Hiện nay, tình trạng mua bán tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội (MXH) diễn ra sôi động và phức tạp.
Một đoạn trao đổi mua bán tài khoản ngân hàng trên Messenger. |
Chỉ với từ khóa tìm kiếm trên MXH Facebook như: “mua bán tài khoản ngân hàng”, “cho thuê tài khoản”... sẽ hiện ra nhiều hội nhóm với lượng thành viên từ vài ngàn đến vài chục ngàn người. Việc rao bán tài khoản ngân hàng trong các nhóm này diễn ra thường xuyên với các bài đăng về nhu cầu mua bán tài khoản ngân hàng mỗi ngày.
Dễ dàng mua tài khoản ngân hàng trên MXH
Để hiểu rõ việc mua bán tài khoản ngân hàng trên MXH, chúng tôi tham gia vào nhóm Facebook “KYC Ngân hàng - Mua bán tài khoản ngân hàng” với hơn 50 ngàn thành viên. Chỉ chưa đầy 1 giờ sau khi đăng bài về việc có nhu cầu mua tài khoản ngân hàng, chúng tôi nhận được hàng chục bình luận rao bán tài khoản với đủ các dịch vụ và giá tiền khác nhau.
Qua trao đổi với tài khoản Facebook L.T.T., chúng tôi được biết có thể mua tài khoản ngân hàng online với thông tin ảo không chính chủ của nhiều ngân hàng với mức giá chỉ 600 ngàn đồng/tài khoản. Thủ tục đăng ký tài khoản online rất nhanh gọn, không cần xác minh căn cước công dân, thông tin cá nhân; chỉ cần có sim điện thoại để đăng ký là được, cần tên gì có tên đó. Thời gian mở tài khoản ngân hàng online chỉ cần 10 phút là đăng ký xong và có tài khoản giao cho khách hàng.
“Việc mở tài khoản ngân hàng theo tên hiện chỉ còn một số ngân hàng có thể làm được vì nhiều ngân hàng khác hiện nay phải thực hiện sinh trắc học nên cần nhận diện người dùng qua khuôn mặt” - tài khoản Facebook L.T.T. cho hay.
Trong khi đó, tài khoản Facebook tên N.P. lại chào mời chúng tôi dịch vụ mở tài khoản bank quầy (mở tài khoản trực tiếp tại ngân hàng). Đây là dịch vụ mở tài khoản chính chủ với hình thức full lãi suất (loại tài khoản có thể nhận được lãi suất tối đa từ số tiền gửi) và hạn mức cao nên có giá 1,5 triệu đồng/tài khoản (bao gồm cả sim, thẻ ngân hàng và ứng dụng banking). Việc mở tài khoản ngân hàng hoàn toàn bằng thông tin và tên người bán, người mua chỉ cần ở nhà là có người giao tới, kiểm tra xong mới thanh toán.
Đặc biệt, tài khoản Facebook K.G. cho biết, có thể đáp ứng được yêu cầu mở tài khoản với số lượng 50 tài khoản, mở càng nhiều giá càng giảm. Chi phí để mở tài khoản ngân hàng là 1,6 triệu đồng/tài khoản ngân hàng với hạn mức được phép thanh toán là 100 triệu đồng/tháng.
“Để không vi phạm pháp luật, người dân không được thực hiện các hành vi như: mua bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng” - luật sư NGUYỄN ĐỨC, Đoàn Luật sư tỉnh, lưu ý.
Không để bị lợi dụng cho các mục đích bất hợp pháp
Theo cảnh báo của cơ quan chức năng, việc mua bán tài khoản ngân hàng bị pháp luật nghiêm cấm. Các tài khoản được mua bán sau đó thường được lợi dụng vào các mục đích vi phạm pháp luật như: rửa tiền, trốn thuế, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
Luật sư Nguyễn Đức (Đoàn Luật sư tỉnh) cho biết, khoản 1, Điều 291 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 20-100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Thu thập trái phép thông tin tài khoản ngân hàng với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 100-200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Thu thập trái phép thông tin tài khoản ngân hàng với số lượng 200 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính trên 200 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 2-7 năm.
Một nhóm mua bán tài khoản ngân hàng công khai trên mạng xã hội Facebook. |
“Người có hành vi thu thập trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, hình phạt bổ sung cho người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc ít nhất từ 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản” - luật sư Nguyễn Đức cho hay.
Thông tin từ Công an tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, Công an tỉnh tiếp nhận, xử lý 125 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; trong đó tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra 76 vụ, số tiền bị chiếm đoạt trên 325,4 tỷ đồng. Nổi lên là vụ nguyên Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch Nguyễn Thị Giang Hương bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 171 tỷ đồng. Theo Công an tỉnh, thủ đoạn của các đối tượng trong vụ việc này không mới. Tiền sau khi chiếm đoạt được, các đối tượng đã chuyển qua nhiều tài khoản và chuyển ra nước ngoài.
Trước tình hình đó, ngày 21-6, Sở Thông tin và truyền thông có văn bản đề nghị các cơ quan báo chí và UBND các huyện, thành phố (chỉ đạo hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã) tuyên truyền cảnh báo tới người dân và các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên, người chưa thành niên về các phương thức, thủ đoạn của đối tượng tội phạm; các hành vi bị cấm trong hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán; tuyên truyền về tác hại của việc mua, bán tài khoản thanh toán của học sinh, sinh viên và các quy định xử phạt vi phạm hành chính nhằm nâng cao nhận thức về tuân thủ pháp luật và có biện pháp phòng, chống hiệu quả, không để bị lợi dụng cho các mục đích bất hợp pháp.
Lê Duy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin