Báo Đồng Nai điện tử
En

Giải quyết tranh chấp lối đi chung: Cần pháp lý và đạo lý

Đoàn Phú
09:00, 28/06/2024

Quyền về cấp, thoát nước; quyền về lối dẫn tưới nước, tiêu nước trong canh tác… là một số quyền trong những quyền quan trọng mà các chủ thể có quyền đối với bất động sản liền kề.

Con rạch thoát nước ở ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình (huyện Vĩnh Cửu) đang có sự tranh chấp giữa các hộ dân. Ảnh: D.Quỳnh

Các quyền này được quy định khá cụ thể tại Luật Đất đai năm 2024, có hiệu lực từ ngày 1-8-2024 và Bộ luật Dân sự năm 2015.

Người nói có, người nói không

3 hộ dân: N.V.N., H.M.T., N.H.Đ.B. (cùng ngụ ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) phản ánh, xung quanh đất của các ông trước kia có một con rạch chung được sử dụng để làm nguồn nước tưới cây trồng. Vừa qua, ông T.V.T. (một hộ có đất liền kề) đã tự ý san lấp một phần con rạch này, dẫn tới việc tưới cây và thoát nước mưa của các hộ dân xung quanh bị ảnh hưởng như: nước không có lối thoát gây ngập úng, việc san lấp gây hư hỏng đường, tường rào…

Để giải quyết vấn đề trên, 3 hộ dân này đã tìm gặp chủ đất là ông T.V.T. yêu cầu khôi phục rạch thoát nước như hiện trạng ban đầu, nhưng không thành. Chính vì vậy, các hộ dân đã làm đơn gửi UBND xã Tân Bình yêu cầu giải quyết vì cho rằng, ông T.V.T. tự ý chiếm dụng một phần mương thoát nước; yêu cầu ông T.V.T. có trách nhiệm khôi phục con rạch nguyên trạng như ban đầu; không được chở đất đá quá tải đi vào đường hẻm.

Tuy nhiên, theo ông T.V.T., rạch thoát nước này trên bản đồ địa chính hiện không tồn tại nên việc ông san lấp rạch trong quá trình khai thác, sử dụng thửa đất không có gì là vi phạm. Bên cạnh đó, trong quá trình ông T.V.T. san lấp, nếu có ảnh hưởng tới việc sử dụng đất (SDĐ) của các hộ xung quanh thì các bên gặp nhau thương lượng.

Hay như trường hợp của ông N.V.P. (ngụ xã Núi Tượng, huyện Tân Phú) phản ánh về việc bị hộ ông H.N.D. (có đất liền kề) xây dựng lấn chiếm, chặn lối đi chung. Trong khi đó, ông H.N.D. cho biết, trên bản đồ địa chính hiện tại được địa phương công bố không thể hiện lối đi chung này nên ông có quyền xây dựng.

Theo Luật Đất đai năm 2013, Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Nếu các bên tranh chấp vẫn không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định.

Giải quyết bất đồng

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tân Bình Lê Văn Thành cho biết, việc tranh chấp mương thoát nước giữa các hộ dân tại ấp Vĩnh Hiệp với ông T.V.T. sẽ được địa phương giải quyết dựa trên kỹ thuật “chồng ghép” các bản đồ hiện trạng để xác định lại sự tồn tại của mương thoát nước này, rồi có hướng giải quyết tiếp theo.

Luật sư Lê Văn Bá (Đoàn Luật sư Đồng Nai) cho biết, việc tranh chấp lối đi, thoát nước giữa những hộ có quyền SDĐ liền kề nhau là khó tránh khỏi trong quá trình các bên SDĐ. Do đây là mâu thuẫn nội bộ của các hộ dân trong SDĐ nên cách giải quyết tốt đẹp và ổn thỏa nhất vẫn là căn cứ pháp luật và “tình làng, nghĩa xóm”.

Cụ thể, với 2 vụ việc nêu trên, trong giải quyết phải đảm bảo quyền của người SDĐ hợp pháp theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 (nay là Luật Đất đai năm 2024). Đồng thời, tuân thủ các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền đối với bất động sản liền kề.

Chẳng hạn, giải quyết vụ việc căn cứ theo khoản 1, Điều 171 Luật Đất đai năm 2013 hoặc khoản 1, Điều 29 Luật Đất đai năm 2024 quy định về quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề như: bao gồm quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí gas; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, vụ việc còn có thể căn cứ vào Điều 248 (nguyên tắc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề), Điều 252 (quyền về cấp, thoát nước qua bất động sản liền kề), Điều 253 (quyền về tưới nước, tiêu nước trong canh tác) và Điều 254 (quyền về lối đi qua) của Bộ luật Dân sự năm 2015.

Theo đó, việc thực hiện quyền đối với bất động sản liền kề cần theo thỏa thuận của các bên. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thực hiện theo các nguyên tắc bảo đảm nhu cầu hợp lý của việc khai thác bất động sản hưởng quyền phù hợp với mục đích sử dụng của cả bất động sản hưởng quyền và bất động sản chịu hưởng quyền; không được lạm dụng quyền đối với bất động sản chịu hưởng quyền; không được thực hiện hành vi ngăn cản hoặc làm cho việc thực hiện quyền đối với bất động sản hưởng quyền trở nên khó khăn.

Cũng theo luật sư Lê Văn Bá, các bên tranh chấp mương thoát nước, lối đi chung trước kia có, nhưng nay không còn tồn tại hoặc không xác định rõ ở vị trí nào trên bản đồ địa chính mới thì cần áp dụng kỹ thuật “chồng ghép” giữa bản đồ mới và cũ để xác định, đối chiếu. Nếu việc “chồng ghép” khẳng định không có mương, lối đi chung thì xem như nó không tồn tại; ngược lại, bản đồ cũ có có mương, lối đi chung thì áp dụng theo bản đồ cũ để xác định.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều