Báo Đồng Nai điện tử
En

Nở rộ “cày” game khuya mùa hè

Lê Duy
07:51, 10/06/2024

Những ngày hè này, dạo quanh những quán net ở thành phố Biên Hòa, dễ bắt gặp hình ảnh đằng sau ánh đèn đủ màu sắc nhấp nháy không ngừng, cùng với tiếng nhạc sôi động từ những trò chơi điện tử, là nhiều người trẻ chìm đắm trong thế giới ảo. Tại những nơi này, đêm thay vì là thời gian để nghỉ ngơi thì lại là thời điểm “cày” game lý tưởng của các game thủ. 

Một quán net ở thành phố Biên Hòa còn hoạt động sau 22h. Ảnh: L.Duy
Một quán net ở thành phố Biên Hòa còn hoạt động sau 22h. Ảnh: L.Duy

Tình trạng “nghiện” game và thức khuya “cày” game đang trở nên phổ biến hơn vào thời gian nghỉ hè. Trước nhu cầu chơi game mùa hè tăng, một số quán net cũng “lén lút” mở cửa sau 22h, thậm chí mở cửa xuyên đêm để phục vụ khách.

“Cày” game sau 22h

Quán net nằm trên đường 518 (thuộc phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa), dù đã qua 22h nhưng vẫn hoạt động lén lút qua mặt cơ quan chức năng bằng nhiều cách.

Để thâm nhập vào bên trong, chúng tôi đã đi cùng với một game thủ lão làng thường xuyên lui tới tiệm game này như một hình thức giải trí hàng đêm. Để tiện cho các game thủ, sau 22h, tiệm game này đặt một chuông cửa bên ngoài, khi khách có nhu cầu cày game xuyên đêm, chỉ cần nhấn chuông, nhân viên mở cửa cho vào rồi đóng lại ngay sau đó.

Tương tự, trên đường Lý Văn Sâm (thuộc phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa), một tiệm net rất đông game thủ ghé đến cũng thường mở cửa xuyên đêm (nếu khách có nhu cầu). Tại đây, còn có nhiều ưu đãi để giữ chân khách hàng nếu chơi từ 22h-7h hôm sau. Trong giao diện trên hệ thống máy tính của quán net, khi khách hàng vào chơi còn có cả hội nhóm “chat” để các game thủ tiện giao lưu và trao đổi nội bộ trong quán.

Còn trên đường Đồng Khởi (thuộc phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa), một quán net khác cũng “bí mật” hoạt động sau 22h. Quán net này bố trí nhân viên túc trực, sẵn sàng đón chờ, mở cửa khi có khách hàng muốn đến “cày” game khuya và đóng cửa lại ngay sau đó để qua mặt lực lượng chức năng.

Qua lời giới thiệu từ nhân viên các quán net nêu trên, để dễ dàng cho khách hàng lựa chọn “cày” game đêm, tại đây sẽ có các chương trình ưu đãi giờ chơi kèm nước ngọt hoặc đồ ăn khuya. Khi khách hàng lựa chọn những chương trình này sẽ được hướng dẫn vào khu vực chơi game. Các quán thường nhận khách đến chơi game từ 22h-5h30 hôm sau. Vì vậy, những game thủ lựa chọn chơi game đêm, sẽ phải ở lại cho đến khi tiệm mở cửa vào sáng sớm hôm sau.

“Nghiện game ảnh hưởng tiêu cực đến thời gian học tập, sinh hoạt, vận động thể chất, cũng như sự phát triển tinh thần và thể chất của thanh, thiếu niên. Dễ sinh ra cáu gắt, bỏ bê học tập, lừa dối cha mẹ, trộm cắp tiền bạc của người thân, bạn bè. Đáng chú ý, đã có không ít trẻ em “nghiện” game nên bỏ bê ăn uống, ngủ nghỉ... làm thể chất và tâm thần suy giảm dẫn đến suy kiệt, trầm cảm” - bác sĩ Trần Tấn Thuyết (chuyên khoa 2 tâm thần - Giám định viên Viện Pháp y tâm thần Trung ương, đóng tại thành phố Biên Hòa) khuyến cáo.

