Báo Đồng Nai điện tử
En

Chính sách sở hữu nhà ở trong nước đối với kiều bào

Đoàn Phú
08:43, 06/08/2024

Nhà ở riêng lẻ là nhà ở được xây dựng trên thửa đất ở riêng biệt thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân hoặc trên đất thuê, đất mượn của tổ chức, cá nhân, bao gồm: nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập, được xây dựng với mục đích để ở hoặc mục đích sử dụng hỗn hợp.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở theo Luật Đất đai năm 2023. Trong ảnh: Một góc khu nhà ở thương mại tại phường Thống Nhất (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Đ.Phú

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài (gọi tắt là kiều bào) có được phép chuyển nhượng, sở hữu nhà ở riêng lẻ tại Việt Nam hay không? Đây là vấn đề được rất nhiều kiều bào ở nước ngoài, cũng như thân nhân của họ muốn biết.

Kiều bào có được sở hữu nhà ở Việt Nam?

Ông Nguyễn Lập (Việt kiều Mỹ, có người thân cư trú tại thành phố Biên Hòa) cho hay, sau thời gian định cư tại nước ngoài, nay ông muốn về nước mua đất xây nhà để mỗi lần về thăm quê hương ông có chỗ ở, không phải thuê khách sạn hay ở nhờ nhà người thân. Vậy ông có thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở riêng lẻ tại Việt Nam theo quy định của pháp luật đất đai, nhà ở hiện nay hay không?

Còn bà Diệp Thị Ngọc (ngụ huyện Định Quán) trình bày, người hàng xóm gần nhà bà có nhu cầu chuyển nhượng căn nhà và đất đang ở (đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Bà có điện thoại thông báo cho người em gái đang định cư tại nước ngoài mua. Bà Ngọc muốn biết, em gái của bà có được phép về nước chuyển nhượng nhà, đất và đứng tên chủ sở hữu, sử dụng nhà đất nói trên được không?

Vấn đề ông Nguyễn Lập và bà Diệp Thị Ngọc thắc mắc cũng là vấn đề nhiều kiều bào Việt Nam ở nước ngoài hay thân nhân của họ đang ở trong nước muốn biết khi Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-8-2024.

Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu cho biết, Đảng, Nhà nước luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của dân tộc Việt Nam. Đảng, Nhà nước hiện có chính sách chăm lo, hỗ trợ để kiều bào ổn định, hội nhập tốt vào xã hội sở tại; đồng thời, khuyến khích, tạo điều kiện để kiều bào hướng về quê hương, đóng góp cho đất nước. Trên tinh thần đó, Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 đã tạo điều kiện cho kiều bào sở hữu nhà ở trong nước.

Tại điểm b, khoản 2, Điều 8 Luật Nhà ở năm 2023 có quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai. Đồng thời, tại khoản 1, Điều 9 Luật Nhà ở năm 2023 còn có quy định, cá nhân có đủ điều kiện và có nhà ở hợp pháp quy định tại Điều 8 Luật Nhà ở năm 2023 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận quyền sở hữu nhà ở thông qua việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (trừ trường hợp nhà ở thuộc tài sản công). Trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận cho chủ sở hữu nhà ở được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.

“Như vậy, một khi kiều bào đủ điều kiện được quyền sở hữu nhà ở trong nước theo quy định pháp luật thì được nhận chuyển nhượng và đứng tên quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất” - luật gia Phan Văn Châu hướng dẫn.

Khoản 1, Điều 11 Luật Nhà ở năm 2023 quy định, chủ sở hữu nhà ở là người Việt Nam định cư ở nước ngoài có nghĩa vụ: sử dụng nhà ở đúng mục đích; thực hiện việc phòng cháy - chữa cháy, bảo đảm vệ sinh, môi trường, trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật; thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật khi bán, cho thuê mua, cho thuê, tặng cho, đổi, để thừa kế…

Giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện được sở hữu nhà

Điều 8 Luật Nhà ở năm 2023 có quy định đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong đó có người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch. Điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam trong đó có người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được sở hữu nhà ở gắn với quyền sử dụng đất ở theo quy định của pháp luật về đất đai. Chính phủ quy định cụ thể giấy tờ chứng minh về đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở.

Khoản 3, Điều 3 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Để hướng dẫn vấn đề này, luật sư Vũ Duy Nam (Đoàn Luật sư tỉnh) cho hay, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 95/2024/NĐ-CP ngày 24-7-2024 quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở năm 2024 (gọi tắt là Nghị định 95, có hiệu lực từ ngày 1-8-2024), hướng dẫn khoản 3, Điều 8 Luật Nhà ở năm 2023.

Tại điểm b, khoản 2, Điều 3 Nghị định 95 có quy định, giấy tờ chứng minh đối tượng là cá nhân được sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế theo pháp luật về xuất nhập cảnh và giấy tờ xác nhận là người gốc Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch.

Còn tại điểm b và c,  khoản 3, Điều 3 Nghị định 95 quy định, giấy tờ chứng minh điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam thì phải có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị có đóng dấu nhập cảnh vào Việt Nam tại thời điểm tạo lập nhà ở quy định tại khoản 2, Điều 8 của Luật Nhà ở năm 2023; đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì phải có hộ chiếu còn giá trị có đóng dấu nhập cảnh vào Việt Nam hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có đóng dấu kiểm chứng nhập cảnh vào Việt Nam tại thời điểm ký kết giao dịch về nhà ở.

Luật sư Vũ Duy Nam bày tỏ, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024 đã mở cơ hội cho kiều bào ở nước ngoài thuộc đối tượng được phép nhập cảnh vào Việt Nam có quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở. Điều này đã hạn chế rất lớn việc phát sinh tranh chấp so với việc kiều bào ở nước ngoài chuyển tiền về rồi nhờ người thân chuyển nhượng, đứng tên quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều