Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội: Quy định có nhưng xử lý khó (Bài 1)

An Nhiên
09:16, 17/07/2024

Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Điều đáng nói là các quy định chế tài đối với những DN này đã có, nhưng thực tế xử lý lại rất khó. Tình trạng “quýt làm cam chịu” đang gây bức xúc cho không ít người lao động khi quyền lợi hợp pháp, chính đáng của họ bị ảnh hưởng.

Người lao động đến Bảo hiểm xã hội tỉnh để được tư vấn về hướng giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Ảnh: A.Nhiên
Người lao động đến Bảo hiểm xã hội tỉnh để được tư vấn về hướng giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội khi doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội. Ảnh: A.Nhiên

>>>>Bài 1: Điểm mặt những doanh nghiệp nợ bảo hiểm khó đòi

Mặc dù Cơ quan BHXH tỉnh và các cơ quan liên quan đã phối hợp thực hiện nhiều giải pháp để thu hồi nợ BHXH nhưng đến nay nhiều DN chấp nhận chịu phạt, chấp nhận nộp lãi, tiếp tục chây ì các khoản nợ BHXH. Còn về phía người lao động, do nhu cầu việc làm, vì kế sinh nhai mà chưa dám mạnh mẽ đấu tranh bảo vệ quyền lợi của mình.

Nợ mới chồng nợ cũ…

Theo BHXH tỉnh, tính đến ngày 30-6-2024, toàn tỉnh có hơn 1,5 ngàn DN nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên. Tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN và bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Đứng đầu trong danh sách chây ì là Công ty CP L-4 (đóng tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1, phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa) nợ BHXH thời gian dài: 115 tháng (tương đương gần 10 năm) với số tiền nợ BHXH  là 20 tỷ đồng.

Được biết, từ năm 2006, sau khi cổ phần hóa, hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty CP L-4 giảm sút, tình trạng nợ lương và các khoản trợ cấp xảy ra như cơm bữa. Nhiều lao động vì nhu cầu việc làm và vì muốn lấy lại quyền lợi của mình nên vẫn nấn ná ở lại làm việc. Do công ty nợ lương và nợ BHXH, BHYT, BHTN quá lâu nên công nhân nghỉ việc mà không được giải quyết các khoản trợ cấp theo quy định, dẫn đến tình trạng hàng trăm người lao động bức xúc vì bị mất quyền lợi.

Thời gian qua, BHXH tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tiến hành nhắc nhở,  kiểm tra, đôn đốc, mời đại diện công ty đến làm việc nhiều lần, thậm chí lập biên bản và xử phạt hàng chục lần nhưng DN vẫn chây ì. Lý do mà lãnh đạo Công ty CP L-4 đưa ra là từ khi cổ phần hóa, hoạt động của DN giảm sút. Trước đó, để buộc công ty giải quyết cho người lao động, BHXH tỉnh đã gửi báo cáo lên Tỉnh ủy, các cơ quan chức năng vào cuộc nhưng vẫn chưa thể thu hồi được khoản nợ.

Cũng thuộc “top” nợ khó đòi, Công ty TNHH K. (Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn, xã Long An, huyện Long Thành) nợ BHXH, BHYT, BHTN của người lao động hơn 7,1 tỷ đồng; Công ty TNHH B.T. (đường số 3, Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, huyện Nhơn Trạch) nợ 11 tháng  BHXH với hơn 4,4 tỷ đồng. Còn Công ty TNHH T.L. (đóng tại xã Xuân Hòa, huyện Xuân Lộc) đã khiến nhiều người lao động gặp khó khăn khi nợ của công nhân 11 tháng BHXH với số tiền hơn 1,5 tỷ đồng.

Ngoài các DN sản xuất nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN còn có những đơn vị giáo dục như: Trường TH-THCS-THPT L. (huyện Tân Phú) nợ khoảng 3,2 tỷ đồng BHXH với thời gian kỷ lục: 142 tháng (gần 12 năm)...

