Báo Đồng Nai điện tử
En

Những kiểu đào tạo đội, nhóm gây phản cảm

Lê Duy
08:49, 08/10/2024

Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công thương) vừa phát đi cảnh báo về hoạt động đào tạo đội, nhóm bằng các hình thức phản cảm xuất hiện trên mạng xã hội (MXH) như: “đánh roi”, “bắn dây thun”, “hò hét kích động”...  Đây là những hình thức không phù hợp, gây phản cảm, gây ra nhiều tranh cãi.

Đoạn video ghi lại cảnh người phụ nữ liên tục kéo căng sợi dây thun búng vào cổ tay người đối diện được đăng trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Hành động gây tranh cãi

Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, các hình thức đào tạo này thường được sử dụng trong các mô hình kinh doanh đa cấp biến tướng nhằm thao túng tâm lý, lôi kéo, dụ dỗ người tham gia, có thể dẫn đến nhiều hệ lụy về tinh thần, thể chất và thiệt hại kinh tế.

Những ngày qua, MXH: Facebook và TikTok tràn ngập đoạn video ghi lại cảnh một buổi đào tạo với dòng trạng thái gây chú ý: “Cả hội trường khóc nấc khi những thành viên thiếu nỗ lực, thiếu KPI bị siêu chủ tịch búng dây chun”. Trong video clip, hình ảnh được tài khoản Facebook Biết Tuốt Showbiz đăng tải những người phụ nữ ăn mặc sang trọng đứng trên sân khấu cùng một người được cho là điều hành một nhãn hàng mỹ phẩm, đã thực hiện hành động kéo căng dây thun và bật mạnh vào cổ tay của các thành viên đối diện khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”. Đoạn video cũng cho thấy cổ tay của những người bị búng dây thun đỏ ửng, giống như có dấu hiệu bị tụ máu.

Phía dưới những bài đăng, chia sẻ trên MXH nêu trên có không ít bình luận tranh cãi. Nhiều người tỏ ra khá ngạc nhiên, không hiểu ý nghĩa của hành động bắn thun “đào tạo” nhân viên của nhóm người này nhằm mục đích gì. Nhiều người cho rằng hành động này là phản cảm và cần cân nhắc, không được bắt chước làm theo.

Ngoài ra, trên MXH TikTok có nhiều tài khoản Tiktok, như tài khoản TikTok Cậu út tatto hay tài khoản TikTok Bố Hải An đăng tải hình ảnh các nhóm người đứng trong phòng họp thể hiện quyết tâm bằng cách hô vang những khẩu hiệu như: “Tôi sẽ làm được” hay “Tôi sẽ quyết tâm kiếm được 2 tỷ mỗi tháng”. Họ liên tục hét lớn và lặp lại các câu khẩu hiệu này, kết hợp với động tác nắm chặt tay thành nắm đấm, giơ cao và hạ xuống đều đặn.

Đa phần các ý kiến trên MXH không mấy đồng tình với cách thể hiện quyết tâm của các nhóm người trong video, cho rằng hành động này không mang lại giá trị thực tế và có phần thái quá.

Tương tự, trên MXH TikTok, video clip lan truyền với từ khóa “Bậc thầy sân khấu” được tài khoản Tiktok Toandaholic ghi lại cảnh một nhóm phụ nữ mặc đồ trắng, trang phục lịch sự, cầm cây đánh vào một người phụ nữ mặc đồ xanh. Trong video clip, một người phụ nữ cầm mic, được cho là “thủ lĩnh”, yêu cầu nhóm người mặc đồ trắng thực hiện hành động này như một hình phạt vì lỗi không đạt doanh thu, KPI. Những người mặc đồ trắng lần lượt tiến đến đánh vào lưng người phụ nữ mặc đồ xanh. Mỗi khi có người đánh nhẹ, “thủ lĩnh” yêu cầu đánh lại. Dù đau đớn, người phụ nữ mặc đồ xanh vẫn cam chịu bị đánh.

Để ngăn ngừa thiệt hại không đáng có, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia cảnh báo người dân không tham gia vào các hoạt động đào tạo, huấn luyện có biểu hiện không tích cực trên MXH như đã nêu để hạn chế tối đa các rủi ro, thiệt hại về vật chất, tinh thần và pháp lý.

Không cổ xúy cho hoạt động đào tạo gây phản cảm

Về tác động tâm lý của người bị búng dây thun trong khóa đào tạo, thạc sĩ tâm lý học Cao Thị Huyền (Trường đại học Đồng Nai) cho biết, hành động này có thể gây ra những tác động tiêu cực đến tâm lý. Khi dùng biện pháp búng dây thun để phê phán hoặc trách phạt, không chỉ gây tổn hại về mặt thể chất, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần của người bị tác động.

“Người bị búng dây thun trong các video clip nói trên sẽ phải đối mặt với nhiều biến đổi về mặt cảm xúc, họ trở nên lo lắng, sợ hãi, buồn bã, chán nản, tuyệt vọng, bất an, mất niềm tin..., thậm chí một số trường hợp trở nên tách biệt, sống khép kín và có nguy cơ mắc các rối loạn nghiêm trọng như trầm cảm, rối loạn lo âu... và điều này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống bình thường của họ” - thạc sĩ Huyền chia sẻ.

Hình ảnh cổ tay của người phụ nữ sau khi bị búng dây thun đỏ ửng trong đoạn video được lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: Chụp màn hình

Theo luật sư Phan Thị Hồng Vân (Đoàn Luật sư Đồng Nai), việc ứng xử trên MXH cần tuân thủ Quyết định số 874/QĐ-BTTTT ngày 17-6-2021 của Bộ Thông tin và truyền thông về việc ban hành bộ quy tắc ứng xử trên MXH. Một trong các quy tắc ứng xử trên MXH quy định: có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không sử dụng từ ngữ gây thù hận, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo. Không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; tung tin giả, tin sai sự thật; quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép... gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội.

Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (được sửa đổi tại Khoản 37, Điều 1 Nghị định 14/2022/NĐ-CP) ngày 3-2-2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có quy định phạt từ 10-20 triệu đồng đối với các hành vi: cung cấp, chia sẻ thông tin cổ xúy hủ tục, mê tín, dị đoan, nội dung dâm ô, đồi trụy, hay thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục; chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức hoặc danh dự cá nhân.

Lê Duy

Tin xem nhiều