Theo ghi nhận, lượng khách đến quán net phần lớn là các thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên từ 16-25 tuổi. Họ thường đi theo một nhóm chơi cùng một tựa game chung, có khi dành rất nhiều tiền để mua các vật phẩm trong game chỉ để thi đua xem ai giỏi hơn.

Dù biết việc đắm chìm trong thế giới ảo sẽ kéo theo nhiều hệ lụy như: sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng kết quả học tập hay nghiêm trọng hơn là bị “nghiện” game nhưng không ít thanh, thiếu niên vẫn phớt lờ.

T.D. (sinh viên Trường đại học Đồng Nai, ngụ phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) cho biết, anh là khách quen của vài quán net ở thành phố Biên Hòa, ban ngày đi học trên trường nhưng đêm đến sẽ thường xuyên ghé quán net để “cày” game cùng bạn bè. Có những hôm vì chơi quá nhiều, anh thường sẽ ngủ lại tại quán rồi mới trở về nhà vào sáng hôm sau. Thông thường như vậy rất mệt. Nhiều hôm đi học toàn ngủ gật, không nghe được giáo viên giảng gì”.

 Con theo em P.T.V. (15 tuổi, học sinh một trường trung học cơ sở ở thành phố Biên Hòa), vào dịp nghỉ hè là lúc em thường dành nhiều thời gian vào trò chơi điện tử. Em thường xuyên dành cả đêm để “cày” game cùng bạn bè. Việc “cày” game vào ban đêm giúp em gặp được nhiều “lão làng” trong tựa game hơn, từ đó nâng cao khả năng chơi để kịp thời có vị trí trên bảng xếp hạng. Hậu quả sau những đêm mất ngủ vì chơi điện tử, là cả ngày hôm sau luôn trong tình trạng không tỉnh táo, lơ mơ ngủ gật suốt ngày.

Tác hại khôn lường

Theo luật sư Nguyễn Duy Bá, Đoàn Luật sư Đồng Nai, căn cứ điểm d, khoản 3, Điều 105, Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng thì các điểm cung cấp trò chơi điện tử công cộng, các quán net không được hoạt động từ 22h-8h sáng hôm sau. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử phạt từ 5-10 triệu đồng.

Tác hại của việc nghiện game. Tranh minh họa: Lê Duy
Tác hại của việc nghiện game. Tranh minh họa: Lê Duy

Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 106 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định xử phạt đối với người chơi. Cụ thể phạt từ 600 ngàn đến 1 triệu đồng đối với hành vi không chấp hành quy định về quản lý giờ chơi tại điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng. Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với một trong các hành vi lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia; mua, bán vật phẩm ảo hoặc đơn vị ảo hoặc điểm thưởng.

“Các quán net cần chấp hành đúng quy định của pháp luật, phải có phần mềm theo dõi lưu trữ thông tin khách hàng, hạn chế việc sử dụng internet cho mục đích xấu, phải chấp hành quy định về giờ mở cửa, tuyệt đối không phục vụ khách sau 22h” - luật sư Nguyễn Duy Bá lưu ý.

Thạc sĩ Cao Thị Huyền, giảng viên tâm lý học Trường đại học Đồng Nai cho biết, những học sinh - sinh viên “nghiện” game thường thức khuya để chơi game, nên ít đến lớp (cúp tiết) vào ngày hôm sau. Nếu các em có đến thì cũng trong tình trạng lờ đờ, mất tập trung hoặc ngủ gật trên bàn. Điều này dẫn đến hậu quả không hoàn thành nhiệm vụ học tập như: không hoàn thành bài tập về nhà, không chuẩn bị bài mới, tiếp thu bài giảng kém và không tham gia hoạt động nhóm trên lớp. Về lâu về dài, kết quả học tập giảm sút, chán học, bỏ học và thậm chí có thể bị lưu ban, bị đuổi học.

Ngoài ra, đối với trẻ em, “nghiện” game dễ bị rối loạn tâm sinh lý, một phần do hưng phấn hoặc quá khích khi chơi game, do bị ảnh hưởng bởi tính cách của các nhân vật trong game, nên dễ trở nên cáu gắt, hung hăng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường.

Lê Duy

Tin xem nhiều