Ngập một số tuyến đường khi mưa lớn là vấn đề thường xuyên ở thành phố Biên Hòa. Ngoài lý do địa hình, hệ thống thoát nước chung chưa theo kịp tốc độ phát triển của đô thị thì việc vứt rác bừa bãi gây ách tắc dòng chảy cũng là một trong những nguyên nhân khiến nước mưa thoát không kịp, gây ngập.
Một điểm thoát nước gần công viên 30-4 (thuộc phường Tân Biên, thành phố Biên Hòa) thường xuyên có rác lấp kín mặt phên. Ảnh: P.Liễu |
Tình trạng người dân đem rác đặt ở cột đèn, vỉa hè để nhân viên vệ sinh thu gom hiện còn phổ biến. Rác vứt bừa bãi, nhiều bịch bị rách khiến rác rơi vãi, nhân viên vệ sinh thu gom rác không hết dẫn đến tình trạng rác bị trôi tràn xuống đường, cuốn theo dòng nước rồi mắc lại tại miệng, nắp cống, mương thoát nước, dẫn đến dòng nước bị chặn lại, gây ngập.
Nhiều điểm thoát nước bị bịt kín rác
Mới vài cơn mưa đầu mùa nhưng một số tuyến đường ở thành phố Biên Hòa, nước đã ngập kéo dài gây khó khăn, bất tiện cho sinh hoạt và đi lại của người dân. Trong đó, một số khu vực nội ô có tình trạng ngập sâu như: đường Đồng Khởi (đoạn qua UBND phường Tân Hiệp ở cả 2 chiều), đường Phạm Văn Khoai (hướng từ sân vận động tỉnh về đường Đồng Khởi, phường Tân Hiệp), đường Dương Tử Giang (gần công viên Dương Tử Giang, phường Tân Tiến), đường Trần Quốc Toản (phường An Bình và Bình Đa)...
Trên quốc lộ 1, đoạn gần Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (đoạn qua phường Tân Biên), vốn là “rốn ngập” mỗi khi mùa mưa đến. Nặng hơn là khu vực công viên 30-4, cứ mưa lớn là nước ngập sâu khiến nhiều phương tiện bị chết máy.
Trên nhiều tuyến đường, các cống, mương đều có nắp đậy là tấm phên sắt để tiêu, thoát nước mưa, nhưng hình ảnh dễ thấy là mỗi khi mưa xuống, một lượng lớn cành, lá cây và cả bịch rác bằng ny-lông trôi theo dòng nước rồi bám đầy miệng cống, mương thoát nước, khi nước mưa dồn về ồ ạt, các cống, mương không thoát nước kịp sẽ gây ngập.
Nhà ở mặt phố tuyến quốc lộ 1, bà Phí Thị Hoàng (ngụ khu phố 3, phường Tân Biên) chỉ cho chúng tôi xem nhiều bọc rác đặt trên vỉa hè và cả dưới lòng đường ở hai bên phố.
Bà Hoàng nói: “Rác của người đi đường vứt xuống, rác của nhà dân đem ra và rác từ hoạt động buôn bán ở khu vực chợ Sặt đổ ra nhiều đống lớn. Khi có mưa, dòng nước chảy mạnh đã cuốn theo những bọc rác này dồn vào các cống thoát nước khiến nước mưa không thoát được thì tất nhiên phải ngập lên”.
Bà Hoàng cho rằng, không còn rác tồn đọng trên đường thì cống sẽ thoát nước nhanh hơn.
Tại khu vực thắt cổ chai, đoạn giao nhau giữa đường Phạm Văn Thuận (phường Tam Hòa) và đường Trần Quốc Toản (phường Bình Đa) thường xuyên bị ngập mỗi khi có mưa lớn. Qua quan sát quanh nút giao này, có 6 điểm thoát nước là những tấm phên song sắt nhưng tất cả nếu không bị rác lấp kín thì người dân cũng bịt kín lại bằng nhiều vật liệu như: chiếu cũ, bao nhựa dày, bao cát hoặc mảnh tôn, bên trên có những cục đá đè lên để chống mùi hôi từ cống bốc lên. Điều này lý giải vì sao khu vực này cứ mưa là ngập sâu.
Ông Trần Văn Ngân, nhà ở ngay khu vực ngã ba khu vực giao 2 tuyến đường Phạm Văn Thuận và Trần Quốc Toản, cho biết: “Trước đây, cứ thấy trời chuyển cơn mưa, đích thân tôi phải đi dỡ mấy tấm chắn, thu những bọc rác đặt ở miệng cống thoát nước để có mưa thì nước có chỗ thoát. Nhưng đi dỡ ra thì bị các hộ dân khác mắng, vì bị mùi hôi dưới cống bốc lên. Riết rồi tôi không làm nữa”.
Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐCP ngày 7-7-2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh bảo vệ môi trường nêu rõ, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển.
Muốn bớt ngập, đường phải sạch rác
Thông tin từ Phòng Quản lý đô thị thành phố Biên Hòa, thành phố đang tập trung đẩy nhanh việc triển khai các công trình chống ngập; khơi thông, nạo vét các cống, mương, suối... Đôn đốc các đơn vị thầu dịch vụ công ích tổ chức kiểm tra, nạo vét hệ thống mương cống, kênh rạch trên địa bàn thành phố để bảo đảm khả năng thoát nước thông thoáng. Tuy nhiên, qua khảo sát các nguyên nhân dẫn đến tình trạng mưa là ngập ở thành phố Biên Hòa, phần lớn là do nhiều người ở các khu dân cư chưa ý thức việc bỏ rác thải đúng nơi quy định, còn vứt rác bừa bãi xuống sông, suối, kênh, mương hoặc tự bịt các họng thoát nước trên đường phố… đã gây thêm khó khăn cho việc tiêu thoát nước mỗi khi có mưa to.
Về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết, hiện công tác kiểm tra, giám sát tình trạng bỏ rác không đúng nơi quy định, xả rác thải bừa bãi xuống các suối, kênh mương trên địa bàn các xã, phường được triển khai thường xuyên. Tuy nhiên, việc bắt quả tang, xử lý đối với hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường còn khó khăn và hạn chế, do không ít người lợi dụng trưa vắng, đêm tối, khi trời mưa to lén đổ rác vẫn còn xảy ra. Do đó, để góp phần giải quyết tình trạng ngập nước, cần người dân chung tay trong việc đem rác ra ngoài đúng giờ và bỏ rác đúng nơi quy định; không lấp rác hay dùng các vật liệu chặn đường thoát nước… Có như vậy thì tình trạng ngập nước sau mưa mới hy vọng được cải thiện.
“Thời gian qua, thành phố đã lưu ý chính quyền các phường, xã phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp đổ, thải, bỏ rác thải không đúng nơi quy định, gây tắc nghẽn và hạn chế khả năng thoát nước trên đường trong và sau mưa; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân đô thị trong việc không xả rác thải bừa bãi ra môi trường” - Phó chủ tịch UBND thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh cho biết.
Phương Liễu
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin