Báo Đồng Nai điện tử
En

Tái diễn chiêu lừa mua vé máy bay, đặt phòng khách sạn trực tuyến

Lê Duy
09:00, 27/11/2024

Lợi dụng nhu cầu mua vé máy bay, vé tàu và đặt phòng khách sạn vào dịp gần Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán 2025 tăng cao, một số đối tượng đã tái diễn thủ đoạn giả website bán vé máy bay, vé tàu; fanpage của các khách sạn để chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Trang web giả mạo “vietnamairslines.com” có tên miền gần giống với các trang chính thức. Ảnh chụp màn hình
Trang web giả mạo “vietnamairslines.com” có tên miền gần giống với các trang chính thức. Ảnh chụp màn hình

Thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi

Một trong những thủ đoạn lừa đảo trực tuyến tái diễn dịp Tết Nguyên đán là giả mạo website của các hãng hàng không để chiếm đoạt tiền của khách hàng. Các website giả mạo này có giao diện rất giống website thật, sao chép gần như hoàn toàn logo và bố cục website của các hãng hàng không lớn như: Vietnam Airlines, VietJet Air hoặc Bamboo Airways. Điển hình, những trang web giả mạo có tên miền gần giống với các trang chính thức, chẳng hạn như “vietnamairslines.com” hoặc “vietnamaairlines.com” khiến người dùng khó phân biệt thật, giả. Khi truy cập vào các trang web này, khách hàng sẽ bị thu hút bởi những thông tin giảm giá lớn hoặc các chương trình khuyến mãi hấp dẫn.

Trong vai khách hàng cần đặt vé máy bay về quê dịp Tết, chúng tôi truy cập vào một website bán vé máy bay giả mạo của Hãng Vietnam Airlines có tên miền “vietnamairslines.com”. Ngay khi chọn ngày bay, hệ thống báo đã hết vé và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân như: tên, số điện thoại, thời gian mua vé… Chưa đầy 5 phút sau khi nhập thông tin liên hệ trên website, một người tự xưng là nhân viên gọi điện thoại cho chúng tôi. Người này nhấn mạnh cần truy cập lại đúng địa chỉ trang web ban đầu và thúc giục nhanh chóng hoàn tất việc đặt vé. Đồng thời, nhân viên này đề nghị gửi thông tin vé qua email nếu chúng tôi đồng ý mua. Sau cuộc trao đổi, khoảng chưa đầy một giờ sau, chúng tôi nhận được email thông báo vé máy bay đã sẵn sàng và yêu cầu thanh toán số tiền 1.834.000 đồng. Thông tin trong email bao gồm ngày, giờ bay và giá vé, hoàn toàn khớp với những gì chúng tôi tìm kiếm trên trang web giả mạo trước đó...

Đã có nhiều nạn nhân chỉ phát hiện ra mình bị lừa khi không thể làm thủ tục lên máy bay tại sân bay vì vé đã bị hủy hoặc không tồn tại. Thậm chí, có trường hợp thông tin thẻ tín dụng của khách hàng bị đánh cắp để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp, gây thiệt hại về tài chính và làm gián đoạn kế hoạch dịp Tết, đặc biệt trong bối cảnh cao điểm du lịch khi việc tìm kiếm các lựa chọn thay thế trở nên khó khăn hơn.

Ngoài ra, hình thức gửi email hoặc tin nhắn khuyến mãi giá vé máy bay, phòng khách sạn giả cũng là công cụ phổ biến của các đối tượng lừa đảo. Những email này thường đề cập đến các chương trình ưu đãi như “giảm giá 70% vé Tết” hoặc “mua một tặng một” kèm đường link dẫn đến trang web giả. Người tiêu dùng thiếu kinh nghiệm có thể dễ dàng bị dẫn dụ, cung cấp thông tin cá nhân hoặc chuyển tiền trước.

Không chỉ lừa đảo vé máy bay, các đối tượng còn giả mạo công ty lữ hành hoặc khách sạn để chiếm đoạt tiền cọc của khách hàng. Anh N.T.T. (ngụ huyện Trảng Bom) từng là nạn nhân của thủ đoạn này.

