Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiệm cầm đồ đắt khách cùng các giải bóng đá quốc tế

Lê Duy
09:00, 16/07/2024

Trong khi nhiều người hâm mộ bóng đá tập trung dõi theo Giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro) 2024 và Cúp bóng đá Nam Mỹ (Copa America) 2024 diễn ra cách Việt Nam cả chục ngàn km thì những ngày qua, nhiều tiệm cầm đồ ở thành phố Biên Hòa có lượng khách đến cầm đồ tăng cao, trong đó có nhiều người “ăn ngủ cùng bóng đá”.

Những chiếc xe máy đã quá hạn trả lãi được một tiệm cầm đồ ở thành phố Biên Hòa treo bảng thanh lý. Ảnh: L.Duy

Cần tiền là có liền

Ven một số tuyến đường lớn tại thành phố Biên Hòa như: Nguyễn Ái Quốc, Phạm Văn Thuận, Bùi Văn Hòa... dễ dàng bắt gặp các tiệm cầm đồ với biển hiệu quảng cáo rực rỡ, một vài tiệm còn sử dụng bảng quảng cáo đèn LED để gây chú ý.

Hầu hết các tiệm cầm đồ này đều có nhiều xe máy. Một số tiệm còn xếp hẳn xe máy theo từng hàng ra ngoài vỉa hè, vì trong nhà không còn chỗ chứa (do đã quá hạn thanh toán nhưng người cầm không có tiền chuộc).

Anh M.N., chủ một cửa tiệm cầm đồ ven đường 518 (phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa), cho biết trong mùa Euro này, chủ tiệm cầm đồ phải có những chiêu hút khách như: giải ngân nhanh chóng, tiền “tươi” liền tay. Khi khách chỉ có ý định cầm cố tài sản vài ngày vì cần tiền trong thời gian ngắn, anh đều chấp nhận thỏa thuận, nhưng sẽ có những điều khoản để khiến khách hàng phải trả thêm phí.

“Bình thường, tôi cầm cố tài sản cho khách với lãi suất 6%/tháng. Nhưng nếu khách yêu cầu cần tiền nhanh chóng và cầm cố chỉ trong vài ngày để giải quyết công việc thì tôi nhích lãi suất lên một chút” - anh N. cho biết.

Theo anh M.N., nếu khách hàng chỉ cần cầm cố tài sản để có tiền giải quyết công việc thì nên lựa chọn cách cầm đồ theo tháng, vì lãi suất cố định. Còn vào dịp có các giải bóng đá quốc tế như Euro, Copa America khách sẽ cần tiền gấp, cầm cố tài sản chừng vài ngày để “gỡ kèo” thì sẽ tính lãi suất cao hơn. Ngoài ra, không chỉ tài sản, mà các giấy tờ như: căn cước công dân, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe… các tiệm cũng nhận cầm, nhưng chỉ được chừng vài trăm ngàn đồng.

Ngày 11-7, chủ một tiệm cầm đồ ở phường Hố Nai (thành phố Biên Hòa) xem qua xe máy của chúng tôi rồi báo giá cầm xe chừng 1 triệu đồng. Thủ tục cầm cố cũng rất nhanh gọn, khách hàng chỉ cần đưa giấy đăng ký xe và căn cước công dân là hoàn tất. Khi chúng tôi nói cần tiền “nóng”, chỉ vài ngày rồi thanh toán lại, chủ tiệm cầm đồ liền tăng giá cầm chiếc xe lên 5 triệu đồng, với mức lãi suất 150 ngàn đồng/10 ngày khi cầm “nóng”; nếu cầm tài sản trong một tháng thì tiền lãi sẽ là 250 ngàn đồng/tháng.

Một tiệm cầm đồ trên đường Nguyễn Văn Tiên (phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) tồn hàng loạt điện thoại di động, xe máy thanh lý từ những khách không chuộc được. Xe được xếp thành hàng trước cửa tiệm để rao bán với mức giá rẻ hơn giá trị thực. Khi chúng tôi đến cửa hàng này đề nghị cầm chiếc xe với lý do cần gấp chừng 10 triệu đồng, chủ tiệm xem qua giấy đăng ký xe và nhãn hiệu chiếc xe đang sử dụng liền đồng ý với mức giá vừa đề nghị. Tại đây, dịch vụ cầm đồ cho khách hàng với nhu cầu cầm tài sản mức lãi suất đến 6%/tháng. Nếu sau một tháng khách hàng không chuộc được, tài sản sẽ được cửa hàng thanh lý với giá “mềm”.

Theo Chỉ thị số 12-CT-TTg ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, các ngành chức năng và địa phương cần có giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ có những diễn biến phức tạp, cơ sở tham gia hoạt động “tín dụng đen” cho vay nặng lãi, gây hậu quả xấu đối với tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Chủ tiệm cầm đồ không được tự ý bán tài sản của khách cầm cố

Theo luật sư Nguyễn Duy Bá (Đoàn Luật sư Đồng Nai), khoản 1, Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi bởi điểm I, khoản 2, Điều 2 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, cho vay với lãi suất gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ
50-200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Ngoài ra, cầm cố tài sản là một trong những biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự (Điều 318 Bộ luật Dân sự năm 2015), là việc một bên (bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Việc cầm cố phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính (hợp đồng xác lập nghĩa vụ được bảo đảm). Theo đó, chủ tiệm cầm đồ (bên nhận cầm cố) không có quyền tự ý bán chiếc xe là tài sản cầm cố.

Trong trường hợp bên cầm cố thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nghĩa vụ của mình, tài sản phải được xử lý theo phương thức do các bên đã thỏa thuận hoặc được bán đấu giá theo quy định của pháp luật để thực hiện nghĩa vụ. Nếu chủ tiệm cầm đồ muốn trực tiếp bán chiếc xe cho người khác, phải có sự thỏa thuận trước với bên cầm cố tài sản.

Để ngăn chặn tệ nạn cờ bạc trong thời điểm diễn ra các giải bóng đá quốc tế như: Euro và Copa America, Bộ Công an và công an một số tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai, đã chủ động đấu tranh, triệt phá một số đường dây cá độ bóng đá quy mô lớn. Gần nhất, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã bắt 8 đối tượng trong đường dây cá độ bóng đá qua mạng quy mô lớn do Lê Việt Khanh (32 tuổi, ngụ huyện Thống Nhất) cầm đầu, bắt 8 đối tượng. Qua điều tra ban đầu, cơ quan công an xác định, từ đầu tháng 6-2024 đến nay, đường dây đánh bạc do Khanh cầm đầu đã giao dịch đánh bạc khoảng 577 ngàn điểm, tương đương 57 tỷ đồng.

Lê Duy

Tin xem nhiều