Quyền đơn phương ly hôn của người chồng bị hạn chế trong trường hợp người vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Luật gia Nguyễn Xuân Thanh, Hội Luật gia tỉnh (trái), giải đáp thắc mắc cho người dân tại buổi tuyên truyền ở xã Cây Gáo (huyện Trảng Bom). Ảnh: Đ.Phú |
Đáng chú ý, từ ngày 1-7-2024, theo Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16-5-2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình (viết tắt Nghị quyết 01), ngay cả khi vợ đang mang thai (không phải con chung của vợ chồng) thì người chồng cũng không có quyền đơn phương ly hôn.
Vợ mang thai với người khác, chồng cũng không được ly hôn
Ly hôn là quyền của vợ, chồng khi một hoặc cả 2 có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì có quyền đơn phương hoặc đồng thuận yêu cầu ly hôn.
Quyền này được pháp luật thừa nhận tại Điều 55 (Thuận tình ly hôn) và Điều 56 (Ly hôn theo yêu cầu của một bên) của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Tuy nhiên, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 hạn chế quyền đơn phương ly hôn của người chồng trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi
(khoản 3, Điều 51).
Ngoài ra, khoản 4, Điều 2, Nghị quyết 01 nêu rõ, trường hợp vợ đang có thai, sinh con thì chồng không có quyền yêu cầu ly hôn mà không phân biệt vợ có thai, sinh con với ai.
Đây là quy định mới được nhiều người quan tâm. Ông N.V.H. (ngụ xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ) đặt vấn đề, điều luật quy định như vậy liệu có bất công đối với người chồng khi chồng phát hiện vợ mang thai với người khác, con của vợ sinh ra không phải là con chung của vợ chồng, nhưng luật buộc người chồng phải thừa nhận đó là con chung và thực hiện đúng nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng theo
quy định pháp luật.
“Khoản 2, Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 chỉ cho phép chồng không thừa nhận mối quan hệ cha con khi có căn cứ và chứng minh được cái thai, đứa trẻ vợ sinh ra không phải là con mình. Tuy nhiên, dù chứng minh được nhưng người chồng vẫn không được quyền đơn phương yêu cầu ly hôn theo khoản 3, Điều 51, như vậy là không công bằng” - ông N.V.H. bày tỏ.
Đồng thời, Nghị quyết 01 còn hướng dẫn thêm về trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì việc xác định quyền yêu cầu giải quyết ly hôn của chồng như sau: chồng của người mang thai hộ không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi hoặc khi người mang thai hộ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi (khoản 6, Điều 2).
Khoản 1, Điều 2 Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP ngày 16-5-2024 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn, “đang có thai” quy định tại khoản 3, Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là khoảng thời gian vợ mang trong mình bào thai và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến thời điểm sinh con hoặc thời điểm đình chỉ thai nghén.
Quy định nhân văn
Luật gia Nguyễn Xuân Thanh (Hội Luật gia tỉnh) cho biết, khi Nghị quyết 01 có hiệu lực thì những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết trường hợp người chồng đơn phương yêu cầu ly hôn được giải tỏa. Bởi Nghị quyết 01 đã hướng dẫn rất cụ thể về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn quy định tại khoản 3, Điều 51 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014; được các cấp tòa lấy đó làm cơ sở, căn cứ trong việc từ chối thụ lý hoặc bác yêu cầu đơn phương ly hôn của người chồng.
Theo một thẩm phán của Tòa án nhân tỉnh (đã về hưu), vấn đề bác đơn yêu cầu đơn phương ly hôn của người chồng khi căn cứ vào khoản 3, Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 được các cấp tòa án áp dụng xuyên suốt kể từ ngày 1-1-2015 (thời điểm luật này có hiệu lực thi hành). Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, các cấp tòa cũng gặp phải sự phản kháng từ phía người yêu cầu ly hôn, thân nhân của họ và ngay cả giới luật sư cũng bức xúc với việc pháp luật hạn chế quyền đơn phương ly hôn của người chồng trong trường hợp vợ ngoại tình có thai, mang thai và nuôi con dưới 12 tháng tuổi mà bào thai, người con đó không phải của chồng là thiếu bình đẳng.
Tuy nhiên, một số ý kiến chuyên gia pháp lý cho rằng, việc pháp luật hạn chế quyền đơn phương yêu cầu ly hôn của người chồng trong các trường hợp này là nhân văn, hướng tới bảo vệ người mẹ trong thời kỳ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Khi hết khoảng thời gian hạn chế quyền này thì người chồng được quyền yêu cầu ly hôn người vợ bất cứ lúc nào nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin