Lao động tự do như: thợ xây dân dụng, người làm nông nghiệp thuê, buôn bán nhỏ… cũng có thể gặp tai nạn rủi ro trong quá trình lao động. Do họ thuộc đối tượng pháp luật không bắt buộc phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ) nên khi bị TNLĐ sẽ không có các chính sách hỗ trợ.
Những người làm thuê mướn trong nông nghiệp có nguy cơ gặp nhiều rủi ro trong quá trình lao động. Trong ảnh: Nhóm người làm thuê cho các chủ đất ở xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú). Ảnh: Đ.Phú |
Lao động tự do dễ gặp rủi ro
Điểm c, khoản 3, Điều 6 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 quy định, người lao động (NLĐ) làm việc không theo hợp đồng lao động (HĐLĐ) có quyền tham gia và hưởng bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định. Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, mặc dù luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016 nhưng văn bản hướng dẫn về bảo hiểm TNLĐ tự nguyện đối với NLĐ làm việc không theo HĐLĐ vẫn còn bỏ ngỏ.
Chính vì không có bảo hiểm TNLĐ bắt buộc, lẫn bảo hiểm TNLĐ tự nguyện nên trong quá trình lao động, nếu bị TNLĐ, NLĐ làm việc không theo HĐLĐ sẽ không được bảo hiểm TNLĐ hỗ trợ các chi phí như: giám định, điều trị, trợ cấp TNLĐ…
Bà Huỳnh Thị Bé (ngụ xã Thanh Bình, huyện Trảng Bom) cho biết, những người làm thuê trong nông nghiệp như bà, cũng giống các lao động tự do khác như: thợ hồ, thợ sắt, thợ mộc, người làm thuê… gặp nhiều rủi ro trong quá trình lao động như: bị té ngã, cây đâm vào mắt, thương tích do công cụ lao động tác động vào cơ thể… Khi bị tai nạn trong quá trình làm thuê, bà chỉ được chủ đất, người thuê hỗ trợ một ít tiền để điều trị rồi thôi.
Ông Trần Văn Bính (ngụ phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa) bày tỏ, với hơn 20 năm làm phụ hồ, thợ xây cho các công trình dân sinh trong và ngoài thành phố Biên Hòa, ông không có HĐLĐ, không thuộc đối tượng bắt buộc phải mua bảo hiểm TNLĐ theo quy định. Do đó, nếu chẳng may bị TNLĐ trong quá trình làm việc như té ngã bị thương, ông sẽ không được cơ quan bảo hiểm hay người thuê hỗ trợ, vì không có quy định nào bắt buộc họ phải có trách nhiệm với người làm thuê. Điều này không chỉ gây ra gánh nặng cho bản thân, gia đình người bị tai nạn mà cho cả xã hội. Chính vì vậy, ông muốn được hỗ trợ trong việc tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện.
Khoản 1, Điều 7 Nghị định 143/2024/NĐ-CP quy định, NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 5-100% do TNLĐ thì được hưởng trợ cấp một lần. Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng 3 lần mức lương tối thiểu tháng tính theo vùng IV do Chính phủ quy định, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,3 lần tháng lương tối thiểu vùng IV…
Hình thức đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Luật gia Phạm Đình Đức (Hội Luật gia thành phố Biên Hòa) cho biết, từ ngày 1-1-2025, khi Nghị định 143/2024/NĐ-CP ngày 1-11-2024 quy định về bảo hiểm TNLĐ theo hình thức tự nguyện đối với NLĐ làm việc không theo HĐLĐ (gọi tắt Nghị định 143) chính thức có hiệu lực sẽ khắc phục được vấn đề này.
Theo Nghị định 143, NLĐ làm việc không theo HĐLĐ, lao động tự do khi tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện sẽ được hưởng các quyền lợi như: được bảo hiểm TNLĐ tự nguyện chi trả giám định mức suy giảm khả năng lao động; trợ cấp TNLĐ khi đủ các điều kiện như: bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do TNLĐ xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện (không thuộc các trường hợp: mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động; NLĐ cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; sử dụng chất ma túy, chất gây nghiện trái quy định của pháp luật).
“Khi đó, NLĐ tự do sẽ cảm nhận được việc họ tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện là hữu ích, sẽ được bảo hiểm TNLĐ tự nguyện hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ chi phí liên quan đến thiệt hại do tai nạn. Qua đó, giúp họ giảm áp lực về tài chính và an tâm hơn trong cuộc sống khi gặp rủi ro” - luật gia Phạm Đình Đức cho biết thêm.
Mặc dù Nghị định 143 có nhiều quy định mới đáp ứng mong muốn được tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện của phần lớn NLĐ không có HĐLĐ, lao động tự do nhưng Nghị định 143 còn mới, chưa được tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nên NLĐ muốn biết cách thức đóng, hưởng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện theo nghị định này ra sao? Khi bị TNLĐ chết người, thân nhân của NLĐ tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện có được hưởng trợ cấp hay không?
Luật sư Nguyễn Trung Tín (Đoàn Luật sư tỉnh) giải đáp, NLĐ không theo HĐLĐ, lao động tự do đều được tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện theo Nghị định 143. Mức đóng bảo hiểm TNLĐ tự nguyện như sau: 6 tháng/lần bằng 6% tháng lương tối thiểu vùng IV; 12 tháng/lần bằng 12% tháng lương tối thiểu vùng IV (khoản 3, Điều 11).
Đồng thời, NLĐ làm việc không theo HĐLĐ tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng bảo hiểm TNLĐ, cụ thể như sau: bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện thuộc hộ nghèo theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn; bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện thuộc hộ cận nghèo theo mức chuẩn hộ cận nghèo khu vực nông thôn; bằng 10% đối với người lao động khác (khoản 1, Điều 12).
Với trường hợp NLĐ tham gia bảo hiểm TNLĐ tự nguyện bị TNLĐ chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp một lần bằng 31,5 lần tháng lương tối thiểu vùng IV, nếu thuộc một trong các trường hợp: NLĐ đang làm việc bị chết do TNLĐ; NLĐ bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do TNLĐ; NLĐ bị chết trong thời gian điều trị thương tật do TNLĐ mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động (khoản 2, Điều 7)…
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin