Báo Đồng Nai điện tử
En

Rèn kỹ năng thoát nạn để cứu mình, cứu người

Đăng Tùng
09:00, 28/09/2024

Sau những thiệt hại mà cơn bão số 3 gây ra, một trong những vấn đề được bạn đọc quan tâm chính là kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố, thiên tai. Đặc biệt là với địa phương có nhiều sông, suối, hồ nước… như Đồng Nai, các kỹ năng thoát hiểm trong mùa mưa bão càng được nhiều người chú ý hơn.

Lực lượng chức năng hướng dẫn sinh viên Phân hiệu Trường đại học Lâm nghiệp tại Đồng Nai (huyện Trảng Bom) cách sơ cứu nạn nhân bất tỉnh. Ảnh: Đ.Tùng

“Điểm mặt” các nguy cơ

Vào tối 13-9, bà N.T.B.T. (44 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) điều khiển xe bán tải di chuyển trên đường Suối Siệp hướng ra quốc lộ 1K (phường Tân Đông Hiệp, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương), do mưa lớn và tuyến đường ngập sâu nên chiếc xe bị chao đảo mạnh, bà T. mở cửa thoát ra ngoài thì bị nước cuốn trôi tử vong. Trước đó, chiều 24-5, em L.M.Đ. (12 tuổi, ngụ khu phố Cầu Hang, phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) đã tử vong khi cùng một số người bạn khác xuống hầm đá Hóa An gần nhà để tắm.

Đây là 2 trong nhiều vụ việc thương tâm xảy ra khi nhiều người không lường trước được các nguy hiểm có thể xảy ra khi di chuyển trên đường, vui chơi trong đời sống hàng ngày tại các nơi gần sông, suối, hồ nước. Ngoài ra, ở Đồng Nai cũng không ít lần ghi nhận các trường hợp du khách đi lạc tại núi Chứa Chan (huyện Xuân Lộc) khiến lực lượng chức năng mất nhiều thời gian để tìm kiếm. Chính vì vậy, kỹ năng nhận diện nguy hiểm, kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng sinh tồn (khi gặp sự cố cháy nổ, nước cuốn, ngập lụt, đi lạc…) là vấn đề phải được rèn luyện, phổ biến cho cả trẻ em và người lớn.

Anh Nguyễn Văn Hiền (ngụ phường Phước Tân, thành phố Biên Hòa) cho rằng, các tình huống nguy hiểm và biện pháp thoát hiểm trong môi trường tự nhiên cần được tập trung hướng dẫn nhiều hơn. Đặc biệt, tại các địa phương có khu vực gần sông, suối, hồ nước, đồi núi thì nên đưa việc giáo dục kỹ năng này vào chương trình học chính khóa. Cụ thể là: bơi lội, di chuyển qua khu vực ngập nước hoặc sạt lở; cùng với đó là cách nhận biết sớm nguy cơ sạt lở đất, dấu hiệu khu vực ngập, khu vực có thể lánh nạn chờ nước rút… Nhất là ở địa phương như phường Phước Tân, nơi có nhiều suối, hồ nước và sông Buông - nước thường dâng cao mỗi khi có mưa lớn ở thượng nguồn.

Chị Trần Thanh Thảo (phụ huynh một học sinh tiểu học tại phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa) cho rằng, ngay cả ở đô thị, việc hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng sinh tồn cũng rất cần thiết. Vì thực tế có nhiều tình huống ngập sâu sau mưa lớn tại các tuyến đường nội thành, sự cố kỹ thuật khiến thang máy nhà cao tầng không di chuyển… Do đó, việc hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm ở các tình huống trên cũng rất cần thiết và phải được chỉ dẫn ngay từ lứa tuổi học sinh.

Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo Đỗ Huy Khánh cho biết, ngay từ đầu năm học 2024-2025, các cơ sở giáo dục toàn tỉnh đã có kế hoạch giảng dạy, lồng ghép kiến thức, kỹ năng an toàn cho học sinh vào các môn chính khóa, ngoại khóa. Trong đó chú trọng các kỹ năng phù hợp với đặc điểm địa phương như: an toàn khi tham gia giao thông, thoát hiểm khỏi các sự cố cháy, kỹ năng ngăn ngừa đuối nước…

Rèn luyện kỹ năng từ nhỏ

Thời gian qua, tại Đồng Nai, việc hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm nói riêng và kỹ năng sống nói chung được Sở Giáo dục và đào tạo phối hợp với các ngành chức năng triển khai rộng. Trong đó nổi bật là phát động phong trào bơi chống đuối nước trên toàn tỉnh vào kỳ nghỉ hè hàng năm.

Riêng trong năm 2024, lực lượng công an toàn tỉnh đã phối hợp với các trường học triển khai chương trình trải nghiệm hoạt động chữa cháy, thoát hiểm cho học sinh, sinh viên toàn tỉnh. Chương trình này được lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) thực hiện trên toàn tỉnh vào mỗi quý một lần nhằm tăng cường kỹ năng thoát hiểm cho học sinh, sinh viên. Cụ thể là các hoạt động: sơ cứu và di chuyển người bị ngạt, bị thương; thoát hiểm khỏi nhà cao tầng; dùng phương tiện chữa cháy xử lý sự cố cháy ban đầu…

Đại úy Huỳnh Phương Đông, cán bộ Đội Công tác phòng cháy, Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh, cho biết các buổi trải nghiệm, thực hành chữa cháy và thoát hiểm được lực lượng cảnh sát PCCC triển khai từ đầu năm 2024 đến nay nhằm giúp sinh viên có kỹ năng thoát hiểm khi có sự cố. Qua đó, tăng tính chủ động, cách xử lý vấn đề linh hoạt khi rơi vào tình huống nguy hiểm; đồng thời, giúp tự bảo vệ bản thân và giúp cứu sống người bên cạnh trong trường hợp khẩn cấp.

Ngoài ra, vào các dịp lễ, Tết trong năm 2024, Phòng Cảnh sát giao thông và Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh đã ban hành những khuyến cáo về đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông, cách ứng phó khi gặp sự cố cho người dân. Qua đó liên tục hướng dẫn người dân các giải pháp xử lý tình huống có thể gặp phải như: phương tiện hư hỏng trên đường, tình huống tuyến giao thông bị sạt lở hoặc ngập nước…

Anh Nguyễn Tuấn Hữu (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) đề nghị, việc hướng dẫn các kỹ năng thoát hiểm khi có sự cố, ngoài việc gắn với thực tiễn địa lý, khí hậu địa phương thì cũng nên mở các lớp hướng dẫn kỹ năng sinh tồn, nhất là tại các khu vực gần rừng, núi, thượng nguồn các dòng sông… Để khi không may có sự cố bão lũ, khiến người dân bị lạc, bị mất liên lạc thì còn có cách để báo động, để duy trì sự sống trong lúc chờ được giải cứu.

Đăng Tùng

Tin xem nhiều