Báo Đồng Nai điện tử
En

Góp ý Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

Trần Quang Toại
08:00, 04/10/2024

Sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hóa năm 2001 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), các cơ quan lập pháp cho sửa đổi bổ sung luật này là cần thiết, nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Điều này phù hợp với tình tình thực tiễn phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa; sử dụng nguồn lực văn hóa (bao gồm văn hóa vật thể và phi vật thể) và hiệu quả của nó.

Luật Di sản văn hóa năm 2001 chỉ quy định 2 loại hình: di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể; Dự thảo Luật Di sản văn hóa lần này quy định: di sản văn hóa vật thể, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Qua nghiên cứu dự thảo luật, tôi đóng góp một số ý kiến sau: Thứ nhất, những chính sách lớn được quy định trong dự thảo không đi ngược với các nguyên tắc, quy định, hướng dẫn của UNESCO về đối tượng, loại hình, tên gọi các loại hình di sản văn hóa; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cộng đồng, cá nhân đối với di sản văn hóa... Tránh tình trạng Tổ chức UNESCO khuyến cáo có thể thu hồi danh hiệu di sản với lý do di sản không được bảo tồn tốt, hoặc quản lý không tốt để di sản bị xâm phạm, hoặc sử dụng di sản không đúng mục đích và tôn chỉ.

Thứ hai, rà soát kỹ để tránh tình trạng chồng chéo giữa Luật Di sản văn hóa với các luật khác đã ban hành như: Luật Lưu trữ, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, tránh được mâu thuẫn giữa công tác bảo tồn di sản với phát triển kinh tế (điều tra khai quật khảo cổ đi trước việc triển khai các dự án, mâu thuẫn với các chủ dự án muốn triển khai nhanh dự án vì ảnh hưởng lợi ích của họ).

Theo tôi, cần xác định chủ sở hữu di sản (cá nhân, gia đình, gia tộc, tổ chức xã hội, Nhà nước…) và xác định rõ các hình thức sở hữu di sản văn hóa (làm rõ những tiêu chí để xác định); những nguyên tắc chung trong việc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản và nếu có tranh chấp thì xử lý thế nào. Nếu di sản là sở hữu của cá nhân, gia đình thì khi được xếp hạng quyền quản lý, sử dụng của họ tới đâu, chia sẻ trách nhiệm bảo vệ, quản lý và nguồn lợi (nếu có) như thế nào để tránh tình trạng hiện nay, chủ sở hữu di sản không muốn được Nhà nước xếp hạng di tích (như trường hợp nhà cổ ở huyện Nhơn Trạch).

Thứ ba, cần ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác quản lý và bảo vệ di sản, phát huy giá trị di sản cần cụ thể. Đồng thời, nếu thực hiện xã hội hóa việc đầu tư bảo vệ giá trị di sản văn hóa thì cần xác định rõ phạm vi, trách nhiệm và quyền lợi của cá nhân, tập thể và Nhà nước

Thứ tư, Nhà nước cần có chính sách, quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm đơn vị quản lý, sử dụng và những tiêu chí nguyên tắc khi sử dụng quỹ bảo tồn di sản văn hóa (bao gồm nguồn từ Nhà nước và nguồn xã hội hóa ngoài Nhà nước) đúng mục đích và hiệu quả, tránh tiêu cực.             

Trần Quang Toại

(Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai)

Tin xem nhiều