Báo Đồng Nai điện tử
En

Nam giới bị bạo hành gia đình: 'Niềm đau' chôn giấu

An Nhiên
09:00, 03/08/2024

Bạo hành gia đình (BHGĐ) là vấn đề nhức nhối của xã hội. Phần lớn nạn nhân trong các vụ bạo hành là phụ nữ, nhưng cũng có không ít nam giới bị vợ bạo hành cả về thể chất lẫn tinh thần. Những năm gần đây, tỷ lệ nam giới bị BHGĐ có xu hướng gia tăng, thực tế này khiến không ít nam giới thể xác mệt mỏi, tinh thần sa sút, gia đình tan vỡ…

Không chỉ có phụ nữ bị bạo hành gia đình mà nhiều nam giới cũng trở thành nạn nhân. Tranh minh họa: Lê Duy
Không chỉ có phụ nữ bị bạo hành gia đình mà nhiều nam giới cũng trở thành nạn nhân. Tranh minh họa: Lê Duy

Phái mạnh cũng bị… bắt nạt

Nói về BHGĐ, nhiều người cho rằng, chỉ phụ nữ mới bị nam giới bạo hành, nhưng thực tế nhiều đấng mày râu cũng đang là nạn nhân của vấn nạn này.

Tháng 4-2024, ông N.V.T.S. (50 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) đã quyết định ly hôn vợ sau 18 năm chung sống. Trước đây, vợ chồng ông S. từng rất hạnh phúc khi kinh tế ổn định, 2 con đủ nếp, đủ tẻ. Sau đại dịch Covid-19, công ty giải thể khiến ông mất việc, bản thân gặp sự cố về sức khỏe khiến gia đình rơi vào khó khăn. Thu nhập của ông từ 18 triệu đồng/tháng giờ chỉ còn 7 triệu đồng/tháng. Từ đây, ông thường xuyên “ăn chửi” từ vợ.

Biết vợ nóng tính nên ông S. thường nhịn cho yên nhà. Thế nhưng, mỗi lần thấy mặt chồng, vợ ông lại lải nhải, phàn nàn, đay nghiến ông chuyện tiền bạc, rồi nói ông “xách dép cho… chồng người ta”. Ngay cả khi có mặt bạn bè, người thân, vợ ông cũng oang oang chê chồng là… vô tích sự khi không nuôi được vợ con.

Ông S. cho hay: “Tôi không lúc nào được yên. Có khi đang ngủ cũng bị vợ dựng dậy nói chuyện phải trái. Một lần, đang ăn cơm, bà ấy đã hất đổ mâm cơm vì tức giận thái độ im lặng, lầm lì của tôi. Uất ức lâu ngày, tôi đã cho bà ấy mấy bạt tai, thế là bà ấy nhảy vào cào cấu tôi. Giọt nước đã tràn ly, tôi quyết định ly hôn vì không thể sống mãi trong sự dồn nén, mệt mỏi này”.

Ông T.G. (ngụ phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa) từng là một công chức ngành luật nhưng về nhà lại “thúc thủ” trước người vợ quá nghiêm khắc. Không ít lần đồng nghiệp thấy mặt mũi ông bầm tím và đều biết ai là người gây ra. Trước tình trạng ông G. thường xuyên bị vợ “bắt nạt”, đồng nghiệp trong cơ quan đến khuyên bảo nhưng vợ ông cho rằng cần phải “dạy dỗ” chồng, vì ông G. thường xuyên uống rượu say nôn ói đầy nhà và tự gây tai nạn cho mình… Còn ông G. cho biết, nguyên nhân ông mượn rượu giải sầu vì không chịu nổi người vợ quá quắt. Bây giờ thì họ đã “đường ai nấy đi” khi con gái duy nhất vào đại học.

Thực tế cho thấy, có không ít trường hợp các ông chồng nhu nhược, lười biếng, thiếu trách nhiệm dẫn đến bị vợ coi thường. Nhưng cũng có nhiều trường hợp các ông bị vợ đẩy vào tình thế chỉ biết phục tùng, thụ động, thậm chí không dám thể hiện ý kiến gì trong gia đình, nhất là khi thu nhập thua kém vợ. Một số khác coi chồng là sở hữu nên ngăn cấm mọi giao tiếp, quan hệ của chồng với bạn bè, đồng nghiệp, người thân; không hài lòng với chồng thì sẵn sàng “quậy tưng” làm mất danh dự của chồng, thậm chí đập phá đồ đạc, dọa ly hôn, tự vẫn để khủng bố tinh thần của chồng.

Theo thống kê của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, kết quả thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới cho thấy, năm 2023, số lượng nạn nhân là nam giới trong các vụ bạo lực gia đình có dấu hiệu gia tăng. Cụ thể, có hơn 3,2 ngàn vụ, trong đó 2,6 ngàn nạn nhân là nữ và 565 nạn nhân là nam, so với năm 2022, nạn nhân BHGĐ là nam giới tăng khoảng 9%.

Đối thoại trên tinh thần tôn trọng nhau

Lâu nay, những vụ chồng bạo hành vợ về thể chất rất dễ nhận diện nhưng những năm gần đây, cơ quan chức năng thực hiện những cuộc khảo sát về BHGĐ ở cả nam và nữ giới thì kết quả ghi nhận nhiều nam giới thừa nhận mình bị gây sức ép rất nhiều từ vợ.

Rõ ràng, dù là nam hay nữ thì bị BHGĐ cũng tác động tiêu cực đến đời sống của các nạn nhân cả về thể chất lẫn tinh thần. Hiện nay, với nam giới - người ta chỉ thống kê được số vụ bạo hành thể chất, nhưng còn bạo hành về tinh thần thì hầu như không thể, bởi các ông, các anh thường không hay kể lể, ngại chia sẻ những bất ổn trong cuộc sống gia đình mình với bạn bè, người thân vì sợ mất mặt, sợ bị xem là sợ vợ, lép vế…, nên phần lớn nam giới âm thầm chịu đựng.

Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Công Bình, Chánh văn phòng Hội Khoa học tâm lý - giáo dục tỉnh, do ít được giải tỏa tâm trạng nên tỷ lệ nam giới là nạn nhân của BHGĐ bị các chứng trầm cảm, tự ti, mất ngủ, căng thẳng cao hơn nữ giới. Các tác động tiêu cực này kéo dài sẽ phát sinh tình huống dễ có hành động bất cần, khó lường như đánh vợ, thậm chí giết vợ như đã từng xảy ra tại Đồng Nai và nhiều địa phương khác.

Là người từng hỗ trợ nhiều vụ ly hôn, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh), luật sư Ngô Văn Định cho rằng, bạo hành người khác là hành vi vi phạm pháp luật, đem đến rất nhiều hệ lụy cho người trong cuộc, dù là nam hay nữ. Để tránh bạo hành, trong gia đình, vợ chồng nên tôn trọng và có trách nhiệm với nhau. Nếu xảy ra mâu thuẫn thì ngồi lại đối thoại, cùng nhau giải quyết, tránh những lời nói, hành động gây tổn thương nhau.

“Hôn nhân là tự nguyện, dù chồng hay vợ ra xã hội kiếm tiền hay ở nhà làm hậu phương, họ đều xứng đáng được tôn trọng và yêu thương. Hạnh phúc không nằm ở việc ai thắng ai thua, mà ở sự đồng hành, chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau” - luật sư Ngô Văn Định chia sẻ.

An Nhiên

Từ khóa:

bạo hành

Tin xem nhiều