Do gấp rút lên kế hoạch cho chuyến du lịch Bàu Trắng (tỉnh Bình Thuận), vào giữa tháng 5-2024, anh T. đã đặt phòng khách sạn trực tuyến. Người quản lý khách sạn thông báo hết phòng thường nhưng “gợi ý” anh chuyển sang phòng cao cấp với giá không đổi, nếu đặt cọc trước. Tin tưởng, anh đã chuyển khoản 500 ngàn đồng tiền cọc và nhận được mã đặt phòng qua tin nhắn.

Tuy nhiên, khi đến nơi, anh phát hiện địa chỉ khách sạn không tồn tại. Liên hệ lại với số điện thoại quản lý, anh không nhận được hồi âm. Kế hoạch nghỉ dưỡng của gia đình anh T. bị đảo lộn và số tiền cọc cũng không thể lấy lại. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp bị lừa đảo tương tự khi khách hàng đặt phòng qua các trang mạng xã hội hoặc nguồn không chính thống.

Trước tình hình lừa đảo qua mạng với nhiều chiêu thức phức tạp, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh lưu ý người dân 10 thủ đoạn lừa đảo qua mạng như: nhận quà từ bạn nước ngoài; tự xưng người của cơ quan chức năng gọi điện thông báo điều tra; hack Facebook tin nhắn mượn tiền; thông báo trúng thưởng tiền, tài sản có giá trị; gửi link giả để đánh cắp thông tin; chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; kêu gọi đầu tư tài chính tiền ảo; giả mạo thông tin học sinh bị tai nạn cấp cứu; mời nâng cấp sim điện thoại để chiếm đoạt; gọi điện giả dạng hình ảnh, giọng nói của người thân.

Cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo

Trước tình trạng lừa đảo trực tuyến ngày càng gia tăng, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và truyền thông) đã đưa ra nhiều khuyến cáo nhằm giúp người dân tự bảo vệ mình khi giao dịch trực tuyến. Đầu tiên, người dân nên ưu tiên mua vé và đặt phòng qua các kênh chính thức, bao gồm website hoặc ứng dụng của các hãng hàng không và khách sạn lớn. Nếu giao dịch qua đại lý, cần kiểm tra kỹ giấy phép hoạt động hoặc liên hệ trực tiếp hãng để xác nhận.

Khi truy cập các website đặt vé hoặc đặt phòng, người tiêu dùng cần chú ý đến tên miền và giao thức bảo mật (https://). Những trang web có lỗi chính tả, nội dung thiếu chuyên nghiệp hoặc yêu cầu thanh toán qua tài khoản cá nhân thường là dấu hiệu đáng ngờ. Người dùng cũng nên tránh nhấp vào các đường link trong email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc, đặc biệt là những quảng cáo hấp dẫn.

Theo Cục An toàn thông tin, việc bảo mật thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng rất quan trọng. Người dân tuyệt đối không cung cấp mật khẩu, mã OTP hoặc thông tin thẻ tín dụng qua email, tin nhắn hay cuộc gọi điện thoại. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, hãy liên hệ trực tiếp với ngân hàng hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ để xác minh.

Thông tin đặt vé máy bay đi từ Thành phố Hồ Chí Minh đến thủ đô Hà Nội ngày 4-12-2024 trên trang web giả mạo “vietnamairslines.com”. Ảnh chụp màn hình

Ngoài các biện pháp phòng ngừa, người dân cũng cần nâng cao nhận thức thông qua việc tham gia các buổi tuyên truyền hoặc tìm hiểu thông tin từ các cơ quan chức năng. Khi phát hiện các hành vi lừa đảo, cần báo cáo ngay với cơ quan công an hoặc các đơn vị liên quan để được hỗ trợ kịp thời. Trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc báo cáo qua hệ thống Trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (canhbao.khonggianmang.vn) để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

Để bảo vệ người dân trước những thủ đoạn lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2025, Công an tỉnh đã đưa ra nhiều khuyến cáo quan trọng nhằm giúp người dân nhận diện và phòng tránh các mối nguy. Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin nhạy cảm qua email hoặc tin nhắn. Các tổ chức uy tín, bao gồm ngân hàng hay các hãng hàng không, không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp mật khẩu, mã OTP hoặc thông tin cá nhân qua các kênh không chính thức. Việc chia sẻ những thông tin này có thể dẫn đến mất tài sản hoặc thông tin bị chiếm đoạt.

Lê Duy

Tin xem nhiều