Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự thảo Luật Nhà giáo: Nhiều quy định mới được dư luận quan tâm

Đoàn Phú
09:00, 05/10/2024

Dự thảo Luật Nhà giáo có 9 chương, 71 điều, với nhiều quy định được dư luận quan tâm về: giấy phép hành nghề dạy học; nghiêm cấm công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật; nhà giáo không còn chia hạng I, II, III mà chia theo chức danh nghề nghiệp...

Giáo viên Trường tiểu học Trần Quốc Toản (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) trong giờ lên lớp. Ảnh: Đ.Phú
Giáo viên Trường tiểu học Trần Quốc Toản (xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) trong giờ lên lớp. Ảnh: Đ.Phú

Phát triển trên nền tảng nhiều luật liên quan

Một số chuyên gia pháp lý đánh giá, Dự thảo Luật Nhà giáo được cơ quan soạn thảo, nhà làm luật xây dựng trên cơ sở tiếp thu, kế thừa và phát triển nhiều quy định của Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 và nhiều luật có liên quan khác cho phù hợp với phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh.

Điều 1 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định rất rõ phạm vi điều chỉnh của dự thảo gồm: về nhà giáo; hoạt động nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo; chức danh, chuẩn nhà giáo, giấy phép hành nghề dạy học; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo; đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế về nhà giáo; quản lý nhà giáo; tôn vinh, khen thưởng và xử lý vi phạm đối với nhà giáo.

Đồng thời, Điều 3 Dự thảo Luật Nhà giáo xác định đối tượng điều chỉnh của dự thảo gồm: nhà giáo trong các cơ sở giáo dục theo quy định tại Luật Giáo dục năm 2019; cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục; tổ chức, cá nhân có liên quan.

Qua nghiên cứu dự thảo, với góc nhìn của mình, ông Phạm Văn Tuấn (giáo viên nghỉ hưu, ngụ xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) bày tỏ quan điểm, có nhiều vấn đề rất mới mẻ được Dự thảo Luật Nhà giáo đưa vào điều chỉnh mà các luật như: Luật Giáo dục năm 2019, Luật Giáo dục đại học năm 2012 (sửa đổi bổ sung năm 2018), Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 không có quy định.

Chẳng hạn, tại khoản 1, Điều 3 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định nhà giáo là người có giấy phép hành nghề dạy học, được tuyển dụng làm nhiệm vụ trực tiếp giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục. Hoặc khoản 10, Điều 5 của dự thảo quy định, người hành nghề dạy học tự do là người có giấy phép hành nghề dạy học nhưng không làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục. Hay điểm e, khoản 2, Điều 13 của dự thảo nghiêm cấm công khai thông tin về sai phạm của nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với nhà giáo và trong trường hợp các sai phạm chưa đến mức phải thu hồi giấy phép hành nghề dạy học…

Khoản 2, Điều 68 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định, nếu các hành vi xâm phạm uy tín, danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của nhà giáo diễn ra trong phạm vi cơ sở giáo dục thì được xem là tình tiết tăng nặng trong xử lý vi phạm.

Tôn vinh nhà giáo và chính sách đãi ngộ

Điều 3 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định nhà giáo giảng dạy, giáo dục ở cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt, cơ sở giáo dục khác; giảng dạy, giáo dục trình độ sơ cấp, trung cấp gọi là giáo viên. Nhà giáo giảng dạy, giáo dục từ trình độ cao đẳng trở lên; nhà giáo giảng dạy, giáo dục trong các trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân gọi là giảng viên.

Để khẳng định vị trí, vai trò nhà giáo trong công tác và với xã hội, tại Điều 4 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định nhà giáo có vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực; là nhân tố chủ đạo trong việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhà giáo là nhân lực chất lượng cao, là bộ phận quan trọng trong đội ngũ trí thức của đất nước, là lực lượng nòng cốt của ngành giáo dục, được xã hội kính trọng, tôn vinh, bảo vệ.

Song hành với quy định này, Dự thảo Luật Nhà giáo đã quy định chính sách tiền lương, đãi ngộ đối với nhà giáo tại chương V như: nhà giáo ở cơ sở giáo dục công lập được hưởng lương theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp (Điều 43). Chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm: nhà ở, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe nghề nghiệp và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo (Điều 44). Nhà nước có chính sách thu hút đối với người có tài năng để trở thành nhà giáo (Điều 45)….

Bà Hoàng Thị Ngọc (giáo viên tại một trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Biên Hòa) cho biết, mặc dù Dự thảo Luật Nhà giáo có rất nhiều chính sách đãi ngộ đối với nhà giáo nhưng Dự thảo Luật Nhà giáo chưa xác định rõ nhà giáo là viên chức mà chỉ quy định chức danh nhà giáo là tên gọi thể hiện trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của nhà giáo tương ứng với từng cấp học, trình độ, phương thức đào tạo (khoản 9, Điều 5 Dự thảo Luật Nhà giáo). Điều này sẽ dẫn tới việc hiểu và áp dụng là nhà giáo, giảng viên trong cơ sở giáo dục công lập không còn là viên chức, không còn được chia thành các hạng I, II, III, IV.

Trên cơ sở đó, bà Hoàng Thị Ngọc góp ý, Dự thảo Luật Nhà giáo nên bổ sung thêm khoản 3 và Điều 4 với quy định nhà giáo được tuyển dụng ở cơ sở giáo dục công lập là viên chức để hiểu và vận dụng thống nhất, tránh bị thiệt thòi cho một lực lượng giáo viên, giảng viên tham gia dạy học tại các cơ sở công lập như hiện nay. Nhất là phù hợp với việc xử lý kỷ luật đối với nhà giáo theo điểm a, khoản 1, Điều 66 Dự thảo Luật Nhà giáo quy định, việc xử lý kỷ luật nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập áp dụng theo quy định của pháp luật về viên chức.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều