Ngày 15-5, Bộ Y tế chính thức cấp phép lưu hành tại Việt Nam loại vaccine Qdenga phòng bệnh sốt xuất huyết (SXH). Đây là vaccine phòng SXH đầu tiên được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, được xem là “vũ khí” mới trong công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm này. Tuy nhiên, theo TS-BS TRẦN MINH HÒA, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, dù có vaccine phòng bệnh SXH nhưng người dân không nên chủ quan.
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, TS-BS Trần Minh Hòa. |
* Hiện nay, dịch bệnh SXH đang vào mùa. Ông có nhận định gì về tình hình dịch bệnh này trên địa bàn Đồng Nai?
- Bệnh SXH xuất hiện quanh năm, nhưng thường gây thành dịch vào các tháng mưa. Những ngày gần đây, số ca mắc SXH tại Đồng Nai có xu hướng tăng cao và ngày 15-4 đã có ca tử vong là một nữ sinh 15 tuổi ở thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu). Các địa phương có số ca mắc SXH tăng cao là: Long Khánh, Biên Hòa, Long Thành, Tân Phú và Cẩm Mỹ.
Trước tình hình dịch bệnh SXH phức tạp, tỉnh đã ban hành văn bản về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh SXH trên địa bàn, đẩy mạnh truyền thông vận động, khuyến khích người dân tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH. Tuy nhiên, Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp đông dân cư, nhiều khu nhà trọ công nhân có điều kiện vệ sinh chưa tốt nên dịch bệnh SXH đang gia tăng, nhất là vào mùa mưa.
SXH là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Xin ông nói rõ hơn về sự nguy hiểm của dịch bệnh này.
- SXH là một bệnh truyền nhiễm do virus dengue, được muỗi Aedes aegypti là trung gian truyền bệnh. Mùa mưa và môi trường có nhiều vật chứa nước là điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển. Khi bị muỗi đốt, ở thể nhẹ, người bệnh có các triệu chứng như cảm, sốt hoặc phát ban. Nhưng nếu không được xử trí kịp thời, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như: xuất huyết nặng, suy tim, sốc do mất máu, xuất huyết não, tràn dịch màng phổi, suy đa tạng… dẫn đến tử vong. Do có 4 tuýp virus dengue khác nhau (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4) nên một người sống tại vùng dịch có thể bị SXH nhiều lần do nhiễm những tuýp khác nhau.
* Mới đây, Bộ Y tế đã cấp phép lưu hành vaccine phòng bệnh SXH tại Việt Nam. Theo ông, loại vaccine này sẽ góp phần vào công tác phòng, chống dịch bệnh SXH như thế nào?
- Tiêm vaccine phòng bệnh SXH là một biện pháp đặc hiệu, cần thiết để tạo ra kháng thể trong cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh, bảo vệ cộng đồng trước nguy cơ lây lan và hậu quả nặng nề của dịch bệnh này.
Hiện nhiều người dân quan tâm đến độ an toàn của vaccine phòng SXH. Ông cho biết thêm những thông tin về vaccine này.
- Vaccine phòng bệnh SXH mà Bộ Y tế phê duyệt, chính thức cho lưu hành tại Việt Nam là vaccine Qdenga, do Công ty Dược phẩm Takeda (Nhật Bản) sản xuất, có hiệu lực bảo vệ hơn 80% và giảm số ca tử vong đến 50%. Vaccine này có thể ngừa cả 4 tuýp huyết thanh của virus dengue (DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4). Vaccine này có thể tiêm cho trẻ từ 4 tuổi trở lên, bất kể đã mắc bệnh SXH hay chưa. Lịch tiêm 2 mũi cách nhau 3 tháng. Vaccine này đã được phê duyệt, tiêm ở 30 quốc gia, trong đó có những quốc gia đã đưa vào tiêm chủng mở rộng… đều an toàn và hiệu quả cao.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Nai, năm 2023, toàn tỉnh có hơn 5,5 ngàn ca mắc bệnh SXH, trong đó có 5 ca tử vong. Riêng 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ghi nhận gần 800 ca mắc SXH, trong đó có 1 ca tử vong.
* Tiêm vaccine SXH phòng bệnh được bao lâu? Những tác dụng phụ là gì và đối tượng nào khuyến cáo nên tiêm vaccine SXH, thưa ông?
- Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vaccine phòng bệnh SXH này có thời gian bảo vệ 4-5 năm sau liều thứ 2. Về tác dụng phụ, sau khi tiêm vaccine SXH có thể bị đau, sưng tại chỗ tiêm và sốt nhẹ…, nhưng các tác dụng phụ này sẽ mất trong vòng vài ngày sau khi tiêm. Về đối tượng tiêm vaccine SXH, WHO cũng khuyến cáo nên áp dụng cho cả trẻ em và người lớn trong độ tuổi từ 4-45.
Dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng nhanh trong mùa mưa. Trong ảnh: Một bệnh nhi bị sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu |
Vậy bao giờ người dân mới có thể được tiêm vaccine phòng bệnh SXH? Khi có nhu cầu sẽ đến đâu để được tiêm? Giá mỗi liều vaccine là bao nhiêu, thưa ông?
- Theo dự kiến của Bộ Y tế, đến tháng 9-2024, vaccine phòng bệnh SXH mới có tại Việt Nam. Từ khi vaccine về đến Việt Nam cho đến khi tiêm cho người dân cũng cần có thời gian để chuẩn bị và thực hiện một số phần việc nhằm bảo đảm quy trình phân phối, tiêm chủng được thuận tiện, an toàn. Lúc đó, người dân có nhu cầu sẽ đến những trung tâm tiêm chủng, cơ sở y tế được chọn lọc để tiêm. Về giá vaccine, hiện Chính phủ cũng như Bộ Y tế vẫn đang hoàn tất việc đặt hàng nên vẫn chưa có giá chính thức cho mỗi liều vaccine phòng SXH.
* Ngoài việc tiêm vaccine phòng bệnh, người dân cần làm gì để không bị mắc bệnh SXH?
- Thời gian tới, dù đã có vaccine phòng bệnh SXH nhưng đây cũng chỉ là một biện pháp bổ sung, chưa triển khai được trên diện rộng, chưa đưa vào tiêm chủng mở rộng. Người dân không nên chủ quan, mà cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh SXH như: diệt muỗi, diệt lăng quăng; vệ sinh môi trường nơi sinh sống, xử lý các vật chứa nước để không còn chỗ cho muỗi đẻ trứng; khi ngủ phải mắc mùng... Khi phát hiện các dấu hiệu nặng của bệnh như: sốt cao, nôn ói, mệt mỏi và phát ban, xuất huyết nên nhanh chóng đến bệnh viện khám và điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng và tử vong.
* Xin cảm ơn ông!
Phương Liễu (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin