Báo Đồng Nai điện tử
En

Cẩn trọng với thực phẩm trước cổng bệnh viện

L.D
09:00, 07/08/2024

Xung quanh cổng một số bệnh viện tại thành phố Biên Hòa có nhiều hàng quán, xe đẩy, quầy hàng rong bán đồ ăn và nước uống. Tuy nhiên, việc chế biến, bảo quản thực phẩm tại một số điểm này còn tiềm ẩn nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) cao.

Quầy hàng rong, xe bán nước uống trước cửa Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) gần cống thoát nước và bãi rác tự phát. Ảnh: L.D

Chế biến, bảo quản không sạch sẽ

Trước cổng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (thuộc phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) có nhiều quầy hàng rong, xe đẩy bán thực phẩm. Một số hàng rong, xe đẩy bán thực phẩm này nằm sát quốc lộ 1, nơi có lưu lượng xe cộ qua lại đông đúc nhưng thực phẩm không được che chắn kỹ lưỡng. Đồ ăn trên các xe đẩy như: bánh mì, thịt, chả, rau thường được để trên kệ của xe đẩy từ sáng đến chiều trong thời tiết nắng nóng, dễ dẫn đến hư hỏng.

Tương tự, xung quanh khu vực bên ngoài cổng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, các quầy bán thức ăn chủ yếu tập trung vào các món ăn nhanh như: cơm, bánh mì và xôi có giá bình dân. Ngoài việc không che đậy thức ăn, chủ một số quầy bán hàng còn sử dụng tay không để chế biến, lấy thực phẩm bán cho khách.

Nhiều quầy hàng rong trước cổng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, đồ ăn, nước uống thường được đựng trong túi và hộp nhựa dùng một lần. Ngay cả thức ăn nóng như: cháo, phở, bún… cũng được đựng trong túi ny-lông, không đảm bảo ATTP và nguy cơ nhiễm vi hạt nhựa rất cao.

Những quầy hàng, xe đẩy bán thực phẩm trước cổng bệnh viện nêu trên hầu hết thu hút người mua chủ yếu vì giá thành rẻ, sự thuận tiện và nhanh chóng trong việc phục vụ.

Anh Phan Khắc Việt (ngụ huyện Cẩm Mỹ), thân nhân bệnh nhân điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, cho biết anh chọn mua thức ăn bên ngoài vì giá cả hợp lý, chỉ từ 10-25 ngàn đồng/món. Khi phải nuôi người nhà ở bệnh viện, chi phí phát sinh rất nhiều, nên việc tiết kiệm từ bữa ăn là rất quan trọng.

Sở Y tế đã giao cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh và các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo vệ sinh, điều kiện ATTP. Thực hiện nghiêm việc quản lý nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm và vệ sinh trong các khâu chế biến.

Chú ý kiểm soát ATTP đường phố

Sự chủ quan trong khâu bảo quản và chế biến thực phẩm không chỉ gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng, mà còn đe dọa sức khỏe của các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện. Nhiều người bán không chú ý bảo quản thực phẩm đúng cách khiến thức ăn dễ bị nhiễm khuẩn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe cộng đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 3 vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra ở thành phố Biên Hòa, thành phố Long Khánh và huyện Trảng Bom, làm khoảng 660 người phải nhập viện cấp cứu. Đáng chú ý, vụ ngộ độc nghiêm trọng nhất liên quan đến tiệm bánh mì Băng ở thành phố Long Khánh đã khiến 547 người nhập viện và một trường hợp tử vong tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (Thành phố Hồ Chí Minh). Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm là do thực phẩm bị nhiễm vi sinh trong quá trình chế biến.

Một người bán bánh mì trước cổng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai (thuộc phường Tam Hòa, thành phố Biên Hòa) không đeo găng tay khi làm thức ăn cho khách.

Theo Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, bệnh viện đã tăng cường công tác đảm bảo vệ sinh ATTP thông qua kiểm soát việc chấp hành các quy định về ATTP đối với các căng tin trong bệnh viện như: tập huấn vệ sinh ATTP; khám sức khỏe định kỳ theo quy định cho nhân viên; kiểm tra cách chế biến, bảo quản thực phẩm... Nhân viên căng tin trong bệnh viện cũng được tham gia các quy trình tập huấn phòng, chống nhiễm khuẩn. Riêng các quầy và xe đẩy hàng rong trước cổng bệnh viện thuộc thẩm quyền kiểm soát, xử lý của chính quyền địa phương. Việc bán thực phẩm ở các quầy và xe đẩy hàng rong không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất ATTP, mà còn gây mất mỹ quan xung quanh bệnh viện

“Đa phần những người bán hàng rong không được tập huấn về công tác đảm bảo vệ sinh ATTP. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng chế biến, bảo quản thực phẩm. Việc tiêu thụ những món ăn bị nhiễm khuẩn có thể gây triệu chứng tiêu hóa nghiêm trọng, đặc biệt đối với bệnh nhân và những người có sức đề kháng yếu” - đại diện Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết.

ThS-BS Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, khuyến cáo để đảm bảo ATTP cho thân nhân và bệnh nhi, quan trọng nhất người nhà bệnh nhân cần chọn mua thực phẩm đảm bảo ATTP để đảm bảo sức khỏe cho mình và người nhà khi đang điều trị tại bệnh viện. Ngoài ra, ngành chức năng cần kiểm tra để có hướng dẫn các điểm bán thực phẩm bên ngoài bệnh viện tuân thủ các quy định về ATTP; ít nhất cũng cần được tập huấn định kỳ về ATTP.                                

L.D

Tin xem nhiều