Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) về trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong lĩnh vực giao thông đường bộ; trừ điểm, phục hồi điểm giấy phép lái xe (gọi tắt là Dự thảo Nghị định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ) có nhiều quy định mới được dư luận quan tâm.
Đội Cảnh sát giao thông - trật tự Công an thành phố Biên Hòa kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển xe máy trên đường Đồng Khởi (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng |
Theo dự thảo nghị định, một số vi phạm trên lĩnh vực giao thông, ngoài bị phạt tiền, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp trừ điểm giấy phép lái xe (GPLX).
Quy định về trừ điểm, phục hồi điểm bị trừ
Tại khoản 1, Điều 50, Dự thảo Nghị định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định về nguyên tắc trừ điểm GPLX đối với người vi phạm như sau: Cá nhân thực hiện nhiều hành vi VPHC trong cùng một lần hoặc VPHC nhiều lần mà bị xử phạt trong cùng một lần, nếu có từ 2 hành vi vi phạm bị trừ điểm GPLX trở lên thì số điểm bị trừ là số điểm của hành vi vi phạm có quy định bị trừ điểm nhiều nhất. Trường hợp số điểm còn lại của GPLX ít hơn số điểm bị trừ thì áp dụng trừ điểm là số điểm còn lại của GPLX đó.
Điểm c, khoản 1, Điều 50 dự thảo nghị định quy định, trường hợp trừ điểm đối với GPLX tích hợp của GPLX có thời hạn và GPLX không thời hạn, người có thẩm quyền trừ điểm phải ghi rõ các hạng GPLX có thời hạn hoặc không có thời hạn (xe ô tô, xe tương tự ô tô, xe chở hàng 4 bánh có gắn động cơ, xe chở người 4 bánh có gắn động cơ hoặc xe mô tô, xe tương tự xe mô tô).
Tại khoản 3, Điều 50, Dự thảo Nghị định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định về trình tự, thủ tục trừ điểm GPLX đối với người vi phạm như sau: Ngay sau khi quyết định xử phạt VPHC có hiệu lực thi hành, dữ liệu trừ điểm GPLX của người bị xử phạt sẽ được cập nhật tự động vào cơ sở dữ liệu về xử lý VPHC về trật tự, ATGT đường bộ, thì người có thẩm quyền trừ điểm GPLX thông báo cho người bị trừ điểm GPLX biết việc trừ điểm.
Theo đó, việc thông báo trừ điểm GPLX thực hiện bằng phương thức điện tử trên trang thông tin điện tử của Cục Cảnh sát giao thông, cổng dịch vụ công hoặc bằng văn bản giấy (theo mẫu ban hành kèm theo nghị định này) được giao trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm.
Luật gia Đặng Quang Hoạch (Chủ tịch Hội Luật gia huyện Trảng Bom) cho biết, căn cứ vào Điều 51 Dự thảo Nghị định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì tùy từng hành vi vi phạm mà người vi phạm bị trừ điểm GPLX từ 2-12 điểm. Khi bị trừ hết điểm, người bị trừ điểm được đăng ký kiểm tra kiến thức về trật tự, ATGT đường bộ sau 6-24 tháng, hoặc được phục hồi lại điểm bị trừ.
Luật gia Đặng Quang Hoạch góp ý, dự thảo nghị định nên điều chỉnh theo hướng hạ mức trừ điểm một số hành vi ít nghiêm trọng, hoặc lấy mốc trừ từ 1 điểm thay vì trừ 2 điểm đối với một số hành vi vi phạm tại khoản 2, Điều 14. Cụ thể như: điều khiển xe gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp làm thay đổi chữ, số, màu sắc, hình dạng, kích thước của biển số xe (kể cả rơ-moóc và sơ-mi rơ-moóc)...
Điểm đ, khoản 12, Điều 7 Dự thảo Nghị định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ bị phạt tiền từ 6-8 triệu đồng và bị trừ GPLX 12 điểm.
Vi phạm nồng độ cồn vừa bị phạt tiền, vừa bị trừ điểm
Khoản 2, Điều 9 Luật Trật tự ATGT năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2025) nghiêm cấm hành vi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Để thực thi vấn đề này, Dự thảo Nghị định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ đưa ra nhiều biện pháp, cách thức chế tài hành vi này bằng hình thức phạt tiền; trừ điểm GPLX; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; tạm giữ phương tiện, giấy tờ...
Theo đó, đối với xe ô tô, tại Điều 6 Dự thảo Nghị định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định xử phạt, trừ điểm GPLX của người điều khiển xe ô tô vi phạm quy định giao thông đường bộ như sau: Phạt từ 6-8 triệu đồng và bị trừ 3 điểm đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Phạt từ 16-18 triệu đồng và bị trừ 10 điểm đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Phạt từ 30-40 triệu đồng và bị trừ 12 điểm đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở…
Đối với xe mô tô, tại Điều 7 Dự thảo Nghị định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ quy định xử phạt, trừ điểm GPLX của người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm quy định giao thông đường bộ như sau: Phạt từ 2-3 triệu đồng và bị trừ 3 điểm đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Phạt từ 4-5 triệu đồng và bị trừ 10 điểm đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Phạt từ 6-8 triệu đồng và bị trừ 12 điểm đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.
Ông Lê Văn Thanh (ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) góp ý, Dự thảo Nghị định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ nên điều chỉnh lại mức trừ điểm GPLX với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm quy định giao thông đường bộ cho phù hợp với mức phạt tiền.
Ông Lê Văn Thành phân tích, theo dự thảo nghị định, mức vi phạm nồng độ cồn cao thấp khác nhau sẽ tương xứng với mức tiền bị phạt khác nhau. Tuy nhiên, mức phạt tiền chênh lệch nhau có 1 triệu đồng nhưng số điểm bị trừ chênh lệch từ 2-7 điểm là chưa khoa học. Chẳng hạn, hành vi vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy theo điểm c, khoản 6, Điều 7 của dự thảo nghị định bị phạt 2-3 triệu đồng và trừ 2 điểm, nhưng vi phạm nồng độ cồn đối với điểm c, khoản 7, Điều 7 bị phạt 4-5 triệu đồng và trừ tới 10 điểm.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin