Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiểm họa cháy nhà ở đô thị

Đăng Tùng
09:00, 20/07/2024

Thời gian qua, một số tỉnh, thành trên cả nước liên tục xảy ra các vụ cháy nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trong đó, không ít vụ xảy ra ở nhà ống, nhà vừa ở, vừa sản xuất, kinh doanh tại các đô thị khiến nhiều người lo ngại.

Công an thành phố Biên Hòa hướng dẫn người dân chung cư C23 (phường Hòa Bình) thoát hiểm bằng thang dây. Ảnh: Đ.Tùng

Nguy cơ cháy còn cao

Khuya 13-7, người dân hẻm 497, đường Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp (Thành phố Hồ Chí Minh) bàng hoàng khi thấy căn nhà khoảng 40m2 trong hẻm bốc cháy dữ dội làm 3 người chết. Các nạn nhân được xác định là bà N.T.N.N. (93 tuổi, chủ căn nhà bị cháy) và 2 con là ông T.N.C. (52 tuổi), bà T.N.A.T. (58 tuổi).

Đáng nói, liên tục những tháng gần đây, tình hình cháy, nổ trên cả nước có chiều hướng diễn biến phức tạp, khó lường khi liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản. Các vụ cháy lớn chủ yếu xảy ra tại các đô thị tập trung dân đông đúc và có nhiều hẻm nhỏ.

Điển hình như ngày 16-6, căn nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tại phường Định Công, quận Hoàng Mai (Thành phố Hà Nội) xảy ra cháy làm 4 người chết. Nghiêm trọng hơn, ngày 24-5, căn nhà cho thuê trọ tại phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy (Thành phố Hà Nội) bốc cháy dữ dội làm 14 người chết.

Tại Đồng Nai, theo UBND tỉnh, từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 53 vụ cháy, làm 2 người chết, 3 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 13,88 tỷ đồng và 20 vụ đang thống kê thiệt hại. Trong tổng số 53 vụ cháy xảy ra, có 6 vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (chiếm 11,53%) và một số vụ cháy xảy ra tại nhà ở, kho bãi trong các khu dân cư, hẻm nhỏ.

Gần nhất, chiều 4-6, nhà bà N.T.T.S. (thuộc khu phố 4, phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) xảy ra cháy. 3 xe chữa cháy và gần 20 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) phải mất gần 90 phút để dập tắt được ngọn lửa bao trùm tầng trệt và gác lửng ngôi nhà. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng khiến người dân xung quanh một phen hoảng hốt.

Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24-6-2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh chỉ rõ tình hình cháy phức tạp nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một số nguyên nhân chủ yếu là: điều kiện cơ sở hạ tầng về giao thông, nguồn nước còn nhiều bất cập; một số nơi, chính quyền địa phương còn buông lỏng, chưa làm hết trách nhiệm trong việc quản lý nhà nước về xây dựng, về PCCC; nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân về công tác PCCC còn hạn chế; tình trạng vi phạm quy định của pháp luật về trật tự xây dựng, PCCC còn phổ biến…

Ngày 1-7, UBND tỉnh đã thành lập 928 tổ bảo vệ an ninh trật tự tại 928 ấp, khu phố trên toàn tỉnh với gần 4,3 ngàn thành viên. Đây là lực lượng hoạt động theo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở (có hiệu lực từ ngày 1-7-2024); trong đó có nhiệm vụ hỗ trợ PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại các khu dân cư.

Cần chú trọng từ khâu quy hoạch đô thị

Ban Chỉ đạo PCCC và cứu nạn, cứu hộ tỉnh nhận định, loại hình nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong các đô thị luôn có nguy cơ cháy, nổ cao hơn những nhà ở thông thường hoặc nhà ở vùng nông thôn. Vì vậy, việc PCCC đối với các loại hình nhà ở này phải được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm và coi đó là nhiệm vụ cấp bách.

Do đó, ngày 10-7, UBND tỉnh ban hành văn bản triển khai Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 24-6-2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh tập trung chỉ đạo công an các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, kiểm tra, nắm tình hình, đánh giá, phân tích mức độ nguy hiểm đối với nhà ở nhiều tầng, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đề tham mưu, hướng dẫn, áp dụng các biện pháp phòng ngừa cháy, nổ phù hợp, hiệu quả.

Lực lượng chữa cháy tại chỗ phường Tân Biên (thành phố Biên Hòa) tham gia chữa cháy vụ cháy nhà bà N.T.T.S. (thuộc khu phố 4, phường Tân Biên) vào chiều 4-6. Ảnh: CTV

Đồng thời, chủ tịch UBND các huyện, thành phố chỉ đạo rà soát quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị đối với khu dân cư, khu vực cải tạo, chỉnh trang đô thị, giải tỏa để có biện pháp, giải pháp hạn chế nguy cơ cháy, nổ. Đặc biệt, chú ý các điều kiện về giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Anh Trần Nhật Quang (ngụ phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa) đề nghị các phòng, ban, ngành địa phương phối hợp nâng cao chất lượng của lực lượng PCCC tại chỗ. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC để lực lượng tại chỗ có thể chữa cháy kịp thời, có hiệu quả, không lúng túng, bị động trong mọi tình huống cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ.

Tại thành phố Biên Hòa, Công an thành phố cũng đặt ra mục tiêu trong những tháng cuối năm 2024 sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan tuyên truyền, vận động 100% nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh từ 2 tầng trở lên (chưa có lối thoát nạn thứ 2) tự mở lối thoát nạn thứ 2, tự trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy, cứu nạn. Đồng thời, hướng dẫn, vận động nhiều người dân biết, cài đặt, sử dụng thường xuyên ứng dụng Báo cháy 114, Zalo Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Bộ Công an nhằm nâng cao kiến thức, nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân về công tác PCCC.         

Đăng Tùng

Tin xem nhiều