Tại hội nghị lấy ý kiến Luật BHXH sửa đổi (ngày 16-4), Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đã chỉ đạo cơ quan BHXH tỉnh phối hợp với các sở, ngành, đơn vị quản lý liên quan thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị đóng tiền BHXH, BHYT, BHTN hàng tháng kịp thời, đúng kỳ hạn. Rà soát, có các giải pháp thu hồi nợ BHXH, BHYT, nhất là BHTN, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Công khai trên các phương tiện truyền thông về người sử dụng lao động vi phạm nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BHTN theo quy định; chủ động phối hợp với Công an tỉnh có các biện pháp hạn chế xuất cảnh đối với chủ DN nhằm tránh tình trạng chủ DN là người nước ngoài bỏ trốn.

Nhiều lý do để chây ì, nợ đọng…

Hiện nay, danh sách nợ BHXH, BHYT, BHTN ngày càng nhiều hơn. Phần lớn những DN này nợ BHXH kéo dài phổ biến từ 12-30 tháng, nhưng cá biệt có DN nợ kéo dài đến 115, 141 tháng nên đã và đang gây nhiều khó khăn cho công tác thu BHXH, cũng như giải quyết các chính sách BHXH, an sinh xã hội cho người lao động khi không được hưởng các chế độ trợ cấp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, trợ cấp thất nghiệp kịp thời.

Giám đốc BHXH tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chây ì, nợ đọng BHXH. Ngoài nguyên nhân do tác động của dịch bệnh Covid-19, xung đột, căng thẳng tại một số nơi trên thế giới gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong những năm qua…, còn có tình trạng chủ sử dụng lao động chưa nghiêm túc trong việc tuân thủ pháp luật về trích nộp BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động. Ngoài ra, còn có nguyên nhân từ việc DN thay đổi chủ sở hữu, người quản lý, không có người làm chuyên trách công tác BHXH, để chậm đóng kéo dài rồi chuyển tư cách pháp nhân, chuyển trụ sở không liên hệ được...

Cũng theo ông Thành, trong quá trình làm việc với các DN nợ đọng BHXH, đoàn kiểm tra đánh giá có những DN gặp khó khăn thực sự, nhưng không ít DN đã lợi dụng khó khăn chung để cố tình chiếm đoạt vốn của người lao động.

Trước thực trạng các DN nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN ngày càng nhiều, càng khó đòi, BHXH tỉnh cũng đã phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm tra, đôn đốc việc đóng BHXH cũng như thu hồi công nợ. Từ đầu năm 2024 đến nay, BHXH tỉnh đã tiến hành thanh tra đột xuất nhiều DN chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN và đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với 120 đơn vị vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 3,2 tỷ đồng. Sau dịp thanh tra này, số tiền các đơn vị khắc phục được hơn 29,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, đây chỉ là khoản rất nhỏ so với tổng số nợ đọng BHXH trên địa bàn tỉnh hiện nay.

DN nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động bị xử lý thế nào?

Theo khoản 1, Điều 39 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17-1-2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, DN trốn đóng BHXH cho người lao động nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt từ 50-70 triệu đồng; không đóng cho toàn bộ người lao động thì bị phạt từ 18-20% tổng số tiền phải đóng tại thời điểm lập biên bản, nhưng không quá 75 triệu đồng.

Trường hợp trốn đóng BHXH cho toàn bộ người lao động và tái vi phạm nhiều lần sẽ bị phạt từ 200 triệu đồng đến 3 tỷ đồng đối với tổ chức, DN; phạt từ 50-500 triệu đồng, phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm đối với cá nhân theo Điều 216 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

An Nhiên

Bài 2: Ngược xuôi đòi quyền lợi

Tin xem nhiều
Phân phối máy lạnh multi Samsung giá rẻĐại lý Bếp từ tại Vinh