Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần kịp thời sửa chữa hạ tầng xuống cấp trên các quốc lộ

Minh Thành
09:00, 12/11/2024

Chỉ còn chưa tới 2 tháng nữa là năm 2024 sẽ kết thúc, để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) dịp cuối năm 2024, đầu năm 2025, hiện 3 tuyến quốc lộ qua địa bàn Đồng Nai (quốc lộ 1, quốc lộ 51 và quốc lộ 20) được tiến hành sửa chữa, thi công xử lý “điểm đen” tai nạn giao thông (TNGT).

Quốc lộ 20 đoạn qua huyện Định Quán đang được sửa chữa mặt đường. Ảnh: M.Thành
Quốc lộ 20 đoạn qua huyện Định Quán đang được sửa chữa mặt đường. Ảnh: M.Thành

Địa phận Đồng Nai hiện có 4 tuyến quốc lộ đi qua với tổng chiều dài hơn 233km. Các tuyến quốc lộ này có nhiều vị trí giao cắt với các tuyến đường nhánh, hình thành nên các điểm ùn ứ cục bộ vào các khung giờ cao điểm. Không chỉ vậy, trên các tuyến đường này đang tồn tại nhiều vị trí mặt đường hư hỏng, bất cập về hạ tầng giao thông.

Gấp rút đôn đốc sửa chữa

Ông Trần Văn Nguyên (ngụ thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom) cho biết: “Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Trảng Bom tồn tại nhiều đoạn hằn lún vệt bánh xe trên làn xe ô tô khiến các phương tiện di chuyển không được êm thuận, nguy hiểm nhất là khi xe máy băng sang đường dễ bị té ngã vì các vệt hằn lún này”.

Bên cạnh đó, theo UBND tỉnh, từ đầu tháng 9-2024 đến nay, mưa lớn diễn ra thường xuyên do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và cơn bão số 4 đã làm cho tình trạng mặt đường ở một số tuyến quốc lộ (trong đó có quốc lộ 51) cũng như hệ thống vạch sơn xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường thường xuyên phát sinh “ổ gà”, hằn lún vệt bánh xe, đặc biệt vào ban đêm kèm theo trời mưa, người điều khiển phương tiện giao thông rất khó nhận thấy được các vị trí mặt đường hư hỏng, điều này dẫn đến tình trạng mất ATGT.

Để góp phần đảm bảo ATGT trên các quốc lộ, ngày 30-10, Sở Giao thông vận tải chủ trì làm việc với Văn phòng Quản lý đường bộ IV.2 (Khu Quản lý đường bộ IV, Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải), Ban ATGT tỉnh, UBND các huyện, thành phố cùng các đơn vị liên quan để đôn đốc sửa chữa các tuyến đường tỉnh, quốc lộ qua địa phận Đồng Nai. Nhất là việc sửa chữa các vị trí hư hỏng mặt đường trên 4 quốc lộ qua Đồng Nai từ nay đến hết năm 2024 phải được thực hiện nhanh chóng, đảm bảo chất lượng.

Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Bôn đề nghị, trong quá trình thi công sửa chữa mặt đường, các đơn vị thi công cần phối hợp với lực lượng chức năng để đảm bảo ATGT. Đồng thời, chính quyền các địa phương cần vận động người dân chung tay xử lý các bất cập về hạ tầng giao thông bằng các việc làm thiết thực như: tuân thủ quy định khi tham gia giao thông, không xả rác xuống hệ thống cống thoát nước ven đường, không lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ…

Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác quản lý, vận hành, khai thác, bảo trì quốc lộ ở địa phương. Cùng với đó cần xây dựng tiêu chí xác định những tuyến quốc lộ phân cấp cho địa phương hay thuộc phạm vi quản lý của Bộ Giao thông vận tải.

Cần sớm phân cấp về địa phương quản lý

Việc sửa chữa, phân luồng, tổ chức giao thông tại một số vị trí trên các quốc lộ lại diễn ra nghịch lý là hễ điều chỉnh được vấn đề này sẽ lại phát sinh vấn đề khác.

Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị huyện Long Thành, khi các dải phân cách biên được bố trí trên quốc lộ 51 tại khu vực ngã ba Nhơn Trạch (giao giữa quốc lộ 51 và đường 25B) đã hạn chế được tình trạng xe ô tô và xe máy chạy chung làn với nhau (giảm nguy cơ va chạm), nhưng lại phát sinh ùn tắc giao thông. Tình trạng này kéo dài vào nhiều khung giờ trong ngày chứ không chỉ mỗi giờ cao điểm như trước đây.

Đáng chú ý, qua ghi nhận của Ban ATGT tỉnh, dù có chiều dài nhỏ hơn so với hệ thống đường tỉnh (494km) và đường huyện (hơn 1,3 ngàn km) nhưng số vụ TNGT trên các tuyến quốc lộ qua Đồng Nai lại chiếm hơn 34% tổng số vụ TNGT đường bộ trong 9 tháng của năm 2024 (175/510 vụ). Điều này cho thấy, nguy cơ TNGT trên các tuyến quốc lộ luôn ở mức cao, đòi hỏi các bất cập về hạ tầng giao thông cần phải được điều chỉnh nhanh chóng, kịp thời.

Tuy nhiên, đại diện Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông và ATGT (Sở Giao thông vận tải) phân tích, việc tổ chức giao thông ở các quốc lộ qua địa bàn tỉnh hiện nay phải bàn bạc, thông qua các cơ quan Trung ương (như việc xử lý “điểm đen” TNGT, lắp đặt dải phân cách...) nên thường bị kéo dài, không kịp đáp ứng nhu cầu thực tế trên đường.

Minh chứng thực tế là UBND tỉnh kiến nghị Bộ Giao thông vận tải lắp dải phân cách biên ở ngã ba đường chuyên dùng vào cụm mỏ đá Tân Cang và ngã ba sân golf Long Thành (đều nằm trên quốc lộ 51 đoạn qua thành phố Biên Hòa) từ tháng 9-2022, nhưng đến đầu tháng 1-2024 mới được cơ quan quản lý tuyến đường thực hiện.

Hiện có hơn 13,9 ngàn km quốc lộ trên toàn quốc đang được ủy quyền cho sở giao thông vận tải các địa phương quản lý và bảo trì (chiếm 54,2% chiều dài các quốc lộ cả nước). Để chuẩn bị các bước phân cấp quản lý quốc lộ về cho địa phương, Cục Đường bộ Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc và các tỉnh, thành đánh giá đoạn tuyến quốc lộ nào sẽ giao cho các địa phương trong thời gian tới. Cục Đường bộ Việt Nam nhận định, việc phân cấp là cần thiết, vì tận dụng được bộ máy và tổ chức của cơ quan chuyên môn ở địa phương tham gia công tác quản lý, bảo trì quốc lộ; huy động được nguồn lực của địa phương để bảo đảm giao thông khi xảy ra sự cố, thiên tai, bão lụt; đáp ứng các yêu cầu về công tác bảo đảm trật tự ATGT của địa phương.

Tại cuộc họp rà soát dự thảo các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Đường bộ năm 2024 và Luật Trật tự, ATGT đường bộ năm 2024 được tổ chức vào ngày 29-10, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải tiếp tục rà soát, thực hiện phân cấp triệt để cho các địa phương quản lý, đầu tư, khai thác sử dụng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ theo đúng quy định của Luật Đường bộ năm 2024. Việc phân cấp theo hướng quy định rõ các điều kiện, tiêu chí đối với từng loại công trình kết cấu hạ tầng do Trung ương quản lý và phân cấp cho địa phương quản lý.

Minh Thành

Tin xem nhiều