Báo Đồng Nai điện tử
En

Đề xuất tăng số ngày lấy thuốc của người bệnh mạn tính từ 30 ngày lên tối đa 90 ngày

Phương Liễu
09:00, 21/05/2024

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam mới đây đã đề xuất nâng thời gian kê đơn thuốc điều trị bệnh mạn tính (đái tháo đường, tăng huyết áp...) đã ổn định lên tối thiểu 60 ngày và tối đa 90 ngày, thay vì 30 ngày như hiện nay.

Sắp tới, người bệnh mạn tính có thể nhận được thuốc tới 2-3 tháng/lần. Trong ảnh: Người bệnh nhận thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: P.Liễu

Rất nhiều người đồng thuận với đề xuất này, bởi không chỉ giúp tiết kiệm tiền bạc, thời gian, công sức của người bệnh, mà còn giảm tải bệnh viện khi người bệnh giãn thời gian đến khám bệnh, lấy thuốc.

Người bệnh đỡ khổ

Hiện việc cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân bệnh mạn tính dạng đã ổn định được quy định tại khoản 5, Điều 4 Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29-12-2017 của Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú, số lượng thuốc được kê thực hiện theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị do Bộ Y tế ban hành tối đa không quá 30 ngày.

Mới đây, BHXH Việt Nam đã đề xuất tăng số ngày kê đơn thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) từ 30 ngày lên tối thiểu 60 ngày và tối đa 90 ngày.

Theo Phó tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa, khi đề xuất tăng ngày cấp thuốc, ngành BHXH đã dựa trên ý kiến chuyên môn là toa thuốc điều trị cho bệnh nhân bệnh mạn tính thường là ổn định, không cần phải thay đổi hàng tháng. Còn nhu cầu thực tế của người bệnh mạn tính thì chỉ cần uống thuốc duy trì, nên việc cấp thuốc dài ngày hơn là phù hợp với thực tế.

Theo BHXH Việt Nam, đề xuất tăng số ngày kê đơn thuốc điều trị ngoại trú cho nhóm bệnh nhân này là để tạo điều kiện cho cả người bệnh lẫn bệnh viện khi giãn thời gian tái khám, bệnh nhân không mất công đi lại, mất thời gian, tốn chi phí; còn bệnh bệnh viện sẽ giảm tải trong khám, chữa bệnh BHYT đối với bệnh nhân mạn tính đã điều trị ổn định.

Ông Nguyễn Đức Hòa cho biết thêm, từ năm 2023 đến nay, BHXH Việt Nam đã 2 lần gửi văn bản đến Bộ Y tế đề xuất về việc nâng thời gian kê đơn thuốc BHYT. Bởi thực tế, trong thời gian phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế cũng đã triển khai kê đơn thuốc 3 tháng/lần đối với một số bệnh mạn tính và thấy không có biến chứng phát sinh.

Thực tế, những người mắc các bệnh mạn tính thường là người già, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, mỗi khi khám bệnh lấy thuốc phải có con cháu đi cùng. Vì vậy, thông tin đề xuất được nhận thuốc BHYT lên đến 60, thậm chí là 90 ngày khiến nhiều người bệnh phấn khởi.

Ông Nguyễn Văn Lai (78 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) bị bệnh cao huyết áp nhiều năm, cho biết bệnh của ông được điều trị ổn định. Bác sĩ cho toa thuốc duy trì hàng tháng đều giống nhau. Mỗi tháng ông đi tái khám, con ông phải nghỉ làm một buổi để đưa ông đi, do ông không thể đi khám bệnh một mình.

“Bệnh ổn định, toa thuốc hầu như không thay đổi hàng tháng thì cho bệnh nhân lãnh thuốc lên 60 ngày hay 90 ngày thì bệnh nhân cũng uống thuốc như thế, nhưng những người cao tuổi như tôi đỡ phải đi lại nhiều lần, mất thời gian chờ đợi và bớt tốn kém” - ông Lai cho hay.

Bị bệnh đái tháo đường đã 6 năm, bà Võ Thị Thu (72 tuổi, ngụ phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) cũng phấn khởi trước thông tin khả năng được nhận thuốc điều trị bệnh một lần tới 2-3 tháng.

Bà Thu cho biết: “Mỗi tháng tôi phải đi 10km và qua 2 chặng xe buýt để đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tái khám, lấy thuốc. Vì bệnh đái tháo đường của tôi ổn định nên 3 tháng tôi mới phải xét nghiệm máu kiểm tra một lần. Dù có BHYT thì mỗi lần đi khám bệnh tôi cũng tốn khoảng 400 ngàn đồng, chưa kể đến bệnh viện người bệnh đông, đứng ngồi chen chúc, chờ đợi mệt mỏi. Được cấp 2-3 tháng thuốc một lần, chúng tôi yên tâm ở nhà uống thuốc điều trị, vừa đỡ vất vả, vừa đỡ tốn kém”.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Bình, mọi quy định đều hướng tới mục tiêu cao nhất là bảo đảm sức khỏe cho người bệnh. Với một số bệnh mạn tính phổ biến như: đái tháo đường, cao huyết áp…, hiện có nhiều công cụ, phương tiện để bệnh nhân theo dõi tình trạng bệnh ngay tại nhà. Do đó, việc tăng số ngày cấp thuốc với bệnh mạn tính sẽ góp phần giảm tải không cần thiết ở nhiều cơ sở y tế, giảm chi phí cho cả bệnh nhân và Quỹ BHYT… Mong rằng, Bộ Y tế và các đơn vị liên quan nghiên cứu, sớm ban hành quy định để góp phần tạo thuận lợi cho cả người bệnh, cơ sở y tế và Quỹ BHYT.

Chỉ lo ảnh hưởng đến chất lượng điều trị

Theo Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tường Quang, hiện mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 2 ngàn lượt bệnh nhân khám, chữa bệnh ngoại trú. Việc giảm số lượt thăm khám tuy ảnh hưởng đến nguồn thu của bệnh viện nhưng không lớn, bởi số tiền này vẫn nằm trong Quỹ BHYT. Nhưng trái lại, sẽ giúp bệnh viện giảm tải và nâng chất hơn khi bác sĩ có thời gian tư vấn, tầm soát kỹ hơn, tương tác với bệnh nhân nhiều hơn.

Lãnh đạo ngành y tế và một số bệnh viện, trung tâm y tế cũng đồng thuận với đề xuất tăng số ngày cấp thuốc BHYT cho bệnh nhân bệnh mạn tính, nhưng cũng băn khoăn về việc người bệnh 2-3 tháng mới tái khám sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu, bác sĩ chuyên khoa II Hồ Văn Hoài cho biết: “Kê toa cấp thuốc dài ngày sẽ tạo thuận lợi cho bệnh nhân. Tuy nhiên, chỉ nên kê đơn tăng từ 30 ngày lên 60 ngày, chứ lấn tới 90 ngày thì dài quá. Bởi với bệnh nhân mắc bệnh mạn tính như: cao huyết áp, đái tháo đường, bác sĩ sẽ tùy thuộc vào bệnh trạng từng bệnh nhân để quyết định cấp thuốc. Kéo dài thời gian tái khám trong trường hợp bệnh trạng có biến chứng, người bệnh sẽ không được thăm khám, điều trị kịp thời”.

Phương Liễu

Tin xem nhiều