từ lâu rồi. Nên cấm…, không hư hết trẻ con”.

Nhiều ý kiến đề nghị nên cấm luôn việc hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. “Cấm sử dụng thuốc lá điện tử và cấm hết mọi loại thuốc lá, cấm việc buôn bán, sản xuất. Các mặt hàng này không chỉ gây nghiện, mà còn gây ảnh hưởng sức khỏe người dùng, gây bệnh cho cả cộng đồng” - tài khoản Facebook Kim Kim chia sẻ.

Xử phạt nghiêm các vi phạm

Ngoài nhất trí việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, dư luận trong tỉnh đề xuất cơ quan chức năng phải xử phạt nghiêm hành vi vi phạm. Tài khoản Facebook Người độc hành viết: “Phải quy tội bán mặt hàng này như bán chất kích thích gây nghiện (ma túy), có như vậy mới cứu được con em trẻ vị thành niên”.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thanh Thảo (ngụ xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) cho rằng, Nghị quyết 173/2024/QH15 của Quốc hội về cấm thuốc lá điện tử có thể xem là giải pháp mạnh mẽ và thiết thực để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Việc này cần thực thi nghiêm minh để giúp giảm thiểu sự phổ biến của thuốc lá điện tử và góp phần tạo ra một môi trường sống lành mạnh và an toàn hơn cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

“Để phát huy hiệu quả của nghị quyết, theo tôi, các cơ quan chức năng cần triển khai thực hiện thật nghiêm túc việc xem thuốc lá là mặt hàng cấm. Có các giải pháp giám sát và kiểm soát việc sản xuất, nhập khẩu, phân phối và tiêu thụ thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trên thị trường. Đồng thời, xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm” - bà Thảo đề xuất.

Theo luật sư Vũ Duy Nam, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay quy định về các mức xử phạt khá rõ ràng, từ phạt tiền đến truy cứu trách nhiệm hình sự, tạo sức răn đe lớn. Cộng với việc bổ sung “lệnh” cấm hoàn toàn thuốc lá từ năm 2025 sẽ giúp thống nhất cơ sở pháp lý, tránh những kẽ hở về quản lý như trước đây. Tuy nhiên, các quy định hiện hành chưa nêu rõ cách kiểm tra, giám sát việc thực hiện cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Để đảm bảo thực hiện nghiêm và hiệu quả công tác này, Nhà nước cần quy định chi tiết hơn về trách nhiệm của các cơ quan quản lý, cũng như bổ sung hướng dẫn thi hành cụ thể.

“Thực tế vẫn còn tình trạng thuốc lá điện tử và nung nóng nhập lậu qua biên giới và bán qua các kênh trực tuyến. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, chưa hiểu rõ tác hại của các sản phẩm này, dẫn đến việc tiêu dùng vẫn phổ biến. Để ngăn chặn, xử lý hiệu quả các vi phạm liên quan thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nấu, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, cùng với sự tham gia của cộng đồng. Việc này đòi hỏi nỗ lực liên tục trong kiểm tra, giám sát và nâng cao nhận thức xã hội” - luật sư Nam chia sẻ.

Theo quy định pháp luật, từ ngày 1-1-2025, người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1-2 triệu đồng. Hành vi buôn bán, sản xuất, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được coi là buôn bán, sản xuất hàng cấm và có thể bị xử phạt hành chính lên đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức (theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP ngày 26-8-2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).

Về truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm (Điều 190 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ngoài ra, pháp nhân thương mại vi phạm có thể bị phạt tiền từ 1-9 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm và trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Kim Liễu

Tin xem nhiều