Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng khi livestream, chụp ảnh ở những nơi nguy hiểm

Lê Duy - Minh Thành
09:00, 15/10/2024

Hiện nay, nhiều người có sở thích livestream hoặc chụp ảnh để đăng tải lên mạng xã hội nhằm thu hút lượt tương tác (view). Tuy nhiên, tại một số địa điểm, khu vực, hành động này không chỉ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, mà còn có thể dẫn đến những hậu quả đau lòng.

Người dân cầm điện thoại, thiết bị ghi hình quay phim, livestream đứng gần những mỏm đá không bằng phẳng, trơn trượt tại hồ Trị An ngày 30-9. Ảnh: Lê Duy

Nguy hiểm khôn lường

Tai nạn đau lòng vừa xảy ra tại tỉnh Hà Giang, một nam thanh niên tử vong trong khi livestream cảnh báo mọi người về nguy cơ sạt lở đất. Theo thông tin từ Công an tỉnh Hà Giang, vào khoảng 12h30 ngày 30-9, lực lượng chức năng đã phát hiện thi thể của anh T.Đ.Đ. (31 tuổi, ngụ thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang). Anh Đ. là một trong số những nạn nhân mất tích do vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại khu vực này vào ngày 29-9.

Cụ thể, vào ngày 29-9, anh Đ. sử dụng điện thoại để livestream cảnh báo người dân không đi qua đoạn Km51 trên quốc lộ 2 (thuộc xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang). Trong khi anh Đ. đang livestream, bất ngờ khối đất đá trên đồi sạt xuống, anh không chạy kịp nên bị vùi lấp.

Nếu như trường hợp của anh Đ. do bất cẩn dẫn đến tai nạn ngoài mong muốn khi đang livestream thì có không ít trường hợp dù biết nguy hiểm nhưng vẫn vô tư ở những nơi thiếu an toàn vừa lái xe vừa livestream, chụp ảnh dưới lòng đường…

Đơn cử như ngày 21-4, một nhóm người xếp dàn xe sang rước dâu dừng, đậu dưới lòng đường tuyến trục Bắc - Nam tại huyện Gia Lộc (tỉnh Hải Dương) để chụp ảnh cưới. Hành vi này đã vi phạm nghiêm trọng quy định an toàn giao thông, gây ùn tắc trên đoạn từ quốc lộ 38 đi vào đường trục Bắc - Nam. Sau đó, Công an huyện Gia Lộc đã khởi tố 4 bị can trong nhóm này về tội gây rối trật tự công cộng.

Thậm chí, thời gian qua, có không ít trường hợp vì muốn có hình ảnh đẹp, độc, lạ để đăng mạng xã hội đã bất chấp nguy hiểm khi chụp ảnh, check-in tại những mỏm đá chông chênh, thác nước trơn trượt, địa hình phức tạp... Thực tế đã có không ít du khách gặp tai nạn, phiền toái xảy ra (đuối nước, té ngã, đi lạc) khi chụp ảnh ở những nơi không an toàn như trên.

Gần nhất, ngày 12-10, 2 nữ du khách (ngụ thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) đã đến bán đảo Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng) để tham quan, check-in, nhưng vì say sưa chụp hình nên khi ra về thì trời tối, không quen địa hình nên đi lạc. Đồn Biên phòng Sơn Trà (Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng) đã tìm kiếm, giải cứu thành công 2 nữ du khách này trong đêm.

Theo cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng, khu vực bán đảo Sơn Trà có địa hình phức tạp và dù chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo nguy hiểm để du khách biết nhưng thời gian qua nhiều người vẫn bất chấp, tổ chức phượt tại đây và từng có nhiều trường hợp gặp nạn.

Tương tự, tại Đồng Nai, vào lúc 14h ngày 30-9, Công ty Thủy điện Trị An (tại huyện Vĩnh Cửu) đã thực hiện việc đóng cửa đập xả tràn hồ chứa. Thời điểm đó, hàng trăm người dân trong và ngoài tỉnh đổ về khu vực hồ để tham gia bắt cá. Sự kiện này thu hút đông đảo người dân, trong đó có không ít YouTuber đến livestream. Họ không ngần ngại đứng sát hoặc di chuyển liên tục cạnh những mỏm đá dưới hồ nhằm có những thước phim đẹp nhất, cận nhất.

Anh T.Q.S. (ngụ khu phố 7, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) cho biết: “Việc đóng cửa đập xả tràn khiến nước hồ rút xuống rất nhanh, để lộ ra nhiều mỏm đá phủ đầy rêu, tạo thành những “bẫy” gây nguy hiểm cho những ai không chú ý. Các mỏm đá này trơn trượt, rất dễ bị té ngã nếu không chú ý”.

Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh khuyến cáo, trong trường hợp phát hiện người đuối nước, hãy la lớn tạo sự chú ý của người xung quanh và dùng cây sào, phao, dây... để nạn nhân bám và kéo vào bờ; không nhảy xuống nước cứu người khi không biết bơi và không có kỹ năng cứu đuối nước. Đặc biệt, người lớn cần trang bị kiến thức để sơ cứu ban đầu cho người bị đuối nước.

Cần chú ý các giải pháp an toàn

Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) chỉ rõ, sạt lở đất thường xảy ra tại các khu vực đã từng xảy ra hiện tượng sụt lún hoặc vị trí có địa hình nền đất yếu. Sạt lở đất đã xảy ra ở hầu hết mọi nơi và có thể gây ra thiệt hại lớn về người và tài sản, nhất là khi nhiều khối đất đá di chuyển xuống khu vực thấp hơn, có thể di chuyển chậm và gây ra thiệt hại từ từ hoặc di chuyển nhanh chóng phá hủy tài sản và lấy đi sinh mạng con người.

Do đó, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an khuyến cáo, sau khi xảy ra sạt lở đất, người dân cần tránh xa khu vực sạt lở vì có thể có nguy cơ xảy ra các sạt lở ngay sau đó. Đồng thời, chỉ dẫn cho lực lượng cứu nạn, cứu hộ đến vị trí của những người bị kẹt, người có thể cần hỗ trợ đặc biệt như: trẻ sơ sinh, người già và người khuyết tật có thể yêu cầu hỗ trợ thêm trong trường hợp khẩn cấp. Người dân nên thực hiện theo các hướng dẫn của cơ quan chức năng, sơ tán đến các khu vực an toàn, đồng thời cùng cơ quan chức năng khắc phục hậu quả do sạt lở đất, đá gây ra nếu có thể.

Ngoài ra, theo Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, tại khu vực lòng hồ Trị An hoặc các lòng sông thường có địa hình phức tạp, nhiều mỏm đá sắc nhọn, không bằng phẳng. Không chỉ vậy, tiềm ẩn dưới mặt nước có thể là những dị vậy bị cuốn theo dòng nước, nếu không chú ý hoặc mải mê chụp ảnh, livestream, tắm, bắt cá…, người dân có thể bị thương do trượt té hay va chạm với dị vật dưới lòng hồ.

Do đó, để đảm bảo an toàn khi đến vui chơi, chụp hình, livestream tại các khu vực sông, suối, hồ có dòng chảy mạnh hoặc ở khu vực núi, rừng, ngoài việc phải có kỹ năng bơi lội, có người chỉ đường thì phải tuân thủ các cảnh báo an toàn của cơ quan chức năng; tuyệt đối không đến gần những nơi đã được cảnh báo nguy hiểm, để tránh tai nạn không đáng có.

Lê Duy - Minh Thành

Tin xem nhiều