Trước niềm vui tăng lương cơ bản theo vùng từ ngày 1-7-2024, người lao động (NLĐ) cũng phập phồng lo lắng khi một số chủ nhà trọ đề nghị tăng giá tiền thuê trọ từ 10-15% so với giá cũ mà không có sự thỏa thuận với người thuê, dù hợp đồng thuê nhà chưa hết hạn.
Chị Nguyễn Thị Hồng (ngụ khu phố 2, phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) đang tìm chỗ thuê trọ mới khi chủ nhà trọ chị đang ở đề nghị tăng giá thuê phòng trọ từ ngày 1-8-2024. Ảnh: Đ.Phú |
Chủ nhà trọ muốn tăng giá cho thuê
Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút và giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, trong đó có nhiều lao động ngoại tỉnh. Do đó, nhu cầu thuê nhà trọ gần nơi làm việc của NLĐ rất lớn.
Từ ngày 1-7-2024, lương cơ bản theo vùng của NLĐ tăng bình quân từ 200-280 ngàn đồng/tháng theo Nghị định 74/2024/NĐ-CP ngày 30-6-2024 của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động. NLĐ chưa kịp mừng vì lương tăng lại lo lắng khi giá cho thuê nhà trọ rục rịch tăng.
Một số chủ nhà trọ đưa ra lý do, thu nhập của họ phụ thuộc vào việc cho thuê phòng trọ, nhà trọ và giá cả thị trường có xu hướng tăng. Do đó, việc họ quyết định điều chỉnh giá thuê phòng trọ nhằm phù hợp với mức thu nhập của người thuê, thu nhập của bản thân, giá cả thị trường…
“Tôi chỉ tăng 300-500 ngàn đồng/phòng trọ/tháng. Theo tôi, việc này không gây khó khăn đối với người thuê trọ, bởi mỗi phòng trọ từ 2-4 người thuê ở nên tăng thêm một chút tiền phòng cũng không đáng kể” - ông P.V.N. (chủ một khu nhà trọ ở khu phố 4, phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) bộc bạch.
Tuy nhiên, việc tăng giá thuê trọ đột ngột đối với người thuê trọ của ông P.V.N. liệu có hợp lý, đúng quy định pháp luật? Bởi theo người thuê trọ, hợp đồng thuê nhà trọ của họ hiện chưa hết hạn, nếu họ không đồng tình với việc tăng giá đó thì họ có bị chủ nhà trọ đơn phương cắt hợp đồng thuê không?
Bà Nguyễn Hồng Mỹ (quê tỉnh Bến Tre, tạm trú tại khu phố 8, phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) cho biết, gia đình bà có 4 người (vợ chồng, con trai và cháu). Dù các thành viên trong gia đình có công việc, nơi làm khác nhau nhưng để thuận tiện cho quá trình cư trú, tiết kiệm chi phí nên quyết định thuê nhà của ông B.V.B. (cùng địa chỉ) để ở. Vợ chồng bà đứng ra ký hợp đồng thuê nhà 2 năm (từ ngày 1-1-2023 đến ngày 1-1-2025) với ông B., giá 2,5 triệu đồng/tháng (tiền điện, nước tính riêng).
“Chủ nhà trọ vừa thông báo, tới ngày 1-8, ông ấy sẽ hủy hợp đồng thuê nhà cũ dù chưa đến hạn, hai bên ký lại hợp đồng thuê nhà mới với thời hạn thuê 1 năm, giá thuê 3 triệu đồng/tháng. Như vậy có được không?” - bà Nguyễn Hồng Mỹ thắc mắc.
Điểm a, khoản 2, Điều 161 Luật Nhà ở năm 2023 (có hiệu lực từ ngày 1-8-2024) quy định, bên thuê nhà ở nếu là cá nhân trong nước thì không bắt buộc phải có đăng ký cư trú tại nơi thuê.
Không phải muốn tăng là tăng
Vấn đề này, theo luật sư Vũ Duy Nam (Đoàn Luật sư tỉnh), hợp đồng thuê nhà trọ là giao dịch dân sự, được điều chỉnh bởi các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Nhà ở năm 2014 (từ ngày 1-8-2024 thì được điều chỉnh bởi Luật Nhà ở năm 2023).
Theo Điều 472 Bộ luật Dân sự năm 2015, hợp đồng thuê tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Bên cho thuê giao tài sản cho bên thuê để sử dụng trong một thời hạn, bên thuê phải trả tiền thuê. Hợp đồng thuê nhà ở, hợp đồng thuê nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Nhà ở năm 2023 và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Còn giá thuê và thời hạn thuê nhà được Điều 473 và Điều 474 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cụ thể như sau: giá thuê do các bên thỏa thuận hoặc do người thứ 3 xác định theo yêu cầu của các bên, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng thì giá thuê được xác định theo giá thị trường tại địa điểm và thời điểm giao kết hợp đồng thuê.
Thời hạn thuê do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì được xác định theo mục đích thuê. Trường hợp các bên không thỏa thuận về thời hạn thuê và thời hạn thuê không thể xác định được theo mục đích thuê thì mỗi bên có quyền chấm dứt hợp đồng bất cứ lúc nào, nhưng phải thông báo cho bên kia trước một thời gian hợp lý.
Luật sư Vũ Duy Nam hướng dẫn, với các hợp đồng thuê nhà trọ mà trong hợp đồng quy định rõ thời gian thuê, giá thuê, phương thức thanh toán… như trường hợp giữa vợ chồng bà Nguyễn Hồng Mỹ với chủ nhà trọ B.V.B. thì các bên cứ vậy thực hiện theo hợp đồng cho tới thời điểm hợp đồng hết hạn. Tức là chủ nhà trọ không được tự ý, hay lấy bất kỳ lý do nào để tăng giá thuê trái với những điều hai bên đã giao kết trong hợp đồng. Trừ trường hợp bên thuê nhà trọ đồng ý hoặc bên thuê nhà trọ vi phạm nghĩa vụ bảo quản tài sản (Điều 479), vi phạm nghĩa vụ sử dụng tài sản thuê đúng công dụng, mục đích (Điều 480), vi phạm trả tiền thuê (Điều 481) của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì chủ nhà trọ mới được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng.
“Hợp đồng thuê nhà ở do các bên thỏa thuận và phải được lập thành văn bản bao gồm nhiều nội dung như: họ tên, địa chỉ các bên; mô tả đặc điểm của nhà thuê và đặc điểm thửa đất ở gắn liền với nhà thuê; thời hạn và phương thức thanh toán; quyền và nghĩa vụ của các bên… Bên nào vi phạm hợp đồng và gây thiệt hại cho bên kia thì phải bồi thường” - luật sư Vũ Duy Nam lưu ý.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin